leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vừa đi làm về, tôi vội vào bếp chuẩn bị dọn cơm. Với tay lấy chồng chén trên kệ, tôi cảm thấy tay mình nhơn nhớt. Giở hết mớ chén dĩa đã rửa, tôi thở dài khi thấy cái thì đóng mỡ ở miệng, cái thì còn vương vài mẩu hành ở đáy. Đám xoong nồi cũng chung số phận khi có cái còn nguyên miếng cá cháy bám ở vành.

Mệt mỏi, tôi lôi hết chén đũa, nồi niêu xuống, pha nước rửa chén, đeo găng tay rồi cọ rửa từng cái, vừa rửa vừa không ngăn nổi tiếng thở dài.

Nửa năm trở lại đây, mẹ tôi bắt đầu không còn nhanh nhẹn, vén khéo như trước nữa. Từ một đầu bếp tay nghề cao, món ăn bà nấu giờ rất thất thường: lúc thì ngọt quá, lúc lại mặn chát. Chén dĩa bà rửa đã không còn sạch bóng như xưa. Mắt kém nên dù mẹ nói nhà mẹ quét ngày mấy lượt vẫn thấy bụi, rác còn vương chỗ này, chỗ khác. Quần áo bà ủi thường xuyên bị tình trạng nhiệt độ quá cao, khiến những chiếc váy của tôi, cái thì co rúm lại, cái lại bị bóng mặt vải.

Biết bao nhiêu lần, vợ chồng tôi nói mẹ cứ nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chơi với cháu được rồi; việc nhà để đó chúng tôi lo, nhưng mẹ bỏ ngoài tai. Mẹ nói, tụi bây cứ coi thường mẹ, mắt mẹ còn sáng, tai mẹ còn thính, sức mẹ còn dai, cứ để mẹ làm.

Những lần thoáng bắt gặp ánh mắt bối rối của chồng khi lấy phải chiếc ly rửa không sạch hay cầm lấy chiếc quần tây ủi không vô li, tôi quyết định thuê người giúp việc. Đã đến lúc không thể để những “sản phẩm lỗi” của mẹ làm ảnh hưởng đến hòa khí trong nhà. Lý do mà tôi nói với mẹ là “để mẹ đỡ vất vả”.

Từ ngày có người giúp việc, mọi thứ lại đâu vào đấy, thậm chí còn gọn gàng, chỉn chu hơn xưa. Dù mỗi tháng phải chi thêm một khoản không nhỏ, nhưng tôi chấp nhận, lòng còn mừng thầm vì cho rằng mình đã báo hiếu được với mẹ. Tôi không cho mẹ mó tay vào việc nhà nữa, cho rằng như thế mẹ càng khỏe, càng vui.

Thế nhưng một buổi tối, khi cả nhà cơm nước xong xuôi, mẹ nói với vợ chồng tôi rằng mẹ sẽ về quê. “Mẹ thấy tụi con thu xếp việc nhà tốt rồi, không cần mẹ phải lo nữa. Mẹ ở đây chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, hết ăn lại nằm, mẹ thấy mình thừa thãi. Thôi để mẹ về quê”. Ngăn cản thế nào cũng không được, hôm sau, tôi đưa mẹ ra xe về.

Nhìn vào mắt mẹ, tôi biết mẹ chỉ cố vui để tôi yên lòng, chứ ở quê, mẹ cũng chỉ còn có một mình.

Không có mẹ, căn nhà bỗng trở nên trống trải. Chén dĩa bóng kin kít, quần áo ủi phẳng phiu, nhưng sao lòng tôi thấy quạnh quẽ. Không còn những tiếng hỏi han lo lắng của mẹ mỗi khi thấy tôi về bị mắc mưa, không còn chai dầu gió, nồi nước xông chờ tôi mỗi lần bị cảm. Món ăn cô giúp việc nấu ngày nào cũng ổn, nhưng làm sao có được những món ngon từ thơ ấu mà tôi thích ăn.

Người ta nói, dù trưởng thành đến tuổi nào, con người cũng đều cô đơn, lạc lõng đến tận cùng khi không còn mẹ. Lẽ nào tôi đã hành xử thiếu tinh tế khiến mẹ buồn?

Nghĩ thật kỹ, tôi quyết định nói chuyện với chồng, đề nghị anh cùng tôi về quê đón mẹ. Cô giúp việc cũng được “quán triệt” là từ nay về sau mọi việc ở nhà phải nghe theo hướng dẫn của bà ngoại, việc gì bà thích làm cứ để bà làm, cô ấy chỉ hỗ trợ khi cần, nếu có chuyện gì khó xử thì nói riêng với tôi.

Từ đó, thi thoảng tôi hay cô giúp việc vẫn phải âm thầm rửa lại những chén dĩa mẹ đã rửa, nêm lại tô canh bà nấu hay len lén cho đi những món quần áo bị giặt, ủi sai cách. Tôi làm điều đó một cách vui vẻ, bởi đơn giản tôi nghĩ những chuyện vặt ấy không là gì so với tình thương mẹ dành cho chúng tôi.

Chấp nhận một vài sự cố nho nhỏ để đổi lấy cho mẹ cảm giác tự tin, cảm giác mình vẫn còn có ích với con cháu, tôi cho rằng sự đánh đổi ấy là hoàn toàn xứng đáng.

Theo phụ nữ TPHCM