leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Khi tôi đến thăm gia đình em gái, ở một khu chung cư cao cấp tại quận Hà Đông (Hà Nội), đến phòng bảo vệ ở cổng ra vào, tôi phải khai báo họ tên, muốn lên thăm người nhà ở căn hộ số bao nhiêu. Sau đó, bảo vệ sẽ gọi điện báo cho em gái tôi là có khách đến thăm. Em gái tôi đồng ý thì bảo vệ mới mở cổng cho tôi vào tòa nhà.

Sau đó, em gái tôi phải xuống tầng 1 bấm thang máy thì tôi mới lên được căn hộ em ở, vì thang máy có lấy dấu vân tay của cư dân, người lạ không thể bấm thang máy lên được. Cư dân sống ở tầng nào chỉ lên được đúng tầng mình ở, bấm thang đến tầng khác cũng không được. Cách quản lý như vậy giúp đảm bảo an toàn cho cư dân, không ai có thể xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Song cách thức quản lý này khiến mọi người ngại đến thăm nhà nhau, vì quá phiền phức.

Em tôi kể, là hàng xóm cùng tầng chung cư, nhưng nhà nào biết nhà đó, không ai thích bị làm phiền, chỉ thi thoảng gặp nhau trong thang máy thì mới chào nhau. Cuộc sống đô thị với sự tiện ích của các dịch vụ, kiến trúc nhà ở và tính quan hệ lợi ích cũng chi phối đến mức độ giúp đỡ nhau của các cư dân đô thị. Thiết bị nào hư hỏng là có dịch vụ sửa chữa theo số điện thoại; đồ ăn uống có sẵn, chỉ cần gọi điện là có người phục vụ tận nơi… nên phần lớn người dân đô thị có suy nghĩ “cửa đóng then cài” cũng là điều dễ hiểu.

leftcenterrightdel
 

Sự khác nhau về địa lý dẫn đến khác nhau về lối sống, sinh hoạt, ăn uống, ngôn ngữ, cách nói chuyện. Điểm này cũng khiến nhiều người ngại giao tiếp với nhau.

Vì thế, rất cần ban quản lý chung cư, cán bộ tổ dân phố, hội phụ nữ… tổ chức những buổi gặp nhau, mở ra những chuyến đi từ thiện, văn nghệ phường, chương trình môi trường để bà con có thể gặp nhau, hiểu nhau thì mới mở lòng với nhau. Những người luống tuổi rất cần các hoạt động để được trò chuyện, tâm sự, hòa nhập.

Cha mẹ cũng phải làm gương cho con trẻ trong việc giao lưu, giúp đỡ, chia sẻ, động viên hàng xóm. Thực tế, trẻ em ở đô thị thường ít quan hệ với bạn bè hàng xóm. Vì nhiều lý do như áp lực học tập, nguy cơ mất an toàn… nên phụ huynh ít cho con cơ hội để trẻ giao tiếp, khiến trẻ có khi không biết bạn cùng trang lứa gần nhà mình. Cha mẹ cần cố gắng mở rộng quan hệ với hàng xóm để con chúng ta học cách kết thân với bạn bè.

Chơi thân với hàng xóm có rất nhiều lợi ích, như: bạn có thể dễ dàng mượn một số món đồ cần thiết cho cuộc sống của mình; an toàn vì hàng xóm cũng có thể giúp bạn báo cảnh sát, gọi trợ giúp nếu có người lạ mặt rình rập bên ngoài nhà bạn; những cư dân lân cận có thể kể cho bạn những điều giá trị về ngôi nhà bạn sắp đến ở. Đó có thể là những câu chuyện về người chủ cũ hoặc vỉa hè, mái hiên tại đó đã thay đổi ra sao trong những năm qua…

Khi có sự gắn bó, bạn và hàng xóm sẽ luôn tôn trọng lẫn nhau, giúp cho cuộc sống của mọi người trong khu phố yên bình và tốt đẹp hơn. Họ có thể sẽ suy nghĩ trước khi khoan đục tường, bật nhạc to vào buổi trưa hoặc tối. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, khi càng thân thiết, con người đều cân nhắc điều mình làm có ảnh hưởng gì tới người kia hay không.

Bạn có thể đi du lịch mà không cần lo nghĩ vì suốt thời gian bạn vắng nhà, hàng xóm sẽ giúp bạn nhận thư, nhận đồ từ shipper hoặc tưới cây; hàng xóm cũng là người bạn có thể chia sẻ niềm vui. Chúng ta hoàn toàn có thể làm bạn với những người hàng xóm thay vì chỉ là mối quan hệ xã giao. Chỉ cần những món quà nhỏ, lời hỏi thăm, bạn sẽ dần dần mở rộng vòng tròn xã hội.

Để có một mối quan hệ tốt với hàng xóm, bạn cần có các kỹ năng sau: luôn biết kiềm chế; tôn trọng hàng xóm; sống gương mẫu; tỏ ra văn minh, có đạo đức; cương - nhu đúng lúc; giúp đỡ. Điều quan trọng nhất là mỗi người dân đang sống trong khu chung cư đó phải có thái độ chấp nhận hàng xóm. Mỗi người có một tiếng nói riêng, lối sống riêng, có thể không hợp nhau, nhưng nếu biết chấp nhận thì mới hòa nhập được với hàng xóm.

Thông qua bài viết này, tôi hy vọng mọi người sẽ suy ngẫm và xem xét lại các mối quan hệ đang nhạt phai, lạnh lẽo, hời hợt quanh ta, đặc biệt là mối quan hệ với hàng xóm. Tôi cũng mong rằng, mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng ở các khu đô thị sẽ cải thiện hơn, gắn kết, quan tâm đến nhau hơn. Tuyệt vời hơn nữa là, chính những người hàng xóm đó sẽ trở thành người bạn thân thiết suốt đời và sát cánh bên bạn trên chặng đường phía trước.

Chơi thân với hàng xóm có rất nhiều lợi ích, như: bạn có thể dễ dàng mượn một số món đồ cần thiết cho cuộc sống của mình; an toàn vì hàng xóm cũng có thể giúp bạn báo cảnh sát, gọi trợ giúp nếu có người lạ mặt rình rập bên ngoài nhà bạn; những cư dân lân cận có thể kể cho bạn những điều giá trị về ngôi nhà bạn sắp đến ở.

Theo phụ nữ TPHCM