Khi bé Kun kết thúc phần giới thiệu về các thành viên trong gia đình, cô giáo nhắc: "Con kể thiếu tên mẹ rồi", thằng bé trả lời ráo hoảnh: "Con không có mẹ".

Nghe xong câu nói của Kun, cô giáo biết mình cần phải nói chuyện với bố của bé, anh Minh Hùng, 27 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Và trong cuộc nói chuyện ấy, anh mới cho biết mình là bố đơn thân.

Tối đó, ông bố trẻ chỉ biết ôm lấy con vỗ về, thi thoảng xoa khắp người nó như muốn làm dịu tổn thương trong lòng con, dù biết chẳng thể chạm tới. "Lỗi cũng do mình không biết cách chăm chút cho bản thân nên người ta đi mất. Chỉ thương con khổ", chàng trai lấy vợ năm 21 tuổi, nói.

Minh Hùng bỏ học khi đang dở năm nhất Đại học Hàng hải bởi điều kiện gia đình, bố mất sớm, mẹ thu nhập thấp, không đủ điều kiện nuôi ba anh em. Hùng trở về quê vừa học nghề vừa làm ở xưởng nhôm kính để có thu nhập. Sau một năm yêu cô gái cùng làng kém một tuổi, cả hai kết hôn. Cuộc hôn nhân của anh tan vỡ sau bốn năm. Vợ Hùng "nhường" quyền nuôi cậu con trai ba tuổi rưỡi cho chồng, bỏ đi biệt xứ.

Đêm đầu xa mẹ, cu Kun khóc mãi. Chẳng biết dỗ dành thế nào cho con nín, Hùng ôm con, khóc theo. Suốt nửa năm đầu sau ly hôn, Hùng không lên mạng xã hội, không giao tiếp với ai, trừ công việc bắt buộc. "Tôi suy sụp. Có người an ủi nhưng cũng có người bảo chắc tôi thế nào nên mới bị vợ bỏ", chàng trai thành thật kể.

Kể từ ngày vợ bỏ đi, Hùng phải đối mặt với việc chăm con. Trước đây, vợ anh làm công nhân gần nhà nên có thể đưa đón con đi học, cho con ăn. Ông bố trẻ chỉ phải lo công việc. Bây giờ, việc đầu tiên Hùng làm là xin nhập hộ khẩu cho con vào nhà chủ xưởng nhôm kính để đi học, tiện đưa đón. Con tan học khi bố vẫn trong giờ làm, Hùng nhờ chủ nhà đón, cho ăn giúp. "Thứ 7, chủ nhật người ta không trông trẻ mà việc mình vẫn phải làm. May chủ tốt bụng, cho nó chơi ở nhà họ. Nó nghịch họ không trách, nhưng mình thì ngại", anh bộc bạch.

Muốn con không thiệt thòi khi xa mẹ, anh lên mạng tìm các bài hát ru, tập hát. Tối nào con cũng đòi đọc chuyện cổ tích cho nghe. Ban đầu phải nhìn điện thoại, sau anh thuộc lòng. Đi làm mệt, về nhà ông bố chỉ muốn lăn ra ngủ, nhưng vẫn phải nấu nướng, tắm giặt cho con.

Có đêm thằng nhỏ khóc òa lên. Mơ ngủ, anh cáu con. Thằng bé mếu máo: "Con đau bụng quá nên ị đùn ra quần rồi". Ông bố ngồi phắt dậy, lọ mọ thay bỉm, xoa dầu rồi à ơi cho con ngủ lại. "Bối rối, lập cập mãi rồi cũng thành quen. Khổ nhất là mùa đông đánh vật mãi anh cu mới chịu dậy cho", anh cười nói.

Qua 10 ngày, thằng bé thôi khóc nhưng Hùng mất nửa năm mới cân bằng được cuộc sống. Trước đây, thu nhập của vợ chồng Hùng tương đương nhau, trung bình hơn 7 triệu đồng mỗi người, đủ để thu vén. Khi ly hôn, một mình Hùng vừa phải chăm con, vừa phải lo kiếm tiền.

"Lúc con đau ốm, tôi toàn phải vay của chủ xưởng, cộng dồn cả năm có khi vài chục triệu. Nhưng nợ nần không khiến tôi buồn bằng việc mỗi khi đi khám, bác sĩ, y tá hỏi 'mẹ cháu đâu?'", ông bố trẻ giãi bày.

Làm bố đơn thân, đàn ông chín chắn, chăm chỉ và kiên nhẫn hơn. Ảnh minh họa: Backchina.

Anh Vũ Trường, quản trị viên một diễn đàn mạng xã hội dành cho những bố - mẹ đơn thân, nói: "Dù tổn thương, thậm chí vất vả hơn khi chăm con nhỏ nhưng đàn ông ít lên mạng chia sẻ đời tư. Phụ nữ đơn thân còn được các hội, tổ chức về giới tư vấn, hỗ trợ tâm lý, tạo việc làm..., còn đàn ông chúng tôi thì chỉ "tự đi uống bia, tự động viên nhau'".

Nhóm của anh Trường có hơn 20.000 ông bố, bà mẹ đơn thân, khoảng 1/3 thành viên là nam giới.

