Tôi thỉnh thoảng ghé tiệm tóc gần nhà. Cô chủ tiệm tầm 45 tuổi, khá xinh, tên Thu. Nhiều lần ghé, tôi chỉ thấy 2 cô con gái của cô chủ, chưa bao giờ thấy chồng cô ấy, mà cô ấy cũng chẳng bao giờ nhắc hay đề cập gì về chồng, nên tôi cũng lịch sự không hỏi; chúng tôi chỉ nói chuyện về con cái. Mãi sau này thân quen, Thu mới bảo vợ chồng cô ly thân.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Bữa ấy, cô chia sẻ khá nhiều về chồng, nói một lần hôm ấy rồi thôi. Không biết có phải vì cô chán con người ấy nên không muốn nhắc tên hay vì cô là kiểu phụ nữ kín đáo, biết điều, không phải chuyện gì, với ai cũng kể lể.
Chồng cô mê cờ bạc, không góp xu nào kể từ ngày cô sinh con gái đầu. Con gái hơn tháng, cô đã cắp nón đi làm móng dạo nuôi cả gia đình. Thế nhưng việc gì cô làm cũng không vừa lòng mẹ chồng, bà cứ luôn miệng “Đi đâu mà đi hoài, không lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước”. Mỗi lần bị mẹ chồng quở trách, chồng cũng chẳng hề lên tiếng nói đỡ. Mà đâu chỉ làm móng. 3 héc ta lúa ngoài đồng cũng một tay cô.
Tiền làm móng, cô dùng vào việc mướn công làm lúa, mẹ chồng không chịu hiểu nên hay nói “Đi làm tối ngày mà chẳng thấy tiền đâu hết”. Nhà nông, chỉ mỗi khi tới mùa thu hoạch mới có tiền. Nhiều nhà vay tiền đầu tư trước, từ phân bón, công cán, lúc thu hoạch bán lúa trả nợ. Còn nhà Thu thì thu hoạch trọn gói, ẵm trọn cục tiền.
Nhưng rồi, số tiền khá lớn ấy chồng cũng tìm cách lấy bằng mọi giá, nướng vào cờ bạc. Thu từng chôn tiền, chôn vàng, chồng cũng moi ra. Thu nói, hình như mấy người cờ bạc có khả năng “ngửi” mùi tiền rất lẹ. 1 năm, 2 mùa thu hoạch lúa, tính đến nay đã 20 năm, là 40 mùa lúa, tiền thu hoạch phần lớn chồng nướng vào cờ bạc.
Thu nói, cô từng không đủ kiên nhẫn sống cùng. Mấy lần chuẩn bị khăn gói ra đi là mấy lần ba mẹ cô khuyên nhủ. Cô cũng từng cho chồng cơ hội sửa sai, nhưng chồng vẫn tính nào tật ấy. Nên khi con gái đầu đậu đại học, cô cùng các con lên thành phố. Ở thành phố, mẹ con cô không có người thân, điều đó chẳng sao với một người mạnh mẽ như Thu. Còn nhớ lần đầu đến tiệm tóc của Thu, tôi từng thấy cô dùng vít mở 2 cái kệ đựng dầu gội, vì chúng hơi thấp, khiến không gian tiệm tóc chật chội. Cô tự tay đưa chúng lên cao. Hôm đó tôi đã trộm nghĩ, đàn bà sao giỏi vậy, có mấy bà làm được việc ấy? Có phải đàn bà giỏi quá, hôn nhân thường có vấn đề?
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Những việc khó mà đàn bà làm rốt ráo, có thể vì nhà không có đàn ông nên bất đắc dĩ phải làm hoặc có đàn ông nhưng người ấy quá lười nhác. Thu bảo, cô không nằm trong 2 lý do ấy, mà Thu mắc 1 lỗi sai trầm trọng: lỗi quá giỏi. Từ chuyện kiếm tiền tới chuyện đóng cây đinh, sửa ống nước cũng một tay Thu. Chuyện gì đàn ông làm được, Thu cũng làm được, làm hết.
Thu tâm tình: nếu cô bỏ thí công chuyện, chồng Thu cũng làm, nhưng 10 việc thì chỉ làm 1, vì anh rất “bận”. Thu không quen chờ đợi mỏi mòn, nên cô làm, riết rồi mạnh mẽ hồi nào không hay. Có phải vì Thu giỏi nên chồng ỷ lại? Thật ra, không có người đàn bà nào quá giỏi khi trong nhà có người đàn ông sống biết điều. Một người đàn ông biết điều sẽ không để vợ quá vất vả. Nếu có vất vả thì sẽ là cả hai cùng vất vả.
Tôi hay khen thật lòng trước Thu, rằng cô có 2 cô con gái xinh như mộng, chăm học chăm làm. Tôi đặc biệt không kể hôn nhân may mắn của mình trước Thu. Phụ nữ với nhau, không nên gây mặc cảm cho nhau. Tôi thương khi nghe Thu nói cô lên thành phố muộn quá. 20 năm lấy chồng không một ngày thảnh thơi. Nhưng Thu không chọn ly hôn. Cô ra đi để... chữa lành mắt cho chồng. Cô muốn chồng... sáng mắt.
Trước mắt, cô phải rời xa anh ấy để cô vực dậy tinh thần, cân bằng cảm xúc, thảnh thơi vui sống bên con cái. Ly thân, mấy héc ta ruộng lúa, vườn tược, nhà cửa, cô giữ cho con.
Chồng cô thỉnh thoảng lên thành phố. 3 cha con hẹn gặp nhau, nhưng các con không hề cho ba biết chỗ ở của 3 mẹ con, vì cô đã dặn trước: chừng nào chồng dứt bỏ hẳn cờ bạc, cô sẽ nghĩ lại.
Theo phụ nữ TPHCM