Xưa nay, cứ nói chuyện xung đột giữa người già và người trẻ thì các chuyên gia luôn khuyên con cháu phải biết lắng nghe, cảm thông với những thay đổi của ông bà, cha mẹ mà giữ tròn đạo hiếu. Thế nhưng ở đời, không xung đột nào chỉ đến từ một phía. Ít nhiều người già cũng phải tự ngẫm lại mình, xem có phải con cháu tự dưng mà chúng sợ và ngán mình như ông kẹ, bà kẹ trong nhà; chỉ biết chiều chuộng cho xong chứ không dám gần gũi?
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Với góc nhìn của một người già U70, tôi nhận ra (và chắc là nhiều cụ ông, cụ bà cũng nhận ra nhưng chưa có dũng khí thừa nhận) rằng: khi mỗi ngày một già đi, chúng ta sống nhiều bằng cảm xúc hơn lý trí. Chính những cảm xúc thất thường từ những thay đổi về sức khỏe, địa vị trong xã hội, vị trí lẫn vai trò trong gia đình đã khiến chúng ta có những hành xử cảm tính, nhiều khi là vô lý đùng đùng và có phần ích kỷ, khiến đám con cháu không biết đâu mà lần.
Cứ lấy chính chuyện của tôi đây. Vợ chồng tôi sống riêng trong căn hộ chung cư cao cấp ở trung tâm thành phố. Con cháu dù không ở chung nhưng cũng ở rất gần - có đứa chung khu chung cư, có đứa còn chung lô nhưng khác tầng. Đứa xa nhất cũng chung thành phố, lái xe hơn 1 tiếng là có thể đến thăm. Ấy vậy mà hễ tuần nào không thấy chúng nó sang là tôi giận, ghim trong lòng.
Con cháu không gọi điện hỏi thăm, tôi cũng không bao giờ gọi trước, vì nghĩ trách nhiệm của chúng là phải nhớ đến cha mẹ, dù trong lòng cũng nóng ruột. Tôi chờ cho thời gian bặt tin càng lâu, mình càng có cớ giận nhiều hơn, để đến khi chúng xuất hiện thì hờn mát một trận cho chúng nhớ đời.
Y như rằng, đến tuần thứ hai thì con gái lớn gọi điện. Thấy số con, tôi không thèm nghe máy, chờ cho con gọi chán chê mới nhấc máy trả lời bằng giọng lạnh lùng nhất có thể. Canh khi con vừa hỏi: “Mẹ khỏe không mẹ?”, tôi đáp xanh rờn: “Mẹ sắp chết rồi. Có chết cũng không ai biết”. Nghe con giải thích một thôi một hồi rằng tuần qua đi công tác, rồi ba chồng bệnh nặng phải về quê… tôi không bình luận gì thêm và kết thúc cuộc nói chuyện một cách ít ấm áp nhất, không cần nghĩ con gái sẽ có cảm giác thế nào, sẽ day dứt ra sao. Chỉ biết là lúc đó tôi muốn làm như thế. Nếu là ngày xưa, bặt tin con, tôi sẽ lập tức tìm cách liên lạc, lo nhỡ con có việc gì cần mình.
Con gái lớn vừa gác máy, con bé Út lò dò bưng sang một nồi thịt kho cho mẹ. Vừa nghe con mở miệng hỏi: “Nay ba mẹ ăn cơm với gì?”, tôi liền xổ một hơi: “Mẹ sắp chết rồi, ăn gì cũng không thấy ngon, con đem về đi”. Nhìn con bé sượng trân với cái nồi trên tay, tôi không thấy áy náy, chỉ biết mình được thỏa mãn cơn hờn giận. Nếu là ngày xưa, dù con tặng món gì không thích, tôi vẫn vui vẻ nhận và thật lòng cảm thấy hạnh phúc.
Lần thằng Ba đặt vé máy bay cho vợ chồng tôi về thăm quê. Nó lỡ đặt dài hơn 2 ngày so với dự định ban đầu của chúng tôi. Cặp vé khứ hồi gần cả chục triệu đồng, chưa kể thằng Ba còn phải xin nghỉ làm để bay cùng vợ chồng tôi cho yên tâm. Nếu là ngày xưa, nhất định vợ chồng tôi sẽ vui vẻ ở lại quê thêm 2 ngày cho con đỡ phải mất tiền, mất công đổi vé. Nhưng bây giờ, chúng tôi chọn phương án theo ý mình, bất chấp các con gặp rắc rối ra sao. Những lần hành xử đầy cảm tính ấy, bây giờ nghĩ lại, tôi tự thấy hơi… mất mặt với các con.
Tôi biết, sau lưng tôi, các con chắc hẳn đã than thở với nhau về tính khí thất thường, khó chiều của ba mẹ. Tôi nhận ra, người già nhiều khi rất ích kỷ - một sự thật mà con cháu tuy thấy cũng không dám có ý kiến, còn người già tuy nhìn nhận nhưng lại lấp liếm bằng nhiều cách khác nhau. Để hình ảnh của mình bớt “méo mó” trong mắt con cháu, người già cũng phải biết suy ngẫm về hành vi, lời nói để điều chỉnh cho phù hợp, tránh lối áp đặt “già luôn luôn đúng, trẻ luôn luôn sai”. Có như vậy, khoảng cách thế hệ mới không thành hố sâu ngăn cách tình cảm.
Theo phụ nữ TPHCM