Ảnh minh họa
“Một cô gái đi gặp bồ của chồng để nói chuyện. Tới nơi, chồng cô không hẹn nhưng cũng có mặt. Cả ba lời qua tiếng lại, cô bị chồng tát hai cái nảy lửa, rồi đuổi: Cút về nhà”.
Nhóm nữ sinh viên đang ngồi uống trà bí đao ngoài đường, nghe câu chuyện xong thì một cô lên tiếng: “Tặng luôn anh chồng đi, đàn ông thiếu gì”.
Cả bọn vừa thương người vợ, vừa giận gã chồng. Rồi một đứa lên tiếng: “Thế hệ mình trở đi, chắc hai từ đánh ghen sẽ lùi vào dĩ vãng”. Cả nhóm không hẹn mà đồng loạt ra dấu hiệu “like”.
Tôi quan sát thấy, cháu nào cũng tự tin, từ cách nói năng tới thần thái. Câu chuyện của các bạn trẻ ấy xoay quanh bài vở, việc làm thêm, chuyện mua sắm, người yêu.
Cô bé mặc sơ mi than bài vở nhiều, căng thẳng quá: “Hay là Chủ nhật này cả bọn lên Đà Lạt! Ai bận đi làm thêm thì nhờ người thay ca. Làm cả đời chớ có làm một ngày đâu mà bỏ bê bạn bè!”.
Cả bọn “ừ” rồi lên chương trình. Cô mặc áo thun ngồi một góc với cái laptop đang làm bài thuyết trình góp vào: “Mấy bà sao tui vậy. Nhưng tui bài nhiều cũng phải giải quyết cho xong nha. Rớt môn là ở đó mà khóc chứ hội hè, đàn đúm gì nữa!”.
Cô gái áo thun làm tôi nhớ tới đứa cháu. Hôm trước tôi nghe cháu nói với bà ngoại: “Con có thích học đâu, nhưng vẫn phải học, thậm chí học giỏi, để còn lấy chồng, còn đối phó… với hôn nhân”.
Tôi liền hỏi cháu: “Đối phó hôn nhân là sao con?”. Con trả lời: “Dạ, là mình tự chủ mọi thứ đó. Là có việc làm thu nhập ổn định, có tiền làm đẹp, mạnh mẽ, quyết đoán, không phụ thuộc chồng, để khi hôn nhân trục trặc thì dễ bề tính toán sao cho có lợi cho mình. Mẹ con dạy thế!”.
Tôi nghe cháu phân tích vừa buồn cười vừa giật mình, thấy còn thiếu sót với con gái tôi cùng tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ con chưa đủ lớn để mẹ… chích “vắc-xin dự phòng rủi ro hôn nhân”. Chắc từ nay tôi phải bắt đầu công cuộc này.
Trở lại nhóm bạn uống trà bí đao và câu nói: “Thế hệ mình trở đi, chắc hai từ đánh ghen sẽ lùi vào dĩ vãng”, hay câu “tặng luôn anh chồng đi, đàn ông thiếu gì”, tôi thấy vui vui trong lòng.
Vẫn biết rằng nói là một chuyện, thực hiện được hay không là một chuyện, chưa kể các con chưa bước vào hôn nhân nên “mọi lý thuyết chỉ là màu xám”. Nhưng nhìn cách các con chuẩn bị tâm thế bước vào hôn nhân của mình, tôi tin các con “nói được làm được”; hoặc nhỡ khi hôn nhân trục trặc, các con sẽ không quá sốc, không quá thất vọng.
Thế hệ của tôi và trước tôi, nhiều người ngậm đắng nuốt cay sống với chồng, chấp nhận quan điểm “phụ nữ là đương nhiên thua thiệt” rồi bỏ qua các kiểu bị bạo hành để gìn giữ hai tiếng gia đình.
Tôi không cổ xúy những phụ nữ cứ thấy hôn nhân trục trặc thì đòi ly hôn, đòi “buông bỏ”… nhưng tôi trân trọng lối suy nghĩ phụ nữ “đánh son không thèm đánh ghen”.
Để chuẩn bị cho hôn nhân, tôi sẽ nhắc con tập trung học hành để có kiến thức, có công ăn việc làm, có chính kiến, biết yêu thương bản thân. Đi đánh ghen là biểu hiện rõ nhất của việc không yêu thương bản thân, xem thường chính mình.
Chẳng cần thiết phải ra tay với tình địch, con cứ “chải chuốt” từ trong ra ngoài: nâng tầm kiến thức, chăm chỉ kiếm tiền, biết vui chơi, yêu chiều cơ thể và có bạn bè, hội nhóm để chia sẻ buồn vui, như nhóm nữ sinh hoặc buồn quá thì về với mẹ là được!
Theo phunuonline