Có những ngày, An mệt mỏi nói với tôi: “Đôi khi em ước, giá như chúng mình đừng lấy nhau, cứ yêu thôi thì tốt biết mấy”.

Một hôm, An mang về một quyển sổ khá dày, đóng bìa da, màu xanh chàm, không in họa tiết. Nàng nắn nót viết vào trang đầu tiên của cuốn sổ dòng chữ: “Nhật ký... cãi vã”. Sau đó, mỗi lần chúng tôi xảy ra xích mích, buổi tối, An thường ngồi rất lâu bên bàn làm việc ghi chép lại một cách chi tiết sự việc, từ ngày giờ xảy ra và kết thúc “vụ án”, lý do ẩu đả, người phát động chiến tranh, cách thức lập lại hòa bình…

Có lần tôi thử mở ra đọc và cười sặc sụa bảo: “Nó chẳng khác gì mấy biên bản tường trình tai nạn giao thông bọn anh hay viết, An ạ”. Nhưng mặc tôi cười cợt thế nào, An vẫn kiên trì làm công việc “thư ký gia đình” của cô ấy. Những trang giấy trắng dần mỏng đi, thay vào đó là những con chữ dày di dít.

Có khi tôi và An cãi nhau chỉ vì tự dưng muốn cãi nhau. Ảnh minh họa: shutterstock

Vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên “thử nghiệm” viết nhật ký cãi vã, An và tôi cùng ngồi kiểm kê lại số lần giận nhau. Điều khiến chúng tôi bàng hoàng không phải là tần suất cãi cọ đều đặn như cơm bữa, mà là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn phần lớn rất vụn vặt.

Chúng tôi có thể cãi nhau vì hôm đó là ngày An đến tháng. Mỗi lần “bà dì kinh nguyệt” ghé thăm, An luôn dễ tức giận hơn bình thường, chỉ cần thấy tôi làm gì khiến nàng ngứa mắt là An liền nổi đóa. Ví dụ, tôi có tật xấu đi làm về sút giày mỗi nơi một chiếc. Mọi hôm thì không sao, An thường lặng lẽ cất gọn lại, cùng lắm thì cằn nhằn một, hai câu. Nhưng hôm đó, nàng gào toáng lên như cháy nhà, ngay lúc tôi đang gọi điện thoại. Vậy là chúng tôi lao vào cuộc chiến một mất một còn.

Chúng tôi có thể “vung gươm múa kiếm” với nhau vì một chiếc cúc áo! Tôi rất ghét cái kiểu “anh cứ để đấy” của An. Chiếc áo sơ mi của tôi tuột cúc đã lâu, không dưới mười lần tôi nhờ An khâu hộ. Nhưng lần nào nàng cũng nói: “Anh cứ để đấy”. Lần cuối cùng, tôi ném chiếc áo xuống đất, dằn mạnh từng chữ: “Cô có phải phụ nữ không?”. An chẳng vừa, nàng liền bù lu bù loa lên: “Thiếu gì áo không mặc mà cứ phải cái ấy mới được. Anh không thấy tôi còn biết bao nhiêu việc phải làm đây à?”.

Có khi, chúng tôi cãi nhau chỉ vì tự dưng muốn cãi nhau. Đó là những ngày cả hai đều có chuyện mệt mỏi ở cơ quan, lúc về đến nhà cảm thấy người kia tự nhiên thật dễ ghét.

Sau khi hồi tưởng lại phần lớn các “trận chiến tranh” và nhận ra nguyên do của từng mâu thuẫn, chúng tôi tìm cách cải thiện “tình hữu nghị” bằng việc né tránh nhau khi cần thiết, nín nhịn nhau theo kiểu “không thèm chấp đồ trẻ con”. Ví như, vào ngày An đến tháng, tôi sẽ tỏ ra ngoan ngoãn hơn, cất đồ đúng nơi quy định, giúp vợ dọn dẹp nhà cửa, đặt một hộp kẹo chocolate lên bàn làm việc của nàng (vì nghe nói độ ngọt sẽ giúp lượng đường trong cơ thể tăng cao, khiến cho thần kinh đang căng thẳng được thư giãn).

Khi cả hai đang có chuyện phiền muộn hoặc tức giận không muốn bị làm phiền, chúng tôi sẽ vẽ một cái mặt buồn lên giấy nhớ, dán vào máy tính của đối phương. Lúc tôi quát tháo vô lý, An sẽ học cách im lặng, nàng bỏ vào phòng và đóng chặt cửa lại, đợi sau khi tôi bình tâm và tìm nàng xin lỗi. Chúng tôi tập dần thói quen nói cảm ơn nhau, từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày trong gia đình: “Cảm ơn anh dắt xe hộ em”, “Cảm ơn em, hôm nay em nấu cơm ngon quá”...

Đôi khi, chính những va chạm vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày, nếu không để ý, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành ngòi nổ châm mồi cho một cuộc chiến lớn. Nhiều người nói, hai người càng sống lâu càng thấy không thể hòa hợp. Nhưng thực ra, không phải tính cách, con người không hợp, mà là ta chưa cố hiểu nhau. Phải học cách chung sống - chịu đựng - nhường nhịn nhau để an yên là bất tận.

Theo Phụ nữ Việt Nam