Với Jin Jung Hee - 27 tuổi, Hàn Quốc - vào những ngày công việc khó khăn, cô đến phòng tập nhiều hơn. “Tôi thực sự bế tắc và sau đó cảm giác cô đơn ập đến. Tôi cảm thấy không có ai thực sự hiểu những gì tôi đang trải qua để có thể tâm sự” - Jin chia sẻ.

Christopher Choy - nam thanh niên 33 tuổi người Singapore - cũng cho biết anh cảm thấy cô đơn suốt 5 năm qua, kể từ khi anh tự mình thành lập trung tâm nuôi mèo. Hầu hết các công việc hằng ngày của anh đều diễn ra một mình.

Dù sống trong một xã hội siêu kết nối, nơi mọi người chỉ cách nhau một tin nhắn văn bản hay cú chạm tay lên màn hình điện thoại, sự cô đơn là một “đại dịch thầm lặng” trên toàn cầu. Cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore hồi đầu năm 2024 cho thấy: những người trẻ từ 21-34 tuổi phải chịu mức độ cô lập xã hội và cô đơn cao nhất.

leftcenterrightdel
 Cô đơn đã được xem là tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe, nhất là với người trẻ - Nguồn ảnh: iStock/PeopleImages

Nghiên cứu cũng cho biết, những người trong độ tuổi từ 35-49 ít cảm thấy cô đơn hơn, trong khi những người trong độ tuổi từ 50-64 ít cảm thấy cô đơn nhất.

Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự cô đơn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Ước tính trên toàn cầu hiện nay, cứ 4 người lớn tuổi thì có 1 người cô lập về mặt xã hội; từ 10 - 25% thanh thiếu niên bị cô đơn.

Tiến sĩ Sanveen Kang - chuyên gia tâm lý lâm sàng hàng đầu tại Singapore - chia sẻ: sự cô đơn dẫn đến nguy cơ trầm cảm, lo âu và cảm giác tuyệt vọng tăng cao. “Nó cũng có thể tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức, gây khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và ra quyết định” - bà nói thêm.

Nhà tâm lý học lâm sàng Geraldine Tan - trung tâm sức khỏe tâm thần The Therapy Room, Singapore - cho biết: hoàn cảnh cá nhân hoặc các yếu tố tình huống khiến sự cô đơn của mỗi người không giống nhau. Theo tiến sĩ Tan, một “bức tường” được dựng lên khi mọi người tin rằng không có ai có thể đồng cảm với những trải nghiệm của họ, điều này ngăn cách họ tìm kiếm sự hỗ trợ.

Với nhân viên bảo vệ Muhammad Arif Ong - 27 tuổi, Malaysia - ca làm việc mệt mỏi kéo dài 12 tiếng khiến anh không còn năng lượng cho những việc khác. Anh đã không gặp bạn bè trong nhiều năm và chỉ dành một ít thời gian rảnh rỗi để chơi game. “Hầu hết thời gian, tôi đi làm, về nhà, ngồi trước máy tính vài tiếng rồi ngủ. Thức dậy và lặp lại 5 hoặc 6 ngày mỗi tuần” - anh nói.

Nhiều người đã tìm bạn qua mạng, nhưng rồi những cuộc trò chuyện trực tuyến cũng dần nhạt, họ không tìm thấy bạn bè thực sự.

Nhà tâm lý học lâm sàng Haikal Jamil - người sáng lập ImPossible Psychological Services, Singapore - nói: “Các kết nối trực tuyến có xu hướng tập trung vào các trao đổi ngắn gọn, hời hợt thay vì các cuộc trò chuyện mang tính hỗ trợ”.

Ngoài việc tuyên bố cô đơn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, đồng Chủ tịch Ủy ban Kết nối xã hội của WHO Vivek Murthy trích dẫn một nghiên cứu so sánh tác động tử vong của sự cô đơn với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Bác sĩ Murthy cho biết: “Sự cô đơn không chỉ là một cảm giác tồi tệ. Nó gây hại cho sức khỏe của cả cá nhân và xã hội. Nó liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chứng mất trí, đột quỵ, trầm cảm, lo âu và tử vong sớm cao hơn. Hàn Quốc đã chi hàng triệu USD để thành lập các trung tâm tư vấn hỗ trợ từ cấp học sinh.

Nhật Bản đã bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Cô đơn và cô lập vào năm 2021 và năm sau đó đã ban hành một kế hoạch lớn bao gồm dịch vụ tư vấn 24/7 và mở rộng các chương trình tư vấn, công tác xã hội. Các quốc gia khác - bao gồm Vương quốc Anh - cũng đã bổ nhiệm các bộ trưởng phụ trách vấn đề cô đơn.

Tổng giám đốc Y khoa Mỹ đã cảnh báo về “đại dịch cô đơn và cô lập”, thúc giục các biện pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội mạnh mẽ hơn và quản lý các nền tảng trực tuyến. Ngay cả WHO cũng đã thành lập ủy ban chống lại sự cô đơn vào năm 2023 và gọi đây là “mối đe dọa sức khỏe cấp bách”.

Theo phụ nữ TPHCM