Đọc bài viết Nhiều vợ, về già vẫn bị bỏ rơi trên báo Phụ Nữ Online, tôi cám cảnh vì người cha trong bài giống với cha mình. Nhưng cha tôi có lẽ may mắn hơn...
|
Cha được người vợ thứ tư đưa về "trả" cho tôi khi ông bị tai biến, chỉ nằm một chỗ (Ảnh minh họa) |
Cha bỏ tôi mà đi khi mẹ qua đời chưa đầy nửa năm, bác Hai thương tình đưa tôi về nuôi dưỡng. Vài năm sau cha trở về nhưng không phải để thăm tôi mà thu xếp bán căn nhà cũ, lấy tiền cưới vợ mới.
Từ đó, cha bặt tăm, không một lần trở lại quê. Tôi nghe phong thanh cha đã qua mấy đời vợ, người cuối cùng là bà thứ tư. Khi tôi cưới vợ, bác Hai tìm cách liên lạc để mời cha về dự lễ, nhưng ông không hồi đáp. Những năm sau này, tôi không còn nghe tin tức gì về cha nữa.
Vào một ngày mưa gió cách đây gần một năm, khi tôi đang làm công trình ở tỉnh xa thì vợ gọi điện báo tin cha cùng vợ và con gái tới thăm. Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao lại cha xuất hiện đường đột sau nhiều năm không liên lạc.
Về đến nhà, tôi mới biết cha bị tai biến liệt nửa người, ông phải nằm một chỗ, nói năng và ăn uống rất khó khăn. Vợ của cha nói: “Ông ấy muốn thăm con trai, nên dì đưa về”. Nhìn đứa em gái cùng cha khác mẹ gầy gò, ốm yếu, ăn mặc tồi tàn, tôi đoán cuộc sống của họ chẳng dư giả gì.
Dù trong lòng không vui, nhưng tôi vẫn đón tiếp gia đình cha niềm nở. Ở được hơn 10 ngày, bỗng vợ và con gái cha rời đi không một lời nhắn nhủ, để lại người cha đau ốm ở lại nhà tôi.
Lúc đầu, vợ tôi cũng vui vẻ, vì tôi đảm nhận phần việc nặng nhọc chăm người già như vệ sinh, lo bữa ăn, giấc ngủ... Nhưng về sau, áp lực kinh tế khiến cô ấy luôn cau có khó chịu.
Quả thật, vợ chồng tôi thu nhập không cao, lương công nhân cả hai cộng lại chưa tới 15 triệu đồng một tháng, lại đang nợ tiền làm nhà và có kế hoạch sinh con thứ 2. Phải lo thêm cho cha chồng bị bệnh, ăn uống thuốc thang và tiền sữa hàng tháng rất tốn kém, tôi không trách vợ vì ngay bản thân cũng thấy bất lực, khó xử.
|
Từ ngày cha trở về, vợ chồng tôi liên tục cãi nhau vì áp lực tiền bạc (Ảnh minh họa) |
Tôi không thể nào quên những ngày sống bơ vơ như trẻ mồ côi. Sống cùng bác và các anh chị con bác, tôi chịu thiệt đủ đường, ăn cơm thừa canh cặn, làm đủ thứ việc. Lúc đó, tôi chỉ ước cha về đem tôi đi, trong khi ông vẫn mải mê bên những người vợ mới. Dù rất thích đi học, nhưng đến lớp 6, tôi đành nghỉ vì bác Hai không thể lo thêm được nữa.
Từ ngày cha về sống chung, vợ chồng tôi cãi nhau liên tục, chủ yếu do thiếu hụt tiền bạc. Những lần vợ chồng to tiếng, vợ tôi cố tình nói to: “Bao nhiêu năm không nuôi nấng con được ngày nào, giờ ốm đau lại về đây nằm”. Tôi thấy cha rơm rớm nước mắt, nhưng ông không thể nói gì.
Tôi thương mình, thương vợ, suy nghĩ trăn trở mãi, nhưng chữ “hiếu” vẫn đè nặng, đã là cha thì suốt đời là cha, hơn nữa, làm sao cha tôi có thể đi đâu được bây giờ?
Một năm nay, tôi phải nhận làm những công trình gần nhà để có thời gian chăm sóc cha, đưa ông đi khám, nên thu nhập cũng giảm nghiêm trọng. Khó khăn tứ bề, nhưng tôi không thể bỏ cha như ngày xưa cha bỏ tôi.
Theo phụ nữ TPHCM