Nhiều lần tôi ngồi lắng nghe tiếng chim từ trong lồng. Nhìn những đôi chân bé xíu nhảy bên này đậu bên kia, đập cánh hoảng loạn khi có người lạ đến gần, tôi hay tự hỏi, chúng kêu gì? Trong cái lồng ấy, đủ đầy thức ăn, đâu cần chì chiết giành giật, cấu xé nhau?
Kiểu gì thì đó cũng không nên là một lựa chọn cho sự sống. Gia đình, tình thân nhất là tình yêu, nên chăng hãy khuyến khích mỗi người thoải mái tự do trải nghiệm cuộc sống, công việc, bạn bè, sở thích đam mê. Bởi chỉ khi mỗi người có một khung trời riêng đầy màu sắc thì khung trời chung mới đa dạng, phong phú, lung linh.
Người ta nói nhiều về việc hãy yêu như nắm cát trong tay hay như chơi thả diều lúc buông lúc nắm. Nhưng có thật đơn giản thế không? Thường, người ta hay nhìn thấy mọi sự thay đổi ở người khác, nhưng ít nhận ra bản thân ta cũng đã đổi thay.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ta muốn mọi thứ từng có, đang có vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu? Liệu có cái gì đi ngược lại quy luật của đời người không? Người ta thường nghĩ, chỉ cần giữ rịt những thứ thuộc về mình bên cạnh thì sẽ không có nguy cơ mất đi. Tình yêu đâu có theo lẽ đó.
Chị dâu muốn anh tôi - người đã sống chung gần 20 năm - phải luôn bên cạnh chị trong những bữa ăn gia đình, bên ngoại hay tất cả những buổi tiệc mà chị tham gia. Chị muốn bước vào thế giới của anh, được nghe anh nói về những buồn vui, áp lực hay thành tựu trong công việc. Chị muốn anh phải vắt tay lên trán trằn trọc mất ngủ hằng đêm vì cơn ẩm ương tuổi dậy thì của 2 con… Sau tất cả những mong muốn thật nhiều của chị là nước mắt, buồn tủi và cuối cùng lắng đọng thành hình khối như hạt sạn.
Hạt sạn ấy, không những không tan mà còn lớn lên thành đá tảng, ngăn anh một bên chị một bên. Đến lúc không ai còn có thể nhấc nổi hòn đá ấy để nắm tay nhau đi tiếp hành trình hôn nhân, chuyện phải đến đã đến, họ sống như ly thân.
Chị vẫn nghẹn giọng hỏi mãi một câu “Tại sao?” khi có dịp chị em ngồi với nhau. Tôi không đứng về phía anh mình, cũng không đứng về phía chị. Tôi chỉ nghĩ về những ước muốn, cao hơn là kỳ vọng của mỗi người vào người khác, nhất là vào người bạn đời. Phải chăng nguồn cơn của mọi khổ đau trên đời này chính là chúng ta hướng vào người nhiều quá? Chờ đợi, đòi hỏi người mà không phải hướng vào mình và đòi hỏi mình mỗi ngày?
Anh có thể không sắp xếp được thời gian để thường xuyên ăn những bữa cơm với nhà ngoại hoặc thẳng thắn hơn là anh không cảm thấy thoải mái khi rơi vào không gian gia đình chị. Anh có thể chỉ kể về công việc với người bạn thân nối khố chứ không phải chị. Anh có thể xem chuyện con trai có bạn gái, xỏ lỗ tai hay té xe trầy chân là chuyện không có gì phải trăn trở. Đó là tính cách, công việc và quan điểm của anh. Nhưng anh còn nhiều ưu điểm khác. Chị có thể cùng con ăn cơm vui vẻ hay đi du lịch ngắn ngày với nhà ngoại. Có thể tập thể dục, dọn dẹp trang trí nhà cửa, có thể nhẹ nhàng và kiên nhẫn bên cạnh con mà không cần khiến không khí gia đình luôn bức bối.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Sự thấu cảm, đồng hành trong hôn nhân là vô cùng cần thiết, nhưng không có nghĩa là không còn giới hạn cá nhân; không có nghĩa là người ta phải y như mình, yêu thứ mình yêu, ghét cái mình ghét, phản ứng trước mọi biến cố trong đời sống cũng hệt mình. Có khi nào những bất hạnh trong đời ta, phần nhiều không do người khác mà do chính ta tạo ra thôi?
Chị nói với tôi, chị thèm những chuyến rong ruổi với bạn bè hoặc chỉ là một mình. Những chuyến đi, sớm mai thức dậy chị có thể nhìn thấy sương còn đọng trên lá, thấy những con bọ con chuồn chuồn hay một xác ve ôm thân cây cho đến phút cuối. Những chuyến đi nghe lao xao tiếng mua bán, trả giá ở một phiên chợ quê nào đó. Những chuyến đi tận mắt nhìn trẻ con lem luốc, run rẩy trong tấm áo phong phanh khi ngoài kia gió mùa phần phật thổi.
Nhưng có mấy lần chị được toại nguyện. Vì anh nói anh nhớ chị, cha con anh ở nhà buồn, vì anh sợ chị nguy hiểm, vì… và vì…
Lệ thuộc vào bất cứ điều gì cũng là bất hạnh. Lệ thuộc cảm xúc vào người khác còn bất hạnh hơn gấp bội. Sao chúng ta không để người đi, được là chính họ, vui vẻ rồi trở về khỏe mạnh hơn? Ta yêu người hay vì ta chỉ yêu ta?
Theo phụ nữ TPHCM