Gần đây, tôi (31 tuổi, độc thân) thường theo dõi tin tức và thấy những bài báo viết về tình trạng thất nghiệp tăng cao trong thanh niên, nhấn mạnh về việc các bạn trẻ nên chủ động hơn. Đi kèm đó là nhiều bài phân tích về tình trạng thanh niên ở Nhật hay các nước phát triển trở nên xa cách xã hội, thiếu ý chí, chỉ muốn ăn bám gia đình nếu nhà có hộ khẩu ở thành phố lớn. 

Những bài báo trên khiến tôi ấm ức. Có lẽ không phải chỉ tôi, những người bạn, những người “trẻ không ra trẻ già chẳng ra già” cũng vậy.

Xin được giãi bày dựa trên câu chuyện của “Hội Anh Em” bốn người chúng tôi. Hội chúng tôi gồm bốn thanh niên đều có điều kiện tương đối ổn (nhà mặt tiền các quận 3, 10, 11 thuộc TP.HCM), được đi du học, ngoại ngữ, kiến thức… đều thuộc hàng khá.

Chắc chắn chúng tôi không phải là những người bắt đầu sự nghiệp từ con số không. Ngay từ việc gia đình có điều kiện cho đi du học chứ chúng tôi không cần phải săn học bổng đã là một “gia sản” chúng tôi được thừa hưởng sớm. Tuy nhiên trớ trêu thay, chúng tôi vẫn không thoát khỏi một thực tế của phần lớn sinh viên Việt Nam, dù tốt nghiệp ở Việt Nam hay ở nước ngoài: Chúng tôi đã không chọn đúng ngành phù hợp với năng lực của mình hoặc những ngành chúng tôi chọn quá chung chung do không được định hướng nghề nghiệp. Tệ hơn nữa, vì đi học bằng tiền của cha mẹ, nên rất nhiều khi, chủ động hay bị động, chúng tôi đều theo những ngành nghề mà cha mẹ định hướng là “để về tiếp thu gia sản của gia đình”.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Vậy nên đa phần sau 21 tuổi, dù là bỏ ngang hay lấy được bằng cấp, để làm những gì mình muốn, chúng tôi đều phải tự học, tự trang bị những kiến thức và kỹ năng thực tiễn. Chắc chắn chúng tôi không thể chia sẻ với cha mẹ rằng khoản tiền bằng cả một căn hộ chung cư cao cấp cha mẹ đã bỏ ra cũng chỉ có giá trị tương đối, bởi khi chúng tôi đi xin việc, kinh nghiệm trong nghề mới là thứ được chú trọng nhiều nhất. Còn một điều oái oăm nữa là chúng tôi không thể chen chân vào bất kỳ công việc nào của cha mẹ dù họ đều rất thành công.

A. là tôi. Cha tôi là chủ một xưởng may đồ jeans có tiếng, hiện làm việc với đối tác Hàn Quốc đã trên mười năm. Anh trai tôi đang tiếp quản những khâu quản lý chính. Anh tôi có bằng cử nhân về kinh doanh ở Úc còn tôi chưa hoàn thành chứng chỉ của mình. Mọi việc ở công ty cha tôi gần như đã đi vào tự động hóa cũng như gắn liền với những quan hệ làm ăn lâu dài. Vậy nên tôi đã tự ra riêng và cùng bạn hùn hạp mở một hãng thời trang.

B. là bạn thân nhất của tôi. Nhà B. có nhà hàng rất lớn và lâu đời ở Q.6, TP.HCM. Mẹ B. quản lý chính nhà hàng còn bố B. đầu tư đất đai. B. có bằng cử nhân quản lý nhà hàng khách sạn ở Mỹ. Tuy nhiên, vì muốn chuyển qua làm homestay, B. thuê đất ở Đà Lạt rồi tự chạy.

C. là một người bạn khác. C. đi du học ở Úc ngành marketing, nhà có điều kiện nhưng lại ở quê nên cậu đã tự lập tài chính từ những năm 20 tuổi. Sau một thời gian làm marketing, C. quyết định mở quán bar. Quán bar của C. ở khu phố Tây Bùi Viện, rất đông khách.

D. là bạn từ thời phổ thông của tôi và B., nhà cũng là một đại lý gạo rất lớn ở Q.8, TP.HCM. D. theo đường lối truyền thống nhất là du học ở Anh ngành quản trị kinh doanh, sau đó làm việc tại các công ty nước ngoài ở TP.HCM.

