Các trào lưu sống trên thế giới có ảnh hưởng ít nhiều đến xã hội Việt Nam, nhất là với những người trẻ tuổi “bắt trend” nhanh chóng. Nhưng cái gì có hại?

Nhớ khi xưa, giới trẻ từng phàn nàn “sợ tết về quê bị… hỏi”. Song hàng xóm và kể cả người thân bây giờ cũng đã ý tứ hơn, không còn hỏi “sao còn chưa lấy chồng?”, “sao chưa sinh con?”. Thậm chí bây giờ, không chồng mà có con cũng có tên gọi như Tây - “single mom” nghe cũng… sang, chẳng có gì phải xấu hổ.

Các trào lưu đến rồi đi, không ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”. Năm 2022 thì có “ngày không dùng cặp, túi” - có gì dùng nấy. Có cả hình ảnh anh chàng không dùng mũ mà đội nguyên cái… xô nhựa nhỏ màu đỏ. Đến năm 2023 có trào lưu flex - khoe. Nhu cầu được công nhận bản thân, ở nhà vẫn đẹp - tạo ảnh đẹp bằng ứng dụng AI… Đó được coi như lối sống, sở thích trong một số tầng lớp, không có gì ghê gớm. Tự do cá nhân được tôn trọng.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy 

Những xu hướng có thể làm hại như “Tang ping” của giới trẻ mới đáng lo. Kiểu vì mệt quá sau đại dịch, họ chọn “nằm yên, nằm ì” khỏi phấn đấu vì đã hết hơi rồi. Người Hàn Quốc không còn cuồng công việc. Khẩu hiệu “sống mòn” không phải ở Việt Nam thời Nam Cao mà nay ngay ở Mỹ cũng “Languishing” sống mòn, chán đi làm…

Những xu hướng trên cho thấy xã hội luôn nhiều biến đổi và thay đổi rất nhanh. Con người thích lối sống tự do đến nỗi chán cả yêu đương, không kết hôn, không sinh con… Nhiều người chọn sống tách biệt, cho rằng hàng xóm mang đến sự phiền phức, bực bội.

Ví dụ nhiều lắm: hàng xóm ồn ào, tiệc tùng hát karaoke đinh tai nhức óc; đám tang kèn trống mấy ngày đêm. Nơi đông đúc thì có nạn… dòm ngó. Trên báo chí từng có những bài phản ánh ở chung cư rồi nhưng là chung cư thấp cấp - “hàng xóm vẫn biết tủ lạnh nhà tôi có gì”.

Tưởng ở chung cư cao cấp là sẽ không phải thấy hàng xóm, không còn ai cần biết ai, nhưng không hẳn vậy. Đến các chung cư cao cấp nhiều người nước ngoài ở, khi vào thang máy hay xuống hồ bơi… họ vẫn mỉm cười gật đầu, chào hỏi, tạm biệt.

Thỉnh thoảng chuông báo cháy, họ vẫn chạy sang gõ cửa các nhà bên nhắc chạy xuống, sợ có người không biết hoặc ngủ quên. Dạo dịch COVID-19, Tây ở chung cư cũng xuống sảnh xếp hàng chờ nhận bánh mì, rau quả do các tổ chức thiện nguyện đến phát.

Sài Gòn từng có chuyện trong mùa dịch, ông Tây không về nước được, ở lại thì hết tiền đóng tiền thuê nhà trọ, phải ra đường đeo bảng nói rõ hoàn cảnh, xin được giúp đỡ. Chỉ vài ngày sau, sự cứu giúp đến ào ào, tới mức ông phải nhờ báo chí nói giúp - ông đã nhận được quá nhiều, xin hãy chia bớt cho người nghèo. Đó chính là “tình làng nghĩa xóm” là “hàng xóm lớn” đã cứu giúp chứ đâu có thờ ơ, bỏ mặc người khó.

Sống ở chung cư, thoạt tưởng là xa cách, nhưng tình làng nghĩa xóm không mất đi. Thời đại văn minh dành cho cuộc sống cá nhân được riêng tư, nhưng ta chỉ thực sự an lành, hạnh phúc trong một bối cảnh xã hội cụ thể mà gần nhất là hàng xóm, cộng đồng địa phương.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Bây giờ ở các khu dân cư đều có những nhóm hoạt động tự nguyện, kết nối như các đội khiêu vũ, đội đạp xe, chạy bộ, các câu lạc bộ hội họa, chăm sóc trẻ em, người già cô đơn…

Trên mạng xã hội, TikTok, YouTube không hiếm thấy các đội múa toàn bà già đội khăn nhảy hip hop. Đến nỗi có cả trend đội khăn mỏ quạ học theo nhóm nhảy các bà tuổi già vui sống tích cực. Nếu không biết tổ chức tốt, thiếu sự quan tâm, sẽ có nhiều “bệnh” mới như “cô đơn trên sofa” hoặc “chết khô” trong căn hộ hiện đại.

Ngày nay, nhiều người già sống một mình trong căn hộ riêng, càng đòi hỏi sự quan tâm gắn bó của hàng xóm và tổ chức xã hội phù hợp.

Dù lối sống tự do, muốn riêng tư tới đâu, chúng ta vẫn luôn cần hàng xóm. Cổ tích Việt Nam có Thạch sùng còn thiếu mẻ kho. Ông nhà giàu tưởng gì cũng có hết, mà biết đâu ngày nọ cần đến thứ rẻ nhất - cái mẻ để kho thì lại phải xin của nhà nghèo rớt mùng tơi.

Theo phụ nữ TPHCM