Ở bệnh viện phụ sản, giường bên cạnh em dâu tôi là một cô gái chuẩn bị sinh. Chưa đến ngày nên bác sĩ khuyên người mẹ ráng nằm dưỡng thai chờ cho con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào tốt ngày đó. Chồng cô ấy vừa đi làm vừa ra vào phục vụ vợ.
Mỗi buổi trưa, tôi thấy có thêm người đàn bà chừng gần 70 tuổi đến đưa cơm. Ban đầu, tôi nghĩ bà là mẹ ruột cô ấy. Sau mới biết đó là mẹ chồng.
Tôi lấy chồng hơn chục năm, tình cảm với mẹ chồng bình thường, nhưng ở mức ốm đau được mẹ đem cơm mỗi ngày thì không có, nên tôi rất ngưỡng mộ tình cảm của họ.
|
|
Cô con dâu có buồn không khi mẹ chồng chỉ chăm sóc con trai bà? (Ảnh minh họa) |
Chừng hơn một tuần sau tôi mới biết những gì mình nhìn thấy trước mắt chưa chắc đã đúng. Do một buổi trưa, thấy người đàn bà nấn ná ở lại hơi lâu. Tôi nhìn phần cơm bà mang đến trên bàn, rồi nhìn vẻ sốt ruột của bà, thấy lạ lạ. Chờ thêm chút nữa, tôi thấy bà lấy điện thoại gọi cho một người, giọng mất kiên nhẫn: “Sao đến giờ này còn chưa thấy mặt mũi con đâu? Cơm canh mẹ nấu nguội cả rồi đây này”.
Bên kia nói gì đó tôi không rõ, nhưng đó là con trai bà và anh đi mua gì đó cho vợ, nên phải chờ lâu. Người mẹ sốt ruột: “Mua đại thứ khác đi. Nó khỏe chứ có ốm đau đâu, ăn gì chẳng được. Nhưng con thì phải giữ sức khỏe để còn đi làm. Hôm nay mẹ nấu món con thích đấy” - người đàn bà cầm điện thoại đi ra khỏi phòng, vẫn tiếp tục cuộc gọi với con trai. Có lẽ bà không muốn con dâu nghe những điều khó nghe.
Cô em dâu thì thào với tôi: “Chị không biết, chứ cả phòng này đều biết bà ấy chỉ xót xa con trai cực khổ và mang cơm cho anh ta ăn, chứ có mang cho con dâu đâu. Bà cũng không hỏi han gì cô ấy, hình như do bà thích cháu trai mà cô kia sắp sinh bé gái…”.
Là phụ nữ, tôi muốn dành cho sản phụ đáng thương nằm kia cái ôm sẻ chia. Cũng may, cô em dâu tôi kể, người chồng thương vợ nên cũng có sự bù đắp. Mỗi trưa, chồng đi làm về tranh thủ ghé mua gì đó cho vợ ăn, còn bản thân anh ăn phần cơm bà mẹ nấu và mang vào.
Thế tại sao bà mẹ không nấu cơm cho cả 2 vợ chồng? Điều đó thì chẳng ai trong chúng tôi biết rõ, cũng không hỏi những chuyện riêng tư ấy làm gì.
Chuyện về những người mẹ xót con thì tôi không mấy lạ. Con trưởng thành thì vẫn bé bỏng trong mắt mẹ. Tôi và chị gái cũng hay đề cập vấn đề ấy.
Vì sao đa số những bà mẹ chỉ xót con mình, mà không đoái hoài đến con người khác? Đến khi con trai lớn của chị tôi ở tuổi có người yêu thì tôi với chị không bàn đề tài ấy nữa. Đơn giản vì chị đã “cùng phe” với những người đàn bà xót con.
Một lần, chị buộc miệng nói: “Thấy tội cho thằng Quý. Mỗi ngày đều phải đội nắng mưa đưa đón bạn gái. Khổ thân!”.
Đó mới chỉ là đưa đón. Mà ai bắt Quý đưa đón? Do nó tình nguyện. Thậm chí, thời điểm mới yêu đương, nó còn thiết tha xin người ta cho đưa đón nữa là… Vậy mà cũng thành nỗi xót xa của người mẹ.
|
Con lấy vợ, mẹ vẫn nấu cơm cho con trai mỗi ngày (ảnh minh họa) |
Hồi đó, sau khi mẹ tôi mất, tôi gần như cắt liên lạc với cô bạn thân, chỉ vì lời nói của mẹ bạn. Hôm ấy, sau đám tang mẹ tôi ít ngày, bạn rủ tôi đến ăn cơm. Lúc ngồi vào bàn ăn, tôi mới biết bạn đang bị cảm, giọng khàn và thỉnh thoảng ho khan. Mẹ bạn chép miệng bảo: “Nó đi đám tang mẹ cháu về nên bị cảm đó”.
Tôi không sang nhà bạn một thời gian dài, mặc dù chẳng giận gì bạn, nhưng nếu nói là bình thường với mẹ của bạn thì tôi chưa làm được. Ai đời, tôi mất mẹ mà một câu hỏi thăm cũng không có, lại đi nói ra chuyện con gái mình vì đi đám tang mà bị cảm.
Thỉnh thoảng khi gặp những chuyện cảm thấy khó hiểu, tôi lại nghĩ đến câu chuyện cậu bé mù. Có 2 cậu bé nghèo khổ, vì mưu sinh phải đi gõ cửa từng nhà xin ăn. Một trong 2 cậu bị mù bẩm sinh và được người còn lại chăm sóc. Họ cứ như vậy nương tựa nhau mà sống.
Một hôm, cậu bé mù bị bệnh, cậu bé sáng mắt nói bạn ở nhà nghỉ ngơi, để cậu ấy đi loanh quanh xin đồ ăn mang về. Có người cho cậu bé món bánh rất ngon, là bánh pudding sữa. Cậu không có vật gì để mang về nhà cho bạn cùng ăn, nên đành ăn hết chiếc bánh. Khi trở về, cậu kể lại vị bánh pudding sữa cho người bạn mù nghe. Nhưng dù mọi ngôn từ miêu tả, cậu bé mù vẫn không thể hình dung ra chiếc bánh pudding, từ màu sắc, hình dáng cho đến hương vị…
Tôi hay nghĩ đến câu chuyện cậu bé mù để tự nhắc mình đừng quá thắc mắc chuyện đời. Bởi vì mỗi người sẽ có cách ứng xử, nhìn nhận vấn đề khác nhau, tùy vào nền tảng giáo dục, lối sống, sự trải nghiệm...
Theo phụ nữ TPHCM