leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những phụ nữ với vẻ mặt phờ phạc tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý thường rơi vào 1 trong 2 hoàn cảnh: bị chồng bạo hành hoặc chồng ngoại tình, đôi khi là cả hai. Điều lạ là khi hôn nhân đã không còn tình yêu, hạnh phúc, chỉ còn chuỗi ngày đau khổ mà họ vẫn không muốn chấm dứt. Vậy họ còn luyến tiếc nỗi gì?

Họ thừa hiểu rằng, cải tạo người đàn ông có thói quen bạo hành hoặc ngoại tình là chuyện gần như bất khả thi và vượt quá khả năng. Tại sao họ mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân như vậy mà không muốn thoát ra?

Không phải cuộc hôn nhân nào cũng đáng được cứu vãn

Theo tổng kết của Trung tâm Tư vấn Linh Tâm ở Hà Nội, các chuyên viên tư vấn đều cho rằng, với những trường hợp như trên, mục đích của tư vấn không phải là hòa giải để cứu vãn hôn nhân, mà vấn đề là cuộc hôn nhân đó có đáng được cứu vãn hay không.

Nếu bạn trực tiếp nghe những nạn nhân bị chồng đánh đến phải vào Bệnh viện Đức Giang ở Gia Lâm, Hà Nội - nơi có hẳn một khoa dành riêng cho phụ nữ bị bạo hành - mới thấy những cuộc hôn nhân như thế kéo dài ngày nào thì khổ cho phụ nữ thêm ngày ấy.

Ngoại tình cũng là một dạng bạo hành. Đành rằng đàn ông ai cũng có thể có những phút xao lòng, nhưng nếu biết nhận lỗi và chấm dứt, trở về với gia đình và yêu vợ thương con thì mới xét tới khả năng tha thứ. Nhưng trường hợp chồng chị Thanh - 36 tuổi, ở quận Tây Hồ - không phải là chuyện một phút xao lòng mà là ngoại tình thường xuyên, liên tục.

Dù đã có vợ, anh này luôn có nhân tình. Khi vợ phát hiện những mối quan hệ ngoài luồng với bằng chứng không thể chối cãi, lần nào anh cũng hứa đó là lần cuối, nhưng chỉ tháng sau lại đâu vào đấy.

Bây giờ thì anh ngoại tình công khai, vợ theo dõi bắt quả tang, anh bảo: “Cô làm đơn đi tôi ký”. Chị nhờ tư vấn cách để khỏi mất chồng và giữ được cha cho 2 con, bởi đã 2 lần chị viết đơn ly hôn rồi lại xé. Yêu cầu của chị thật khó, vì “đối tác hôn nhân” của chị thật sự không có thành ý duy trì tổ ấm, có níu kéo cũng chỉ gây đau khổ.

Khi chúng tôi tìm hiểu tại sao bị chồng bạo hành, ngoại tình tệ bạc như vậy mà họ vẫn chịu đựng thì mới biết chị em rất sợ ly hôn. Điều này như nỗi ám ảnh đã ăn sâu vào đầu óc họ, được truyền dạy từ mẹ, từ bà. Như một thói quen, ngày xưa chồng có quyền “dạy vợ”, mà chủ yếu là dạy bằng chân tay. Bởi vì thân phận người con gái ngày xưa đi lấy chồng chỉ có 2 bàn tay trắng với chút ít của hồi môn như đôi bông tai hay cái nhẫn vàng bé tẹo không đáng kể. Tất cả cuộc sống phụ thuộc vào nhà chồng. Nếu họ bị đuổi ra đường thì biết đi đâu và sống bằng gì; về nhà mình thì không được vì làng xóm chê cười.

Cho nên, trong một hội nghị chống bạo hành ở quận Gia Lâm, Hà Nội, đã có chị đứng lên phát biểu: “Tôi đã đi lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng chứ không bao giờ ly hôn”. Suy nghĩ đó đồng nghĩa với việc chấp nhận chồng có ngược đãi thế nào vợ cũng chịu đựng chứ không dám ly hôn, chấp nhận bị chà đạp để giữ hôn nhân bằng bất cứ giá nào.

Tự lập giúp phụ nữ mạnh mẽ

Trong một thí nghiệm tâm lý, các nhà khoa học thả mấy con ếch vào nồi nước nóng, lũ ếch nhảy vọt lên và thoát ra được. Nhưng khi thả ếch vào nồi nước mát rồi từ từ tăng nhiệt độ thì lũ ếch cứ cố chịu đựng. Đến khi nóng quá không chịu nổi mới cố sức nhảy lên để thoát thân thì không còn kịp nữa và đành chịu chết. Bạo lực gia đình cũng thế. Mới đầu chỉ là to tiếng, quát tháo rồi tăng dần lên tát, đấm, đạp, thậm chí đánh vợ đến phải nhập viện. Công an, hàng xóm có can ngăn, nhưng vừa ra khỏi cửa thì đâu lại vào đấy. Bạn nên biết, không ai túc trực ở nhà bạn mỗi ngày để bảo vệ bạn được mà trước hết là chính bạn phải đứng lên. Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh.

Tôi biết ở Hà Nội có nơi dạy võ mà phần đông học viên là phụ nữ bị bạo hành. Từ ngày có võ, các chị khoe rằng chồng chỉ đứng xa xa chửi bới chứ không dám xông vào tát vợ nữa.

Thời đại ngày nay đã khác. Những cô gái đi lấy chồng hầu hết có nghề nghiệp, có công ăn việc làm, có thu nhập. Khi vững vàng về kinh tế, nếu buộc phải chia tay, chị em hoàn toàn có thể giành quyền nuôi con, thậm chí còn được ưu tiên nuôi con nếu con còn nhỏ. Khả năng tự lập giúp chị em có can đảm dứt khỏi cuộc hôn nhân không lối thoát. Họ nhận ra: lấy chồng để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc chứ không phải để làm nô lệ tình dục, làm “cái máy đẻ” cho nhà chồng hoặc chịu chà đạp, bạo hành.

Tôi nhớ có lần đã hỏi chị Liên (28 tuổi, quê ở Lào Cai, về Hà Nội làm nghề giúp việc): “Chị có còn bị chồng đánh không?”. Chị cười rất tươi, trả lời: “Bây giờ cho tiền chồng cũng không dám đánh. Em nói rõ: tử tế với nhau, yêu thương nhau thì ở, còn quen thói gọi vợ “mày tao”, động chân động tay thì em ly hôn luôn. Em tính rồi, nếu phải ly hôn thì em đem con về gửi ông bà ngoại, còn em đi làm, hằng tháng gửi tiền về nuôi con, rồi cũng qua hết, không chết đâu mà lo”.

Câu trả lời của chị Liên làm tôi nhận ra: chị em dù ít học, lao động chân tay hay học hành nhiều đều không có lý do gì phải cam chịu “mắc kẹt” trong những cuộc hôn nhân không đáng để cứu vãn.

Theo phụ nữ TPHCM