Cô mặc nguyên bộ đồ ngủ bằng lụa, thả phịch người xuống cái ghế xoay trong phòng làm việc. Anh chồng đã vào việc từ sớm, vừa thấy vợ đã phì cười:
- Nay mặc hẳn đồ ngủ à?
Cô quay qua nhìn kiểu hăm dọa:
- Anh… phán xét trang phục à? Có ai quy định phải mặc “sơ-vin” gõ báo cáo đâu?
- Mọi hôm gõ báo cáo trên cơ quan em cũng mặc đồ vậy à? - giọng chồng đầy khiêu khích.
- Ơ, lên cơ quan thì lúc nào cũng phải áo váy chứ! - cô đáp.
- Ừ thì… nghe nói em mặc đẹp là vì bản thân! Nay dịch giã nên để quên bản thân ở văn phòng luôn rồi à?
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Anh chồng vừa nói vừa gật gù, mặt đắc ý, trong khi mắt vẫn dán vào màn hình máy tính. Cô lườm hắn thật dài. Ấm ức mãi không tập trung được, cô lẻn ra khỏi phòng, quay về tủ quần áo của mình.
Cánh cửa tủ như mở ra một chân trời phù phiếm. Gần hai tháng nay cô không dùng đến ngăn áo váy này. Những ngày đầu làm việc tại nhà, cô mặc váy freesize, chất liệu thân thiện - loại trang phục cô hay dùng để đi picnic hoặc đi siêu thị. Nhưng được vài hôm, cô chuyển sang các bộ quần alibaba và áo croptop rộng.
Mọi sự cứ “tiến triển” dần và hôm nay là ngày đầu tiên cô bước vào giai đoạn có gì mặc nấy. Cô bê hẳn bộ đồ ngủ từ phòng ăn vào phòng làm việc.
Nhìn qua bao bộ cánh đẹp đẽ mình vẫn mặc đi làm trước nay, cô chợt phì cười. Còn nhớ nhiều buổi sáng cô phải thay ra thay vô mấy bộ đồ. Anh chồng chờ lâu, vừa chớm cằn nhằn thì đã bị cô nguýt một cái rõ sắc:
- Em mặc đẹp là vì bản thân! Anh hy sinh một chút thời gian cho tinh thần của vợ thì có gì là to tát.
Anh chồng tịt ngòi. Từ đó anh ngoan ngoãn lướt điện thoại để chờ vợ trong những buổi sáng.
Còn hễ vợ chồng hẹn hò, cô càng phân vân bạo, cứ đứng so tới so lui giữa những “bộ đồ số 1”. Có bộ đẹp ngất nhưng không hợp với nhà hàng Nhật mà họ sắp đến, có bộ trông “rất Nhật” thì lại choải tông với “bộ đồ số 1” mà anh chồng đang mặc trên người. Và hễ anh chồng chạy vô dòm chừng là cô ra luôn “nghị quyết”:
- Anh kiên nhẫn đi nha! Em mặc đẹp là để cho anh đó.
Bây giờ, nhìn mớ “đồ đẹp cho bản thân” rồi cả “đồ đẹp cho chồng”, mới thấy mọi thứ như một trò đùa. Thử tưởng tượng cảnh cô lên một bộ váy bút chì, áo lụa mấy lớp bèo rũ và tay cánh tiên này bước vào phòng làm việc xem. Với một “nền tảng” trang phục của cả tháng nay, hình ảnh đó khác nào một… cú sốc?
Cũng giống như nhiều chị em hiện đại, cô từng rất chắc chắn rằng việc mình mặc đẹp đi làm là vì bản thân, và hơn nữa là vì… chồng. Thế nhưng bây giờ, ngay cả bản thân và chồng đang ở đó, ý chí mặc đẹp của cô đã để lại đâu đó ngoài đường, trên văn phòng.
Đang không biết làm sao để xử lý tình huống oái ăm này thì anh chồng đã đến giờ “tea break”, anh gọi:
- Cà phê vợ ơi!
Được lời như cởi tấm lòng. Cô đóng sập cánh cửa tủ lại, bê nguyên bộ đồ ngủ ra uống cà phê với chồng. Anh chồng vẫn chưa buông tha:
- Vẫn chưa kiếm ra bản thân à? Từ nay vợ biết mình mặc đẹp vì cái gì rồi nhé!
Cô cáu:
- Thì… vì bản thân chứ vì gì?!
Ngay khoảnh khắc nỗi bực bội đến đỉnh điểm, cô chợt sáng lên một phát hiện. Bữa giờ, cô chỉ có thể thấy bạn bè, đồng nghiệp qua… Facebook. Và chính những người ngày thường vẫn xinh đẹp lung linh, giờ toàn than thở “không muốn nhìn mình trong gương”, rồi “tự mình cũng chán cái mặt mình”.
Trong khi, họ cũng như cô, từng được xem là thế hệ tiến bộ nhất trong việc nhận thức tự do của phụ nữ. Những người luôn lý giải mọi việc mình làm là “do mình, vì mình” trước nhất.
Nhưng chỉ cần thoát khỏi không gian công sở, sự kiện, và đám đông, họ lập tức mất ý chí chăm chút, rồi đâm ra chán chính mình trong phiên bản xuề xòa đó.
|
Ảnh minh họa |
Ngay lúc này, cô như lấy lại vị thế, quay sang chồng, giọng chắc nịch:
- Bản thân ở nhà phải khác bản thân trên văn phòng chứ! Đẹp ở nhà là cái đẹp chăm chút, nuôi dưỡng. Còn đẹp khi ra đường là cái đẹp… trình diễn.
Nói rồi, cô lập tức đi soạn mớ mặt nạ, muối tắm đã xếp xó từ ngày làm việc tại nhà. Quả thực, hổm nay cô cũng bỏ quên luôn cái “bản thân yêu cái đẹp” kia ở văn phòng.
Thậm chí ngày xưa, vì muốn tóc bồng bềnh nên ngày nào cô cũng gội đầu. Giờ thì phải đến hai ngày, tóc dơ mới gội. Mặt mũi đã không trang điểm thì chớ, rồi cũng chẳng buồn dưỡng ẩm hay chống nắng.
Lão chồng chắc chẳng cần vợ phải ăn mặc lồng lộn khi làm việc tại nhà. Nhưng việc vợ bỏ bê bản thân chắc cũng làm lão đem lòng… chán ngán.
Càng nghĩ càng thấy… bậy quá! Cô lập tức ghi vào “to-do list” (việc phải làm) một đề tài cần khuyến cáo chị em trên blog của mình: “Cái đẹp trong dịch giã là cái đẹp của sự nuôi dưỡng…”.