leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhiều lần chị gợi ý chồng tìm phương án cải tạo hoặc xây lại nhà, nhưng anh luôn gạt đi: “Ăn thì nhiều, ở chẳng bao nhiêu, nhà mình đã hơn mấy cái phòng trọ rồi, làm gì cho đổ nợ”.

Chị nhớ lại lúc mua ngôi nhà đang ở, anh cũng can ngăn với lý do: “Ở trọ nuôi con rồi sau này tụi nó lớn thì mình về quê ở với ông bà, tiền bạc đâu mà mua”. Chồng chị hiền lành, chăm chỉ, có trách nhiệm nhưng luôn an phận. Dù nói thế, nhưng khi vợ quyết tâm vay mượn để mua nhà, gánh một khoản nợ trên vai, anh lại lao vào làm ăn để trả.

Anh làm thợ cơ khí, ngoài lương hằng tháng ở xưởng, anh nhận làm thêm đủ việc để có tiền như sửa điện nước, lắp máy lạnh, đổ bê tông… Mỗi tháng anh đưa về cho chị thêm một khoản gấp 3 lần tiền lương.

Sau 5 năm, thanh toán xong nợ nần, anh lại chọn cách sống nhàn nhã như trước, không muốn phấn đấu thêm. Anh trở về với thú vui uống trà, chơi cá, chỉ làm công ăn lương ở xưởng. Nếu dư đồng nào, anh cũng mua sắm linh tinh chứ không đưa về cho vợ. Chị góp ý thì anh vùng vằng: “Nợ nần trả xong rồi, phải hưởng thụ một chút chứ”.

Chị nghĩ vợ chồng còn trẻ, con còn nhỏ, nên tranh thủ làm lụng, tích lũy để lo cho con và cuộc sống tuổi già. Anh bằng lòng với ngôi nhà cấp 4 cũ chỉ có 1 phòng ngủ. Con ngày càng lớn, cần chỗ học hành; ngôi nhà đã cũ ngày càng xuống cấp, mỗi lần mưa gió lại nơm nớp lo sợ.

Sau nhiều lần thuyết phục chồng không thành, chị tâm sự với cô đồng nghiệp lớn tuổi trong công ty. Ai ngờ cô khuyên: “Cháu cứ chủ động làm, chồng sẽ theo. Tính cách của chồng cháu không khác gì ông xã cô hết”. Rồi cô kể, suốt mấy chục năm hôn nhân, cô luôn “soạn việc” để cho chồng biết lo, bởi phải “đổ nợ” chồng mới có động lực làm việc kiếm tiền. Từ việc làm nhà, mua xe, lo cho con đi học, cô lên kế hoạch rồi giao cho chồng một khoản nợ cần trả. Nhờ thế mà giờ mới có cuộc sống ổn định, nhà cửa con cái đề huề, thêm khoản tiền tích lũy cho tuổi nghỉ hưu.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị thấy cô nói đúng. Những người an phận, cầu toàn như chồng chị cần một người vợ mạnh mẽ, quyết đoán để định hướng. Nếu cả hai cứ êm xuôi, làm gì cũng không dám, không nhìn xa trông rộng thì tương lai chẳng có gì cả.

Chị âm thầm lên kế hoạch xây nhà, tìm hiểu thủ tục vay ngân hàng lãi suất thấp, mượn thêm người thân và thuê thợ thiết kế, đặt cọc vật liệu. Khi mọi việc hoàn thành mới báo cho chồng, anh bị đặt vào thế mọi sự đã rồi nên không còn phản đối gay gắt nữa.

Từ ngày xây nhà, chị giao cho anh quản lý chi phí để nắm rõ các khoản nợ cần trả. Anh không còn lo hưởng thụ nữa mà tập trung làm việc kiếm tiền, biết dành dụm để trả nợ. Nhìn chồng có động lực làm việc, chị biết mình không sai khi vay nợ để xây nhà.

Theo phụ nữ TPHCM