Trước đó, tất cả chúng tôi đều bắt đầu bằng những công việc cơ bản văn phòng. Cả tôi và B., C. đều ngừng sau hai năm vì thấy nếu phát triển theo đường chính quy thì sẽ phải gần hết đời người mới có nổi một căn nhà nho nhỏ chứ đừng nói đến lo toan được cho cha mẹ, xứng đáng với khoản tiền họ đã đầu tư cho sự nghiệp của chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi đều phải xin những khoản vốn đầu đời, dao động từ 200 - 400 triệu đồng với lời hứa sau 1 - 2 năm sẽ trả đủ cho gia đình. Cùng với những khoản tiền riêng, chúng tôi lập “Hội Anh Em”, đầu tư thêm các mảng chứng khoán, bất động sản, tiền ảo, các khóa học kỹ năng… 

Sau năm đầu tiên, chúng tôi may mắn xoay được lợi nhuận 20%. Tuy nhiên, vì vẫn còn quá ít kinh nghiệm cũng như ôm đồm nhiều thứ nên sau sự kiện Brexit, các tài khoản đầu tư của chúng tôi đều kéo âm, chỉ còn lại trong tay đúng những “start up” đang tạm chập chững kiếm ra tiền. COVID-19 kéo tới, tất cả đều bị… kẹt. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Năm đó, cả bốn chúng tôi đều tiu nghỉu về nhà, xác định với gia đình rằng sẽ không thể trả nợ. Từ đó, chúng tôi trở nên thất bại trong mắt cha mẹ và thuộc về nhóm ít được xã hội thương nhất, bởi họ coi chúng tôi là những cậu ấm cô chiêu thất bại… dù chúng tôi chưa hề bỏ cuộc. Mỗi người trong chúng tôi đều có những phương án giải quyết.

- Tôi vẫn kiếm tiền với “nghề tay trái” - nhập quần áo hàng hiệu từ Mỹ về theo yêu cầu của khách hàng, bên cạnh việc chăm lo cho thương hiệu thời trang trẻ của mình.

- B. đi đi về về giữa Đà Lạt và Sài Gòn vì phải quản lý cũng như làm môi giới bất động sản nhiều hơn để giữ cho homestay hoạt động cầm chừng.

- C. thì vì giá mặt bằng Bùi Viện quá nặng nên đành ngậm ngùi chia tay với quán ở năm thứ tư và thuê mặt bằng khác kinh doanh các sản phẩm về sức khỏe. C. vẫn mong có ngày quay lại tiếp tục mở quán.

- D. chấp nhận làm ở công ty nước ngoài với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi đều rất buồn và cô đơn. Những mất mát lớn mà chúng tôi đánh đổi chỉ để đạt được kiến thức và kinh nghiệm lại là thứ vô hình đối với xã hội.

Trong khi đó, hữu hình là khoản tiền lớn, dường như bị coi là phí phạm trong mắt cha mẹ. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Gia đình chúng tôi đều có rất nhiều nhà cửa, đất đai nhưng tất cả đều dành cho chúng tôi về sau này, khi chúng tôi có vợ con, thường chỉ là của thừa kế vì hiện tại cha mẹ chúng tôi vẫn còn cần lợi nhuận từ những gia sản này. Ấy vậy mà buồn cười thay với miệng đời, chắc chắn những gia sản tương lai này đang là của chúng tôi, sẵn rồi.

Có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao tôi lại kể dông dài đến thế về chuyện lập nghiệp của bốn “cậu ấm” chúng tôi trong một bài viết về “gia sản nào cho những người trẻ vào đời?”. Đó chính là điều tôi muốn kể, muốn chứng minh rằng chẳng có gia sản nào tốt hơn cho con trẻ bằng khả năng được độc lập ngay từ nhỏ trong tư duy và hành động. Độc lập lựa chọn con đường mình đi, nghề nghiệp mình yêu thích. Độc lập trải nghiệm những buồn phiền hay hạnh phúc trong những thất bại hay thành công của mình. Độc lập với số phận của mình một cách can đảm, mạnh mẽ.

Chúng tôi trân trọng những nỗ lực “để lại cho con” của cha mẹ nhưng đến một lúc nào đó, chúng tôi buộc mình phải thoát khỏi gánh nặng vô hình ấy.

Chúng tôi không thích cảm giác mắc nợ, cảm giác bị ràng buộc. Thay vào đó, chúng tôi muốn được tự do, tự lập phấn đấu. 

Hãy để mọi thứ gia sản chỉ là chuyện của tương lai. Hiện tại, chúng tôi muốn bình thản đi trên con đường của riêng mình. 

Theo phunuonline.com.vn