Bệnh này ngày xưa ông bà gọi là kỹ tính, nhưng cư dân mạng bây giờ gọi là OCD (viết tắt của căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Chồng tôi là một OCD chính hiệu: sạch sẽ, bóng loáng, ngăn nắp, đối xứng, vuông vức, tròn vành vạnh… là những miêu tả có thể dùng cho anh.

Tôi cũng thuộc dạng đảm đang. Lúc mới cưới nhau, tôi háo hức gầy dựng tổ ấm. Cơm ngon canh ngọt, quần áo thơm phức mùi nắng là những điều tôi mơ tưởng về tổ ấm của mình. Thế nhưng, ngay cuối tuần đầu tiên tôi đã… phát sốt khi thấy chồng soạn hết tủ áo quần ra… xếp lại. Anh nói: “Anh xếp cho vuông. Em làm cũng gọn rồi, nhưng nhìn chưa vuông vức".

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Sau cú sốc ấy, tôi lưu ý tiêu chí “vuông" mỗi khi sắp xếp mọi thứ. Nhưng chẳng cần tôi phải tự giác. Mỗi ngày, anh đều trình diễn sự vuông vức và “khai sáng" cho tôi về những thứ có thể vuông vức trên đời. Chiều về, tôi đi trước vài bước thì quay lại đã thấy anh loay hoay đứng sau… sửa lại đôi giày cho vợ trên bậc cửa. Anh xếp 2 đôi lại bằng nhau rồi “kịch" đầu giày của tôi vào tường, đúng 90 độ.

Sửa giày xong, vào đến nhà, anh bắt đầu… sửa túi xách, do tôi quăng tạm chiếc túi xách xuống sô-pha để đi nấu ăn. Anh thừa biết chiếc túi xách chỉ “ở tạm" trên ghế, nhưng anh cũng sửa. Anh đẩy nó sát lại lưng ghế, để song song với tay ghế.

Trước, tôi vẫn tự tin mình là người ngăn nắp, nên việc bị một người cứ kè kè sửa lại đồ đạc của mình cũng khiến tôi khó chịu. Tôi chủ động thay đổi. Tôi bắt đầu… vuông vức. Nhưng khi đã vuông vức, tôi nhận ra ngoài vuông vức thì còn phải… sát vào tường. Ví dụ, một đôi giày để bằng nhau và vuông góc với tường chưa đủ, phải kê… sát vào tường.

Nhà tôi có một kệ đựng chén cho ráo nước sau khi rửa xong. Chén khô sẽ được cất từ kệ này vào tủ. Và cái kệ chén này làm chồng tôi khá bận bịu. Vì lượng chén mỗi bữa của vợ chồng chỉ vài cái nên khi rửa xong, tôi úp lên kệ thì một lát sau anh lại sửa lại. Nhìn anh sửa vài lần, tôi nhận ra là do tôi úp chén quá chơi vơi, không sát vào mép kệ. Và việc của anh là “lùa" cả đám chén ngăn nắp dựa vào mép.

Phải nói là giai đoạn đầu tôi rất dễ phát điên vì những tỉ mỉ hết sức tủn mủn này của chồng. Ngoài việc chủ động làm cho vuông, cho thẳng thì tôi rất… máu chiến. Tôi canh me chồng sắp lại sửa sang gì đó là tôi thủ sẵn những lý lẽ để giành lại địa bàn, không cho anh sửa. Thấy anh sắp úp lại chén, tôi lập tức nói: “Anh làm gì đó? Chỗ bếp này là của em, kệ em! Anh mà xếp sửa gì thì… sửa luôn vợ anh đi này. Kiếm bà khác về mà làm. Đây không có è cổ ra làm để rồi bị sửa với chả sang lại đâu nhé!”.

Lúc vui thì anh cười xuề xòa. Lúc đang… mắc sửa quá, anh cũng nổi điên, quạu lại vợ. Thường, anh sẽ nói em xếp chưa gọn, em để chưa thẳng, em canh chưa vuông. Có lần, tôi làm bánh sinh nhật tặng đồng nghiệp. Chiếc bánh làm xong nhìn đẹp muốn… ngất. Thế nhưng khi chụp hình khoe chồng, tôi nhận lại một tin nhắn: “Hình như bánh không được tròn lắm, em xem lại thử!”.

Thường, một người OCD đã nói méo là méo. Họ có năng lực siêu nhiên trong việc canh chỉnh mọi thứ và phát hiện ra lỗi sai. Sống với chồng một thời gian, tôi có lúc stress tới mức phải lên nghiên cứu về những người có chứng sạch sẽ, ngăn nắp thái quá. Và tôi nhận ra mình không hề cô đơn.

Rất nhiều chị em phải sống với những ông chồng như vậy và ai cũng rút ra kinh nghiệm rằng chính những người OCD họ khổ sở hơn cả. Họ hay bị hút vào những cái lệch chuẩn và luôn bị thôi thúc phải sửa lại cho chuẩn. Còn khi sống cùng, việc ta cần làm chỉ là lờ họ đi. Hãy để họ thực hiện sứ mệnh “tròn, vuông, thẳng, láng" của họ. Học được thế, tôi… lờ hẳn.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Dẫu vậy, thỉnh thoảng tôi cũng bị hút vào sự thẳng thớm của chồng và lại nổi điên. Thế nhưng, vì cả vợ lẫn chồng đều biết đó là “bệnh", nên anh cũng không dùng sự ngăn nắp của mình để làm thước đo đánh giá vợ. Còn vợ thì lờ được chừng nào hay chừng đó.

Có lúc, tôi còn “lợi dụng" sự OCD của chồng bằng cách đem một văn bản dài thượt ra hỏi “anh thấy lỗi chính tả không?”. Kết quả, anh chỉ ra vài chỗ “đặt sai dấu". Tôi cười muốn ngất. Văn bản tiếng Việt có những quy tắc về đặt dấu trong chữ, và cả dấu trong câu. Với năng lực của một người OCD, anh liếc qua một cái là nhìn thấy những khoảng cách bất thường do đặt sai vị trí dấu câu (tức là thừa hoặc thiếu dấu cách xung quanh dấu câu), thậm chí là cả những chữ đặt dấu thanh không đúng vị trí. Anh chỉ xong thì nói với vẻ nghiêm túc: “Nhìn nó kỳ lắm, không ngăn nắp”.

Đó là những lúc tôi vừa thấy thương, vừa thấy buồn cười quá đỗi vì ông chồng “thẳng thớm" của mình. Mỗi lần bực chồng, tôi lại nghĩ về nó để thấy thương, thấy thông cảm và cũng thấy… ngưỡng mộ sự OCD kỳ lạ của anh. 

Theo phụ nữ TPHCM