Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em cưới nhau được 3 năm. Năm đầu em sống chung với nhà chồng. Chồng em là con trai lớn, là người đầu tiên có gia đình. Ba chồng đã mất, anh có 2 chị và 2 em đều chưa lập gia đình.
Sống chung, em không được lòng nhà chồng vì họ muốn em phải lo cho cả nhà, từ cơm nước, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa. Em cảm thấy vô lý hết sức vì ai cũng trưởng thành, em út chồng còn hơn em tới 2 tuổi. Má chồng thì vẫn mạnh khỏe, buôn bán ở chợ. Ai cũng có công ăn việc làm, vậy sao em phải lo hết?
Em muốn mọi người cùng làm việc nhà, nhưng các anh chị em chồng không đồng ý. Họ bảo ai lập gia đình phải lo hết nhà này, đó là lối sống nhà này từ trước tới nay.
Hơn năm sau, cuộc sống ngột ngạt nên vợ chồng em xin ra riêng, 2 nhà cách nhau con hẻm. Thời gian đầu, vợ chồng em cũng thường về thăm nhà chồng. Nhưng mỗi lần về là chị em chồng cứ soi mói, hoạnh họe đủ điều nên sau này chỉ chồng về.
Để được yên ổn, mỗi tháng chồng em phải đưa tiền cho chị chồng thuê người làm việc nhà bên đó, vì nhà chồng cho đó là việc của em, nếu em không làm thì phải thuê người làm.
Tới khi em có bầu, sinh con, chồng em nói lương anh phải lo cho cả vợ con nên xin không đóng tiền. Nhà chồng khó chịu, khi em vào bệnh viện sinh con cũng không thăm hỏi. Xuất viện về, mẹ chồng kêu mẹ em lên chăm nhưng vì nhà ngoại xa, mẹ em chỉ có thể chạy đi chạy về.
Nay con em mới được 3 tháng, nhà chồng kêu em gửi con cho hàng xóm để đi làm, khỏi ăn bám chồng. Em thương con mới 3 tháng tuổi đã phải xa mẹ. Em biết thực ra họ muốn chồng em phải mang tiền về nộp như trước; nhưng lương chồng em không nhiều, giờ thêm một đứa trẻ, đủ thứ phải lo, đâu còn dư tiền mà nộp.
Hễ em sắm sửa cái gì cho bé là chị chồng lại qua nhà cạnh khóe. Chồng em nói thà nộp một khoản tiền cho yên thân. Em tính chỉ còn cách dọn về nhà ngoại ở, tiền thuê nhà dư ra sẽ nộp cho nhà chồng, em nhờ ngoại coi bé rồi đi làm. Chồng em lại không muốn về nhà ngoại. Em phải làm sao?
Hoài Ngân (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Hoài Ngân thân mến,
Không có quy định nào buộc em phải làm mọi việc nhà của gia đình chồng, nếu không thì nộp tiền cho nhà chồng thuê người làm. Chuyện “đó là lối sống nhà này từ trước tới nay” còn vô lý hơn.
Trước nay nhà chồng em đã có con dâu nào đâu. Em lấy chồng đâu phải để thành người dọn nhà, nấu ăn cho cả nhà chồng. Nhất là bây giờ, khi em đang phải lo cho con nhỏ. Mặt khác, không tiền nào đổi được sự yên ổn đâu em. Muốn có được sự yên ổn, phải xác định rõ vai trò, vạch rõ giới hạn quyền, trách nhiệm và chấp nhận tranh đấu để giữ lấy quyền của mình, chấp nhận có thể mọi chuyện không yên ổn.
Người bên cạnh em là chồng em. Hãy bắt đầu từ anh ấy. Vợ chồng em nên ngồi lại bàn tính cho cặn kẽ từng việc và phải đồng thuận thì mới thu xếp được việc nhà. Nếu mọi người trong gia đình chồng đều có công ăn việc làm, đều tự lo được, chồng em có thể nói chuyện với má để dừng đóng tiền.
Chồng em biết, anh chỉ có trách nhiệm lớn nhất với má, lỡ mai này má ốm đau, già yếu. Không cần phải thương lượng xin phép gì với 4 chị em chồng. Với má, anh ấy có thể trình bày việc cháu nội má còn quá nhỏ, nên để mẹ nó ở nhà vài tháng nữa để chăm sóc. Chắc má chồng em cũng không muốn vợ chồng em về nhà ngoại, không muốn con trai bà phải ở rể, phụ thuộc nhà vợ. Má sẽ nói chuyện phải quấy với các con của bà.
Đã dứt được ra riêng, độc lập tự chủ cuộc sống, đó là cố gắng lớn của vợ chồng em. Việc trở lại sống chung với nhà nội hay nhà ngoại cũng sẽ làm người này hay người kia cảm thấy áp lực nhất định. Hãy giữ hạnh phúc của gia đình nhỏ và mạnh mẽ đấu tranh để được sống cuộc sống của mình, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM