Tôi phát ngán với lời vô duyên cùa chồng - Ảnh minh họa

Tôi làm trong ngành truyền thông, hàng ngày tiếp xúc với những người khéo ăn khéo nói riết cũng ngán, nên khi gặp anh ăn nói "tồ tồ", thấy cũng dễ mến.

Quen nhau một thời gian, kiểu giao tiếp không duyên dáng của anh nhiều khi khiến tôi bối rối với người thân, bạn bè. Hơn sáu năm sống cùng nhau, tôi thấm mệt vì phải thường xuyên đính chính cho hành xử hoặc lời ăn tiếng nói của chồng. 

Anh xưa kia là hàng xóm của tôi. Sau đó, nhà tôi chuyển vào thành phố sống, chúng tôi mất liên lạc, gần hai 20 mới tình cờ gặp lại. Là bạn cũ nên khi gặp lại ngay lập tức tôi có cảm giác thân quen. Nhiều lần hẹn đi cà phê, khi nói chuyện nghe anh vẫn dùng lời lẽ như kiểu ở quê khiến tôi thích thú. Nó khác hoàn toàn với kiểu giao tiếp hằng ngày trong môi trường làm việc của tôi.

Và dần dần, sự thích thú cũng đi qua, thay vào đó là những lần ái ngại vì không chỉ là kiểu nói chuyện chân quê mà còn giao tiếp rất kém. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định lấy anh sau một năm tìm hiểu vì nghĩ quan trọng là anh hiền lành.

Hồi sắp cưới, lần đầu tiên tôi đưa anh về  dự đám giỗ bà ngoại, cũng coi như là lần ra mắt anh với bà con họ hàng. Lẽ ra anh nên đem theo một ít gì để cúng thì anh đi tay không. Đi dọc đường, không nghe anh nói gì nên khi gần đến nhà ngoại, tôi nói anh ghé vô chợ để tôi mua trái cây cúng ngoại. Cưới nhau về chuyện lễ nghĩa một tay tôi lo.

Một lần, anh đưa tôi đến bệnh viện thăm mẹ của một người bạn đang bệnh. Trước khi chào về, anh tặng bác một túi yến hộp thủy tinh. Mẹ bạn nói: "Bác cảm ơn nhưng vầy, thằng con bác đi làm ăn xa, bác thì nay ốm mai đau nên không lễ nghĩa qua lại được. Bác cảm ơn con nhưng bác không nhận quà nha. Con đến thăm là quý rồi". Bác gái nói xong, anh chồng tôi liền cầm hộp yến về. Thật không thể tưởng tượng! Tôi rơi vào thế khó xử, để anh cầm về cũng kỳ mà chen ngang bảo để quà lại thì sợ anh mất mặt.  

Vì chúng tôi vốn là người cùng quê nên thỉnh thoảng gặp lại những người bạn chung ở quê. Mỗi lần gặp, nhất là gặp lại bạn nữ, tôi chỉ muốn che mặt vì chồng "phun châu nhả ngọc".

Gặp lại Cúc sau hơn chục năm, chồng tôi giành nói: "Ê bà, hồi xưa kêu bà là Cúc mập mà giờ nhon hay quá chớ. Tập gì chỉ với coi. Mà ốm thì dáng đẹp nhưng mặt nhăn nhiều đó nghen".

Khi gặp Hoa thì chồng tôi làm một tràng: "Lâu ngày gặp lại thấy bà Hoa vẫn lùn như ngày nào, không cao được phân nào hén", gặp đứa bạn trai còn độc thân: "Súng đạn sao mà giờ còn ở không vậy mày?"...   

Hàng trăm lần tôi phải "muối mặt" mỗi khi anh mở miệng hay có những cách hành xử mà nằm mơ tôi cũng không nghĩ. Hồi đầu, tôi nghĩ đàn ông quan trọng hiền lành, có trách nhiệm với gia đình, còn lời ăn tiếng nói xét nét quá làm gì.

Cách đây ba năm, có những lúc tôi mệt với những kiểu vô duyên không lường trước được của chồng nên tâm sự với cô bạn thân. Bạn hỏi: "Giao tiếp tốt có quan trọng không?". Câu hỏi của bạn và một số câu hỏi tôi tự hỏi mình cứ lập đi lập lại. 

Tôi không thể suốt ngày nhắc chồng trước mặt bà con, bạn bè rằng anh đừng như vậy. Nhưng có lần tôi "đe dọa": "Anh mà không sửa đổi, chúng ta ly dị đi".

Bởi vì, chúng tôi đã cãi nhau nhiều và tôi cũng đã mất bao nhiêu người bạn chỉ vì họ không muốn gặp anh. Tôi cũng ngao ngán nên không muốn đi đâu cùng chồng, bất kể là họp lớp, tiệc công ty hay đi cà phê với bạn.

Bây giờ, mỗi khi có hẹn, tôi chỉ thông báo với chồng mình đi gặp ai đó chứ không rủ anh đi theo. Trong những trường hợp không thể để anh ở nhà như cưới hỏi, tiệc tùng, giỗ chạp trong họ hàng, trước khi đi tôi đều yêu cầu anh không được đùa giỡn câu nào, chỉ chào hỏi và trả lời những thông tin cần thiết khi có ai đó hỏi. Tôi biết anh khó chịu nhưng đành vậy, nếu không ngày ly hôn của chúng tôi sẽ rất gần. 

Theo phunuonline