Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lấy chồng đã ba năm. Ngày đầu tiên sau cưới em đã sốc khi bố chồng gọi vợ chồng em đến nói về món nợ vay cho chồng em học đại học còn vài chục triệu đồng, bố đề nghị tụi em phải tích cóp trả dần.
Cưới xong em về nhà riêng ở thành phố. Chồng em đi làm ăn lương cơ bản, đi học thêm, em phải lo liệu tài chính gia đình. Bố mẹ chồng không biết khó khăn của vợ chồng em, hễ nhà cần tiền giỗ chạp gì cũng gọi điện “chia đều” cho các con.
Nhà chồng em có nếp anh em trong nhà muốn tặng gì đó cho bố mẹ là gọi điện, rủ nhau góp tiền. Em quá bị động với những ý muốn của anh em bên chồng. Tài chính nhà em có hạn, tiêu xài gì cũng có kế hoạch. Em dần trở nên sợ những cú điện thoại của bên chồng.
Em sắp sinh con đầu. Bố mẹ ruột của em còn trẻ nên vướng bận nhiều, không thể lên thành phố phụ em chăm con. Bố mẹ chồng lại tỏ ra nhiệt tình. Mẹ chồng gọi cho mẹ ruột em, xin phép rước con dâu về nuôi. Nhưng em sợ phải về nhà chồng, em ám ảnh chuyện phải chạy theo cách tính toán chi tiêu bên chồng trong khi tiền bạc em có hạn.
|
Ảnh minh họa |
Em quyết định bỏ tiền ra nhờ nhân viên điều dưỡng giúp khi hữu sự và tự lo chuyện sinh nở ở nhà. Đến lúc này nhà chồng lại có ý trách móc, cho rằng em “lúc thì nói không có tiền, lúc thì từ chối sự giúp đỡ của bố mẹ rồi bỏ tiền thuê người ngoài”.
Chồng em cũng căng thẳng và không biết phải xử sự sao với gia đình.
Hạnh Hoa (TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Hạnh Hoa mến,
Hạnh Dung rất chia sẻ với em về áp lực tài chính mà em phải gánh vác. Có lẽ, chính vì áp lực quá lớn nên em tiếp cận với mọi vấn đề ở nhà chồng đều dưới lăng kính tài chính. Ta hãy thử nhìn vấn đề với một cái nhìn rộng hơn.
Tất cả những biểu hiện em kể đều có thể là biểu hiện của một kiểu đùm bọc và đoàn kết. Có thể gia đình chồng xem việc “chia đều” các nghĩa vụ là một cách để gắn kết các thành viên.
Chuyện bố đề nghị các con trả nợ học đại học có thể khiến nhiều người sốc, nhưng ở những gia đình nếp nhà như vậy, với những thỏa thuận từ đầu như vậy, thì đó là chuyện bình thường.
Khó khăn lúc này nằm ở chỗ vợ chồng em hạn hẹp về thu nhập nên lệch pha với cách tổ chức của nhà chồng, mình nên tập trung giải quyết sự lệch pha này.
Em cũng cần nhớ thêm, rất khó để đưa ra nhận xét hay chê bai về nền nếp của một gia đình - nhất là khi các thành viên lâu nay vẫn sống tốt với nếp sống đó. Mà hãy rành mạch về những gì mình có thể và không thể trong hoàn cảnh của mình.
Thay vì phải đóng góp rồi ấm ức, em hãy tìm cách chia sẻ với nhà chồng về tình hình của vợ chồng em hiện nay. Hãy tiếp cận và tâm sự với mẹ chồng về cách em quản lý chi tiêu, để mẹ hiểu điều kiện và áp lực của em.
Nếu tháng nào cũng có đóng góp để quà cáp hoặc lo giỗ chạp, em hãy hoạch định hẳn ra một con số để thống nhất với chồng là sẽ phụ giúp ba mẹ hai bên trong khoản đó. Con số đó có thể rất khiêm tốn nhưng khi đã có sự chủ động và nỗ lực, chính em và chồng sẽ thoải mái.
Khi mọi người biết về khó khăn của em rồi, nếu phát sinh nghĩa vụ đóng góp, em sẽ dễ dàng hơn trong việc trao đổi, thu xếp, nhà chồng sẽ không còn hoài nghi “lúc thì nói không có tiền, lúc thì từ chối giúp đỡ”.
Việc chăm lo trong đợt ở cữ, em cũng thử cân nhắc lại. Nếu thực sự chỉ vì sợ bị chi phối trong chuyện chi tiêu, ta đã có cách giải quyết như Hạnh Dung trình bày bên trên. Còn nếu em có thể tự lo được, em muốn chủ động sắp xếp và được ở gần chồng thì hãy nói rõ cho nhà chồng biết.
Đừng để nỗi ám ảnh tài chính ám lên toàn bộ hành xử trong cả những vấn đề không liên quan đến tài chính, để tránh cho mọi người phải khó hiểu và khiến khoảng cách đôi bên thêm xa.
Chúc em mạnh giỏi và sinh con trong an vui!
Theo phunuonline.com.vn