Rất nhiều phụ huynh đơn thân than rằng con họ khó dạy hơn những đứa trẻ khác. Chúng bất mãn về cha mẹ, cuộc đời. Mọi điều không như ý, chúng quy về lỗi bi kịch hôn nhân của gia đình. Đây là một thực tế.
Cha ngoại tình, con mất niềm tin
Khi tỉ lệ tan vỡ hạnh phúc của cha mẹ tăng cao, ngày càng nhiều đứa trẻ mang tâm hồn vụn vỡ vào đời. Nếu không may mắn, chúng chẳng thể thoát khỏi những ám ảnh quá khứ. Anh Trần Uy (50 tuổi, ở TPHCM) là trường hợp như thế.
Năm anh Uy 15 tuổi, cha anh ngoại tình với hàng xóm, mẹ anh buồn khổ, tự tử và chết trong vườn. Thời ấy, không người đàn bà nông thôn đông con nào nghĩ tới chuyện ly hôn. 7 anh em của anh vẫn lớn lên trong nỗ lực nuôi con của cha nhưng nỗi uất hận cha cũng không thể tan biến.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Anh Uy chia sẻ trong một cuộc nhậu: "Các ông hỏi tại sao xung quanh bao cạm bẫy mà tôi không dính “phốt” bồ bịch? Vì tôi từng trải qua những cảm giác khủng khiếp. Tôi rất hận cha mình và sợ con tôi cũng bất hạnh như thế".
Anh nói anh có thể hy sinh bản thân, có thể chịu thiệt thòi nhưng nhất quyết phải giữ gia đình cho con. Anh tỏ rõ với vợ chuyện này và dọa nếu chị không tuân thủ quy tắc sống của anh “thì đừng trách".
Lời đe dọa không làm vợ anh sợ hãi. Chị cũng cần những nguyên tắc sống nghiêm ngặt. Chúng sẽ như hàng rào bảo vệ gia đình bởi chính chị cũng lớn lên từ nỗi đau cha lừa dối mẹ.
Cha mẹ chị không hạnh phúc nhưng họ không ly hôn. Ở những thành phố tỉnh lẻ cách nay chừng 20-30 năm, người ta hầu như không có khái niệm ly hôn. Những ngày thơ ấu, chị từng rủ bạn đi rình bắt người tình của cha theo lệnh của mẹ. Chị không thể quên những đêm hôm theo mẹ đi đánh ghen.
Chứng kiến cảnh cha thay người tình như thay áo cùng lời giải thích "đàn ông là vậy” của bà nội, chị nghĩ trên đời này không có tình yêu và ngờ vực tình cảm của những bạn trai theo đuổi. May sao, tới khi “gần ế”, chị gặp anh Uy.
Nhờ cùng mang những tổn thương tâm lý, họ hiểu nhau, cam kết nắm tay nhau bước vào hôn nhân cùng những tấm lưới rào cho mình, cho người…
Tìm “cảm giác gia đình” bên ngoài gia đình
Tôi nhớ mãi trong một cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm buồn bã thông tin rằng tới 1/3 học sinh trong lớp có cha mẹ ly hôn. Các em không được sống cùng cả cha và mẹ. Có em sống với bà ngoại, cô, dì… Cô giáo mong những phụ huynh dù không cùng chung sống vẫn quan tâm tới con vì học sinh cuối cấp cần sự theo sát của cha mẹ.
Năm học ấy, con gái tôi kết bạn với một bạn gái giàu có tên Vy. Vy da trắng, tóc dài, đúng chuẩn đẹp của thiếu nữ miền Tây. Sau khi cha cặp bồ, mẹ Vy quá đau khổ nên rơi vào trầm cảm. Chị thường phải uống thuốc an thần. Xen kẽ các cơn ủ ê than khóc, chị la hét, đánh mắng người thân. Bà nội cho Vy một số tiền lớn, ôm hồ sơ lên TPHCM xin học cho cháu. Bà thuê một căn biệt thự ở quận Phú Nhuận (TPHCM) để Vy sống cùng 2 người giúp việc rồi về Cà Mau lo việc kinh doanh.
Con tôi yêu mến Vy vì cô bé ấy thông minh, học hết mình, chơi cũng hết sức và cũng… chịu chi. Lên TPHCM, Vy nhanh chóng có nhóm bạn thân. Mấy đứa trẻ thường rủ con tôi tới biệt thự của Vy học nhóm nhưng tôi không đồng ý.
Sau này, khi các cô bé ấy đều đã vào đại học, con tôi mới kể: "Tụi nó hợp nhau lắm mẹ. Đứa nào cũng không cha nên tụi nó nói “dựa vào nhau mà sống".
"Dựa vào nhau mà sống - nghe rùng rợn vậy?" - tôi giễu. Con liền giải thích nhóm bạn đó đều có cha mẹ ly hôn nên tìm cảm giác gia đình với nhau và thực sự chỉ có được cảm giác an toàn, vui vẻ bên bạn bè.
