Tôi cưới vợ đã 19 năm, sau một lần quen nhau tình cờ cô ấy ở một đám cưới tại miền Tây. Sau khi cưới, tôi cho vợ ở nhà để làm việc nhà, lo cho con. Tôi không cần cuộc sống giàu sang mà vợ chồng đầu tắt mặt tối, không thời gian chơi với con. Vợ tôi cũng chỉ học đến lớp 12, nếu đi làm lương cũng không cao, khó có tiền đồ.
Cuộc sống của vợ chồng sẽ bình yên nếu nhà tôi không có những vị khách quen thuộc là em, cháu của vợ lên ở cùng.
|
|
Tôi gồng gánh gia đình mình và gia đình vợ đến mỏi mệt (Ảnh minh họa) |
Ngay từ lúc vợ tôi mới mang thai, vợ chồng tôi ở nhà thuê, tôi đã được gửi gắm, kèm cặp em gái vợ lên học đại học vì “sợ nó ở bên ngoài sẽ hư”. Nhà vợ tôi bảo em ở nhà tôi cũng để có thể phụ giúp vợ tôi khi thai nghén, ốm đau.
Tiếng là giúp, nhưng mấy khi thấy cô ấy ở nhà, giúp nấu được bữa cơm hay phụ việc nhà. Vợ tôi bênh: “Để cho nó học. Ở quê lên muốn học kịp dân thành phố đâu có dễ”.
Được chiều nên cô em càng né việc, còn tự tiện, khi thì lấy cái áo, “mượn” đôi giày của vợ tôi mà không nói gì. Dù vậy, vợ tôi vẫn thỉnh thoảng cho cả tiền sinh hoạt phí “để cho nó không tủi thân với bạn bè”.
Chuyện nay cầm cái này của tôi, mai lấy cái khác của vợ chồng tôi giờ là chuyện bình thường. "Thì cho nó mượn một chút, người nhà cả mà" là câu cửa miệng của vợ tôi mỗi khi tôi cằn nhằn về việc bị xâm phạm quyền riêng tư.
Nhà tôi trở thành điểm đón tiếp mỗi khi bên vợ có việc, nhất là sau khi tôi mua được nhà, dành riêng một phòng cho khách.
Tôi luôn trong thế bị động vì ngày mai nhà đón khách bên vợ thì tối nay tôi mới được “báo hỉ”, đành niềm nở, ưng thuận. Hết em lại tới cháu lên học đại học, học nghề, lên tìm việc mà chưa tìm phòng trọ... nhà tôi luôn như khách sạn 0 đồng với bà con bên vợ.
Có lần tôi đi làm về, bực mình cãi cọ với vợ rồi quát cô ấy vài câu mà không chú ý đứa cháu vợ trong phòng. Thế là hai ngày sau mẹ vợ tôi điện thoại lên. Bà mát mẻ rằng tình nghĩa mới quan trọng, tiền tôi kiếm được có bằng mười mà không có vợ giúp sức cho trong ấm ngoài êm thì cũng bằng không. Đừng cậy mình là trưởng phòng kinh doanh, có tiền mà coi rẻ các thứ khác... Từ đấy, ở trong nhà mình mà tôi luôn có cảm giác là khách trọ vì phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.
Chuyện đâu chỉ có vậy. Do không có phòng dư để đón thêm khách bên gia đình tôi mà tôi bị bà con bên nội lạnh nhạt. Có lần chú tôi muốn ở nhà tôi để nuôi bệnh người nhà bên vợ chú. Tôi từ chối với lý do nhà đang sửa. Thế nhưng chú vẫn nhiệt tình, tìm ra địa chỉ rồi đem quà đến nhà tôi.
Đúng lúc ấy cháu vợ tôi đang ở nhà, cháu thay mặt vợ chồng tôi tiếp. Hậu quả là sau này khi tôi về đám tiệc, chú đều cạch mặt tôi. Mặc cho tôi giải thích hay ba tôi xin chú bỏ qua.
Có lần trong cuộc nhậu, tôi buồn miệng kể cho cậu bạn nghe chuyện nhà. Bạn cười: "Gì chứ chuyện đó dễ mà, cứ nghe tôi, giải quyết trong vài nốt nhạc".
|
|
Bà nội lên ở dài ngày giúp tôi thực hiện "mưu sự" bạn tôi chỉ bày (Ảnh minh họa) |
Thế rồi vài ngày sau, má tôi đùm túm đồ ở quê lên, khóc với vợ tôi vì rằng ba tôi già rồi còn sinh tật, mê một bà bán vé số hay đi ngang. "Chuyến này má đi luôn, cho ổng làm gì thì làm", má tôi cương quyết.
Mẹ tôi có tật ngủ ngáy và cũng khó ăn, khó ngủ, nên tôi thu xếp cho bà ở phòng riêng. Con gái 12 tuổi ẩm ương của tôi sang ở chung phòng với cháu vợ. Và kỳ lạ thay, chỉ hai tuần sau thì cô ấy xin vợ chồng tôi cho ra ngoài ở riêng.
Sau khi trật tự được lập lại, tôi đãi cậu bạn "quân sư" một chầu nhậu, cũng là dịp mừng ngày tôi được... giải phóng. Đúng là mẹ tôi buồn chuyện của ba tôi, muốn lên thành phố sống cùng tôi ít hôm, nhưng bà vốn biết nhà tôi lúc nào cũng chật chội, lại sẵn tâm lý sợ phiền con. Nếu cậu bạn không bày kế và tôi không về năn nỉ mẹ thì tôi cũng không thể thành công như mong muốn. Tôi cũng băn khoăn, áy náy khi nghĩ cảnh đứa cháu vợ phải ra ngoài thuê trọ sống, nhưng cháu lớn rồi và tôi cũng phải sống cuộc đời của mình, phải không?
Tôi tiết lộ bí kíp này để anh em nào từng mắc kẹt như tôi có thể tham khảo học hỏi.
Theo phụ nữ TPHCM