Chuyên gia giáo dục, diễn giả Hoàng Anh Tú cho biết, anh chưa từng thấy một khảo sát nào về các ông bố đơn thân Việt Nam. "Nếu thực sự là như vậy, thì có thể thấy đàn ông làm bố đơn thân đang không nhận được sự quan tâm của xã hội", anh Tú nhận định.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý Hồn Việt (TP HCM) nhận định, đàn ông đơn thân nuôi dạy con vất vả hơn rất nhiều so với phụ nữ. Đứa trẻ và mẹ gắn bó với nhau từ trong bào thai nên có liên kết cảm xúc đặc biệt. Có những điều đứa trẻ chưa thể diễn tả bằng lời nói, người cha không thể hiểu, nhưng mẹ lại cảm nhận được để giúp con.

"Chăm con vốn là bản năng của phụ nữ, còn đàn ông thì không tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo bằng. Việc chăm con sẽ càng khó khăn hơn khi đứa trẻ là gái", bà Tâm nói thêm.

Cảnh "gà trống nuôi con" của anh Nguyễn Tiến Thành, 41 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, suốt một năm qua là ví dụ. Thành và vợ có hai con chung, một gái, một trai. Sau ly thân, anh chọn nuôi con gái, 8 tuổi. "Tôi sợ con gái sẽ dễ bị bạn mới của mẹ làm hại", anh nói lý do Anh Thành không cấm con gặp mẹ, nhưng luôn dặn "không đi chơi cùng các chú". Khi con hỏi lý do, anh lảng đi vì chẳng biết trả lời sao.

Có lần con gái nhờ bố kỳ lưng, nhưng khi anh vào nhà tắm, con bé đột ngột đổi ý, đuổi bố ra ngoài. Ông bố đứng ngượng ngùng ngoài cửa nghĩ: "Ừ, mình là đàn ông", rồi lẳng lặng đi vào.

Tám tuổi, Mít đã biết tô son, kẻ lông mày. Anh Thành cấm con thì bé giận dỗi. Nhưng quát mắng thì anh sợ con "dễ tủi thân vì thiếu mẹ". "Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc hạn chế con sử dụng điện thoại, chỉ 30 phút mỗi ngày. Tôi nghĩ do lên mạng xã hội nhiều nên con mới học làm người lớn như vậy", anh nói.

Cái anh Thành lo nhất là Mít trở nên ích kỷ với các em. Cô bé sẵn sàng cho bạn mượn đồ chơi, nhưng không cho các em chơi cùng. Em sờ vào đồ, Mít sẽ vứt đi chỗ khác. "Em ở với mẹ thì bảo mẹ mua. Con không muốn chia sẻ", cô bé quát lên khi bố hỏi lý do.

Dạo gần đây, anh Thành hay đọc sách, tìm hiểu trên mạng để hiểu về sự thay đổi tâm sinh lý của con gái. Anh cũng lên các hội nhóm tâm sự, nghe mọi người chia sẻ để học cách hiểu con. "Tôi vừa thắt chặt kỷ luật, vừa vỗ về con. Lúc chỉ có hai bố con, tôi hay thủ thỉ, biết nguyên nhân mới tìm ra giải pháp. Thi thoảng tôi chủ động liên lạc với mẹ cháu để giải quyết những vấn đề liên quan đến con mà đàn ông không tiện", anh cho biết.

Khác với anh Thành, anh Hùng, bố của bé Kun không muốn con gặp mẹ. Anh đề nghị những người xung quanh không nhắc đến vợ cũ. Hùng sợ đứa trẻ lớn lên sẽ về ở với mẹ. "Nếu thế, tôi như bị phản bội và bị bỏ rơi thêm lần nữa. Sẽ chẳng còn gì làm động lực sống tiếp", anh nói.

Hàng ngày, Thành làm con vui hơn bằng cách gần gũi, đưa bé đi chơi. Anh cố gắng làm việc để hai cha con có buộc sống dư dả và chưa nghĩ đến chuyện đi bước nữa.

Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Tú khuyên các ông bố đơn thân, nếu mẹ vẫn còn quan tâm con thì hãy tạo điều kiện để họ gặp nhau: "Nuôi một đứa trẻ lớn khôn không thể chỉ bằng sữa, cơm, gạo hay cho đi học trường này lớp nọ, mà còn phải quan tâm đến tâm lý và cảm xúc của con. Hãy giúp con trưởng thành bằng những điều tích cực".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho hay, một đứa trẻ không được ở gần mẹ là một đứa trẻ dễ khiếm khuyết về mặt cảm xúc. "Hãy đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu bằng cách cố gắng để con có đủ tình yêu thương của cha mẹ. Ngăn cản con gặp mẹ như một cách trả thù người cũ hay vì sợ con rời xa mình chỉ là suy nghĩ ích kỷ, thiếu thực tế", bà Tâm nói.

Ngoài ra, chuyên gia khuyên nhưng ông bố đơn thân đừng phó thác đứa trẻ cho ông bà và để con cảm thấy mình là gánh nặng, là người thừa. Khi không được yêu thương, lớn lên đứa trẻ sẽ không biết cách yêu thương chính mình và yêu thương người khác.

Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

Theo vnexpress