Tôi có người chị họ ở gần nhà, nay vào độ tuổi trên dưới 50. Trước giờ, tôi vẫn hay nghe chị than rằng cả đời “phải ở nhà chồng nuôi” vô cùng khổ sở, tủi nhục. Lời khuyên cửa miệng của chị luôn là đàn bà con gái nhất định phải học hành, đi làm, tự lập, đừng sống “ăn bám” vào chồng, chẳng sung sướng gì đâu. Cứ nhìn vào tấm gương của chị thì rõ.

Từ nhỏ, tôi đã bị những lời của chị tác động mạnh tới suy nghĩ. Thậm chí, tôi có phần sợ hãi với ý nghĩ, lỡ đâu mình thất nghiệp, không kiếm được tiền, chắc sẽ bi kịch lắm. Chị họ đã trải qua và chia sẻ thì làm sao mà sai được!

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Thế nên, tôi cố gắng có công việc riêng ở một văn phòng nhỏ. Lương bổng không cao nhưng cũng có dư. Chỉ là tôi hay phải đi công tác, công việc không nặng nhọc nhưng áp lực về đầu óc khiến tôi thường xuyên căng thẳng. Chưa kể, là một người say xe, tôi khá mệt mỏi, vất vả trong các hành trình vài ngày.

Con cái tôi chủ yếu giao vào tay người giúp việc. Tôi thấp thỏm trước mỗi đợt đòi nghỉ, đòi tăng lương… của họ. Sau hơn 10 năm đi làm, nhiều lúc tôi chỉ thèm có một khoảng thời gian được nghỉ ngơi hoàn toàn, thư giãn vài bữa, không phải nặng gánh áo cơm. 

“Bố mày xưa giờ rất tệ, chỉ biết đi làm đưa tiền về, chứ con ốm vợ bệnh, nhà cửa thiếu đủ thế nào cũng mặc kệ”. Không ít lần, tôi chứng kiến chị họ mình kể tội chồng với con cái như thế. Chẳng hiểu các con của chị cảm thấy thế nào, có ghét và trách bố không nhưng theo tôi, chị khá an nhàn, cả đời chủ yếu lo việc nội trợ, chưa từng một lần phải gánh gồng kiếm sống. Chồng chị tuy hơi vô tâm nhưng vẫn có trách nhiệm, nuôi cả nhà 6 người, các con ăn học đầy đủ, dựng vợ gả chồng xong xuôi hết. 

Tới một ngày, tôi quyết định nghỉ việc, trở thành một người phụ nữ ở nhà chồng nuôi với dự tính rằng thời gian rảnh sẽ nhận sổ sách về làm thêm hoặc chế biến chút đồ ăn, bánh trái để bán online. Chồng tôi chỉ nói đơn giản rằng tùy em sắp xếp, miễn sao cảm thấy thoải mái và thỏa đáng. Anh chẳng phản đối hoặc tỏ ra ủng hộ, mà tôi kín đáo nhận ra anh có chút lo âu…

Tôi hiểu nỗi khó xử của anh, càng hiểu tại sao anh không mạnh dạn nói “cứ nghỉ ở nhà, có anh lo”. Bởi lẽ, thu nhập của anh không quá cao, giữa thời vật giá lẫn kinh tế chung đang khó khăn này. Nếu tôi vén khéo thì cũng tạm đủ nhưng chắc chắn mỗi năm sẽ ít có khoản để dành nào coi được. Chúng tôi cũng chưa có thu nhập thụ động hoặc cái gì đảm bảo nên “về hưu sớm” quả là có phần liều lĩnh. Nhưng tôi đuối lắm rồi. Tôi cần thay đổi, cần một khoảng lặng để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng cho sức khỏe chính mình…

Cuộc sống của gia đình tôi sau khi tôi trở thành bà nội trợ khá an ổn. Tôi cố gắng vun vén, cắt giảm các khoản chi trước đây bằng cách sử dụng chính sức lao động của mình. Ví như tôi tự đưa đón con, ngưng thuê người giúp việc, tự đi chợ hoặc siêu thị lựa đồ khuyến mãi, tận dụng các món đồ còn xài được trong nhà, hạn chế mua đồ ăn sẵn… Tôi quan tâm chăm sóc, đón ý chồng con nhiều hơn như một cách tế nhị bù đắp cho sự “không đi làm” của mình. Dù thực sự tôi cũng có các khoản thu nhập be bé đủ để chi xài cá nhân nhưng tôi chọn tiết kiệm, chừng mực.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

 

Điều quan trọng nhất là tôi thấy bản thân mãn nguyện, cảm thấy may mắn khi được chồng “cho phép” ở nhà mà không ý kiến gì. Anh cũng chưa từng tỏ ra khó chịu hay tỏ thái độ cho rằng “vợ vô dụng”. Tôi thấy mình được ưu ái khi thong dong ăn ngủ tùy thích, chẳng còn phải bó buộc giờ giấc hay nhìn sắc mặt sếp hoặc đồng nghiệp để rồi sống trong stress nữa. 

Sau hơn 2 năm “ở không”, tôi tự kết luận rằng những ai thường than van rằng ở nhà chồng nuôi thật khổ sở là sai và ít biết ghi nhận công sức của bạn đời. Bởi họ thường ở trong trạng thái: nghỉ việc, sau đó không tạo ra bất cứ giá trị nào nên thiếu tự tin, dễ mặc cảm và tự ái.

Họ quên mất hoặc xem nhẹ các đóng góp của mình trong gia đình. Hoặc là họ chưa từng phải nhọc nhằn đi làm nên khó mà cảm thông, thấu hiểu được bao nỗi bon chen, chật vật kiếm sống bên ngoài. Nếu có sự chuẩn bị và tự nguyện, cả về vật chất và tâm thế, thì được “ở nhà chồng nuôi” là một sự ưu tiên mà ta nên cảm kích… 

Theo phụ nữ TPHCM