Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, bố mẹ đều là cán bộ nhà nước, trên tôi có hai anh trai. Anh trai lớn qua đời sớm vì bạo bệnh, khi ấy tôi mới học lớp 8. Có lẽ vì cú sốc ấy nên mẹ sợ mất con trai, nuông chiều vô điều kiện anh trai thứ hai và rất cay nghiệt với tôi. Sau nửa năm anh lớn mất, tôi bắt đầu chịu đựng những trận bạo hành từ thể chất đến tinh thần của mẹ. Mẹ chửi rủa tôi không thương tiếc, bằng những ngôn từ mà đến giờ tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại. Đòn roi chưa đủ, mẹ còn vu oan cho tôi tội ăn cắp để có cớ chửi mắng và đánh đập.

Đỉnh điểm cuối năm lớp 9, bố giấu mẹ gửi cho tôi 50 nghìn đồng, mẹ biết được và đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết. Hôm đó tôi đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng hàng xóm phát hiện được và cấp cứu tôi kịp thời. Ngày đấy tôi quá bé, không được dạy để đi tìm sự trợ giúp, chỉ biết im lặng chịu đựng và khóc một mình quanh năm suốt tháng.

Bố đi công tác xa, một năm về 1-2 lần, tôi cũng không dám kể gì với bố. Bố thương các con nhưng tất cả những gì làm được là gửi tiền về cho mẹ chăm lo gia đình. Có miếng ngon mẹ dành cho anh, tôi gầy yếu và xanh xao. Thậm chí tiền học phí tôi cũng không dám xin mẹ, mỗi lần đưa tiền nộp học là mẹ chửi mắng nên tôi là thành phần luôn nộp trễ học phí ở lớp và thầy cô nhắc nhở mãi.

Do gánh chịu bạo hành từ gia đình, tôi trở nên lầm lì, ít nói, sống co cụm. Có lẽ vì thế mà tôi trở thành nạn nhân của việc bắt nạt học đường. Bạn bè xung quanh nói xấu, cô lập và bắt nạt tôi. Không có tiền nộp học nên tôi không đi học thêm nhà thầy cô, đó cũng là lý do khiến thầy giáo dạy Lý năm lớp 9 ghét bỏ, trù úm và đánh tôi nhiều lần ngay tại lớp học. Thầy còn tát tôi nổ đom đóm mắt ngay tại phòng thí nghiệm Vật Lý, có cả sinh viên thực tập và các bạn cùng lớp, chẳng ai đứng ra bảo vệ tôi. Nhiều lần tôi bỏ học giữa buổi, chạy về nhà ôm di ảnh anh trai khóc, ước mình có thể chết đi cho đỡ khổ.

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, lớn hơn một chút tôi biết suy nghĩ hơn nên không nghĩ đến việc tự tử nữa, tự dặn lòng phải cố gắng học tập; học phí nhờ thầy cô báo trực tiếp với mẹ để tôi tránh được việc bị chửi mắng và đòn roi. Tôi không nói chuyện nhiều với mẹ, tránh mặt hết mức có thể và đương nhiên là không bao giờ tâm sự gì. Tôi gặp chuyện gì cũng tự vượt qua, buồn mãi thành quen, lấy niềm vui từ âm nhạc và một vài người bạn thân.

Tôi tự lên kế hoạch cho cuộc đời mình, từ chối tất cả lời yêu của những anh bạn ở Sài Gòn. Tôi tâm niệm phải lấy chồng thật xa để không còn gần mẹ nữa. Tôi phải đi xa Sài Gòn, bỏ lại tất cả những đau thương. Với tôi, những ngày sống ở Sài Gòn vô cùng tủi nhục và đau đớn. Tôi hận tất cả những người đã mang đau thương đến cho mình, khiến tâm hồn tôi trở nên trầy trụa và đầy căm phẫn. Giờ đây, tôi đã toại nguyện vì lập nghiệp ở một nơi xa, có mái ấm của riêng mình. Chồng dường như là một sự bù đắp cho tôi về cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi có mọi thứ mình muốn, được đi khắp nơi, làm việc mình yêu thích. Có điều trong sâu thẳm lòng mình, tôi chưa thể nguôi ngoai về quá khứ.

Trớ trêu thay, tôi giờ lại là người lo lắng cho bố mẹ. Tôi vẫn chu toàn, mua sắm đầy đủ và hỗ trợ thêm bố mẹ mặc dù họ có lương hưu. Mẹ bao năm gom góp rồi đổ hết vào đa cấp, bị lừa trắng tay. Tôi chưa bao giờ ngồi tâm sự với mẹ về ngày xưa, không biết phải nói gì vì dù sao mẹ cũng ngoài 70 tuổi rồi, không muốn dằn vặt bà thêm. Mẹ tính vốn bảo thủ nên tôi không rõ bà có bao giờ ân hận về việc đã quá nghiệt ngã với tôi hay không. Thật lòng, tôi cần một lời xin lỗi từ mẹ, cần cả lời xin lỗi từ những người đã khiến bản thân tổn thương, bao gồm thầy cô cũ và bạn bè học chung ngày ấy. Tôi có tìm thông tin của thầy giáo cũ để chủ động liên lạc nhưng thầy đã mất vì bệnh hiểm nghèo vài năm trước. Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi tha thứ cho thầy.

Tôi không biết làm sao để nguôi ngoai chuyện quá khứ, nỗi ám ảnh cứ hiện hữu đến tận giờ. Có lẽ, nỗi đau của tôi sẽ là vĩnh viễn, hy vọng những bạn học cũ khu Xóm Mới có thể đọc được bài viết này và nhận ra tôi. Tôi để tên thật của mình ở bài viết này. Thật lòng, cần lắm một sự chia sẻ và những lời xin lỗi.

Theo vnexpress