Không chỉ dựa vào Vy để làm bài tập, lũ trẻ còn dựa vào Vy để có tiền ăn chơi. Cứ cuối tuần, nhóm bạn hò nhau "lên bar" hoặc ra phố Tây “bay lắc”. "Vy nhiều tiền lắm. Nó bao cả nhóm chơi bóng cười, cần sa đó mẹ. Vì có biệt thự riêng nên công an không biết đâu" - con tôi kể.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Nghe con kể, tôi choáng váng. Vào Facebook của Vy, tôi thấy Vy ăn mặc hở hang, thường chụp ảnh “tự sướng” cùng nhiều thanh niên nước ngoài trong những tụ điểm “ăn chơi” nổi tiếng ở TPHCM. Con tôi cũng biết chuyện Vy có nhiều bạn tình quen trên Tinder… Con nói vẫn đang nghĩ cách giúp bạn vì Vy bây giờ là cô sinh viên bất cần, yêu đương chóng vánh, luôn trong tâm trạng quá vui hoặc quá buồn, lề lối sinh hoạt thất thường.
Thú thật, phía sau những dòng trạng thái bâng quơ của Vy trên mạng, tôi cũng cảm thấy ẩn sâu trong những hoạt động giải trí vui nhộn là những phút cô đơn cùng cực, hoang mang lạc lối. Chỉ là đứa trẻ ngờ nghệch như con tôi, Vy đang ôm một núi buồn lo dành cho sức khỏe tâm thần của mẹ cùng nỗi hận thù cha, làm sao có thể sống bình thường cho được!
May mắn vì… cha mẹ đổ vỡ
Khi nghịch cảnh xảy ra vào độ tuổi cuộc đời vẫn đang bày tiệc vui trước mắt, trong hầu hết trường hợp, số phận đưa bọn trẻ vào con đường tối tăm. Tuy nhiên, cũng có khi hoàn cảnh là động lực để chúng bật lên mạnh mẽ.
Hôm rồi, tôi bất ngờ gặp đứa cháu ruột tên Hùng và ngạc nhiên trước sự chững chạc, giỏi giang của cháu. Cháu nói một câu khiến tôi nhớ mãi: "Nhờ gia đình ly tán mà cháu có ngày hôm nay".
Hùng là con em trai tôi. Từ ngày vợ chồng em tan vỡ, chúng tôi mất tin tức của cháu. Trước đó, do khúc mắc làm ăn và lối sống, em tôi cãi nhau và đánh vợ nhiều lần. Em dâu nói không thể tiếp tục sống với người chồng như vậy.
Những bài viết trên mạng xã hội tiếp thêm động lực để em tìm cách giải thoát. Em dâu tôi âm thầm tích trữ tài sản cho cuộc ra đi. Em đã tính sai khi góp tiền đầu tư đất cát, máy móc. Kết cục em vỡ nợ, không ai cứu nổi. Thế là cháu tôi cùng mẹ lang bạt khắp nơi, giấu tung tích với nội ngoại, tránh bị các chủ nợ truy tìm. Em dâu tôi mang con bỏ đi một thời gian dài thì em trai tôi cũng ra tòa xin đơn phương ly hôn để cưới vợ mới và sinh 2 đứa trẻ.
“Theo mẹ đi khắp nơi, con sống thiếu thốn, bị chuyển trường liên tục. Con nghĩ nhiều và nhận ra rằng để thay đổi hoàn cảnh, con phải cố học thật tốt. Con không muốn lớn lên giống ba hay mẹ. Con muốn có nghề nghiệp ổn định. Bởi vậy, con đã cố gắng từng ngày”.
Chị Thanh Hoàn (ở quận 5, TPHCM) là người mẹ đơn thân có cô con gái vừa nhận học bổng một trường đại học tại Mỹ. Theo chị, con chị không tự nhiên trở nên giỏi giang, ngoan ngoãn. Khoảng 2 năm sau khi vợ chồng chị ly hôn, con chị có tư tưởng buông xuôi việc học hành, liên tục hỗn, chống đối mẹ, đòi bỏ nhà đi tìm việc làm…
Chị Hoàn đã viết email xin lỗi con vì không thể giữ cho con một gia đình, mong con biết cách biến nghịch cảnh thành động lực để sống vui, sống tốt.
Thật may, tới phút này, cô bé du học sinh ấy đã hoàn thành ước nguyện của mẹ.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), thông thường, trẻ em trong các gia đình ly hôn được chia làm 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm những trẻ mà sự kiện ly hôn của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ ít nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc của cha mẹ nên ít thành công trong cuộc sống; thậm chí có một số rơi vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp…
Nhóm thứ hai gồm những trẻ mà sự kiện ly hôn của cha mẹ hầu như không ảnh hưởng đến trẻ. Trẻ vẫn học hành giỏi giang và thành đạt. Dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác, những đứa trẻ này đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình, bởi điều mất mát lớn nhất từ cuộc ly hôn của cha mẹ là trẻ mất đi điều kiện cơ bản để phát triển - một cơ cấu gia đình đầy đủ.
|
Theo phụ nữ TPHCM