leftcenterrightdel
 Người ta vẫn hay nói trên đỉnh vinh quang thường rất cô đơn, đó là những gì sếp tôi đang trải qua (ảnh minh họa)

Đọc bài viết Người chồng... trên ti vi, tôi nhớ ngay anh sếp của mình. Anh Tuấn là chủ công ty mà tôi đang làm việc. Gần 50 tuổi, anh đang sở hữu một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất lớn nhất tỉnh. Công ty có chi nhánh cả ở 3 miền, không chỉ bán sản phẩm trong nước mà còn liên tiếp có các đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài.

Anh Tuấn tiếp nối sự nghiệp để lại từ người cha. Gần 20 năm, cơ ngơi trong tay anh hiện tại đã lớn gấp 4-5 lần. Anh là gương mặt doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.

Không chỉ giỏi làm việc, anh Tuấn cũng có mối quan hệ rất tốt với địa phương. Trên các bài báo, phóng sự của đài truyền hình của tỉnh thường xuyên có gương mặt anh đồng hành cùng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, trồng cây xanh, hay xây mới trường học cho trẻ em...

Làm việc cùng, lúc nào chúng tôi cũng thấy ở anh hình ảnh một người tràn đầy năng lượng và sự cống hiến cho công việc. Những năm gần đây, doanh thu và vị thế của công ty ngày càng nâng cao. Anh bắt đầu những chuyến công tác nước ngoài để tìm thị trường mới. Doanh nghiệp của chúng tôi trở thành điển hình được nêu gương trong tỉnh. Điều này luôn khiến anh Tuấn tự hào và lấy đó làm động lực để liên tục phấn đấu.

Nhưng ít ai biết được phía sau hào quang của anh, có một gia đình với vị trí người cha, người chồng bị bỏ trống. Chị Lương là vợ anh Tuấn. Hồi mới tiếp quản công ty từ bố chồng, chị sát cánh cùng anh chèo lái công ty. Đến ổn định, anh đề nghị chị lui về chăm sóc 3 đứa con nhỏ và làm công việc mà chị yêu thích.

Mặc dù chẳng bao giờ vắng mặt khi việc cần anh, thế nhưng anh lại vắng mặt những lúc vợ cần. Tôi còn nhớ, lúc chị Lương vợ anh sinh bé thứ 3, khi chị chuyển dạ sinh thì anh đang trong cuộc họp. Vì không nghe điện thoại trong lúc họp mà chị Lương phải vượt cạn một mình

Ngày sinh nhật hằng năm, hay dịp kỷ niệm ngày cưới, chị đều nhận được hoa và thiệp mừng. Nhưng chị biết rõ tất cả là do thư kí của anh gửi cho chị, chứ anh thì chẳng có thời gian để nhớ đến những ngày kỉ niệm.

Anh Tuấn thường xuyên về muộn. Ngày thường thì do nhiều công việc, còn cuối tuần thì do phải tiếp khách. Hôm nào về sớm thì ăn xong là anh lên phòng làm việc. Những câu chuyện vợ nói, anh chỉ ừ à cho qua. Dần dần, anh không còn là người mà chị muốn tâm sự cùng nữa.

3 đứa con anh Tuấn từ nhỏ chỉ được chăm sóc bởi mẹ hoặc cô giúp việc. Nhiều ngày cha con không nhìn thấy mặt nhau dù sống chung một nhà. Thứ anh hay “thưởng” cho các con nhất là một khoản tiền tiêu vặt, hoặc một món quà đắt đỏ. Bọn trẻ không thể gần gũi với bố vì bố chẳng có thời gian nghe chúng nói chuyện. Trong khi chúng cần anh hướng dẫn, dìu dắt trong nhiều hoàn cảnh để trưởng thành hơn.

Anh thường xuyên vắng mặt trong đám cưới đám hỏi, hay dịp lễ tết. Những việc hiếu hỉ của người thân thường xuyên được đại diện thăm hỏi bởi thư kí của anh hoặc vợ anh. Bà con họ hàng xem sự vắng mặt của anh là điều hiển nhiên, vì “Tuấn còn bận lo việc lớn”.

Ở độ tuổi sung sức, anh Tuấn vẫn đang mải mê theo đuổi hạnh phúc với thành công của công ty và địa vị xã hội. Có lẽ trong tương lai, người thân vẫn thấy anh trên báo đài, tivi nhiều hơn gặp trực tiếp. Chị Lương và các con anh có buồn vì anh không? Tôi nghĩ là có, nhưng họ biết cảm thông và cất đi những cảm xúc riêng. Là hậu phương của những người thành đạt, mấy ai không thiệt thòi?

Theo phụ nữ TPHCM