Hoang dã và giải tỏa

Kiệt sức và cùng quẫn, Gretchen Miller cảm thấy nỗi thất vọng trong 3 năm qua trỗi dậy trong cô. Trong một lần bất chợt, người phụ nữ 54 tuổi đến từ Sydney (Úc) đã đăng 1 tin nhắn lên Facebook: “Có ai khác cảm thấy muốn la hét lên không?”. Thật bất ngờ, chỉ 1 giờ sau, cô đã nhận hơn 100 tin nhắn phản hồi. Một phụ nữ viết: “Tôi muốn hét lên vì biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế”. Một người khác viết: “Tôi muốn hét lên vì chồng sắp cưới nói rằng anh ấy không còn yêu tôi nữa”…

Một nhóm phụ nữ gặp nhau tại một công viên ở Sydney để cùng hét lên trong đêm - ẢNH: THE GUARDIAN
Một nhóm phụ nữ gặp nhau tại một công viên ở Sydney để cùng hét lên trong đêm - Ảnh: The Guardian

Từ lời kêu gọi đó, nhóm Shout Sisters (tạm dịch Hét lên nào chị em) được thành lập. 1 tháng sau, họ gặp nhau lần đầu tiên tại một công viên để trút bầu tâm sự trong màn đêm. Khi gặp nhau, nhóm trao đổi ngắn và bắt đầu đếm ngược 3, 2, 1 rồi đồng loạt hét lên. Những tiếng hét không kiềm chế xuyên qua sự yên tĩnh của màn đêm, vang dội vào không gian rồi biến mất. Họ lại tiếp tục la hét cho đến khi cảm thấy nhẹ lòng.

“Sau 1 tuần địa ngục, tôi cần hét lên và sau đó thấy thật tuyệt!” - Maryanne Lia - 45 tuổi, là mẹ của 4 đứa con - nói. “Tôi cảm thấy như có một chút phép màu vừa xảy ra” - Miller nói khi cả nhóm nằm dài trên bãi cỏ, nhìn chằm chằm vào các vì sao. Lia cho rằng, đó là sự tự do để làm điều gì đó hoang dã và thú vị, tất cả diễn ra trong tiếng hét thật lớn.

Các nhóm la hét chỉ dành cho phụ nữ như của Miller sau đó đã nổi lên khắp thế giới. 1 trong những nhóm đầu tiên thu hút sự chú ý là ở Boston (Mỹ) trong đợt phong tỏa do đại dịch năm 2021. Sarah Harmon - nhà trị liệu, giáo viên yoga và là bà mẹ 2 con - đã khơi dậy lời kêu gọi hành động trên toàn quốc cùng 1 nhóm 20 người. Nhiều phụ nữ đã đến sân bóng ở Charlestown để hét lên trong không khí trong lành của buổi tối. “Thật tuyệt khi có thể mất kiểm soát một chút” - một người tham gia nói về sự kiện này.

Cơ hội bày tỏ cơn thịnh nộ

Tại Ấn Độ, Deepika (27 tuổi) đã vận động và tập hợp được 1 “đội đặc nhiệm” nhỏ nhưng kiên trì gồm những phụ nữ trên khắp New Delhi, tất cả đều có mong muốn được cảm thấy an toàn trong một thành phố đang phải đối phó với tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. “Có một chủ đề ở Ấn Độ là giữ cho phụ nữ im lặng. Nhưng chúng tôi lại muốn nói rằng: Không, chúng tôi ở đây, chúng tôi có điều muốn nói và bạn sẽ nghe thấy” - cô giải thích. Nhóm của cô có gần 150 thành viên, phân bổ ở nhiều địa điểm trên khắp New Delhi. “Đó là điều trị. Đó là một kiểu tự chăm sóc tập thể” - Deepika nói.

Tiến sĩ Miriam Yates - nhà tâm lý học tại Viện Nghiên cứu khoa học xã hội tại Đại học Queensland (Úc) - nói rằng sự tức giận và thịnh nộ thường được coi là điều không mong muốn hoặc thậm chí không tự nhiên đối với phụ nữ. “Người ta gán ghép rằng phụ nữ phải tử tế, quan tâm, ấm áp. Sự tức giận hay thực sự là cơn thịnh nộ không phù hợp với những kỳ vọng này. Nhưng tại sao cánh đàn ông có thể thoải mái bày tỏ nó mà phụ nữ thì không. Khi bức xúc, phụ nữ có thể hét lên ở đâu? Bạn không thể hét vào mặt ông chủ cũng không thể hét lên với con cái của mình” - cô giải thích. Tiến sĩ Yates nói thêm, các nhóm la hét có thể mang lại cơ hội để bày tỏ cơn thịnh nộ đó trong một môi trường được hỗ trợ mà không gây ra hậu quả tiêu cực. 

Nắm bắt ý tưởng tương tự, Julie Scott - sinh ra ở Scotland điều hành Screech on the Beach với các hình thức tập yoga, thiền định và hét lên trước biển - nói: “Không có sự phán xét, không có sự xấu hổ khi hét xuống biển. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, sự ức chế của chúng tôi bị lãng quên, chúng tôi sẽ mỉm cười để rồi trở về tiếp tục với cuộc sống”. 

Theo phụ nữ TPHCM