Chị Hạnh Dung thân,
Tôi đồng ý lập gia đình với anh dù anh là người có vợ và có 2 con riêng rồi. Vì lúc đó anh nói rằng vợ nuôi cả 2 con, anh chỉ chu cấp tiền hàng tháng, đến thăm và đưa các con đi chơi.
Con anh, một cháu lúc đó lên 10, một cháu lên 7. Tôi cũng có 1 con trai riêng, bằng tuổi với con trai đầu của anh. Cả hai chúng tôi thống nhất với nhau là không sinh con nữa, chỉ chung sống thôi.
Thế nhưng mới được 2 năm, thì anh đòi đưa con trai về sống chung, vì nghe nói thằng bé bỏ học, suốt ngày trốn đi chơi game, ăn cắp tiền của cả nhà để chơi game và ăn hàng, không nghe lời mẹ và bất cứ ai trong gia đình bên vợ cũ của anh. Anh sợ con trai hư, muốn đưa về dạy dỗ, vì vợ cũ của anh cũng bất lực với thằng bé rồi.
Tôi nghe vậy thì rất không vui, tôi sợ thằng bé ảnh hưởng xấu lên con tôi. Cháu đang rất ngoan, chăm học và chịu làm việc nhà. Anh nói muốn con anh gần đèn cho sáng, còn tôi thì chỉ sợ con tôi gần mực thành đen.
Cấm anh thì không được, mà có vẻ cũng không đúng. Nhưng đồng ý cho anh đưa con về thì tôi không muốn. Tôi phải làm sao đây chị Hạnh Dung? Chia tay với anh thì cũng rất tiếc. Anh là người chồng theo tôi là 8 điểm.
Lúc trước, anh ly hôn là do vợ anh ngoại tình. Cô vợ có thói lăng nhăng. Đến giờ vẫn cặp hết người này đến người khác. Anh còn lo con gái sẽ ảnh hưởng tính mẹ. Tôi nghĩ khéo rồi có lúc anh lôi hết 2 con về nhà tôi.
Tôi đã nghĩ đến giải pháp sống riêng, coi nhau như bạn bè, nhà ai nấy ở, vì anh cũng có một căn chung cư, vốn đang cho thuê. Nhưng sống như thế thì cũng coi như không phải là một gia đình. Tôi đau đầu quá.
Mỹ Hạnh
Chị Mỹ Hạnh thân mến,
Sai lầm của chị bắt đầu từ sự tính toán đầu tiên, khi cho rằng con anh ở với vợ cũ của anh, nghĩa là anh sẽ không phải có trách nhiệm gì với những đứa trẻ đó, ngoài việc hàng tháng chu cấp tiền nong. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ không hề đơn giản như vậy, chị ạ!
Việc ly hôn của vợ chồng chỉ có nghĩa là họ không còn là vợ chồng của nhau, chứ trách nhiệm và tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái sẽ không có gì thay đổi cả. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những người làm cha mẹ còn phải cố gắng nhiều hơn để có thể bù đắp những thiếu thốn, tổn thương của con trẻ, chỉ vì sai lầm của người lớn.
Cho nên, việc phân chia con ở với ai, hay việc đóng góp bao nhiêu không phải và không thể là một sự cố định. Nó sẽ thay đổi tùy theo tình hình của con trẻ, mà ưu tiên đầu tiên chính là làm sao tốt nhất cho sự phát triển, sự định hình cá tính, nhân cách, sức khỏe... của đứa trẻ.
Khi yêu và quyết định chung sống với một người đã từng có gia đình và có con, lý ra, chị phải hiểu điều đó, bởi chính chị cũng ly hôn và cũng có một đứa con.
Có phải với chị, con chị mãi mãi là ưu tiên hàng đầu của chị không? Và nếu như vậy thì chị có nghĩ rằng, với chồng chị hiện nay, những biểu hiện không tốt của con đang khiến anh ấy vô cùng lo lắng, buồn khổ, cảm thấy trách nhiệm của mình chưa hoàn thành, và chắc chắn anh ấy cũng sẽ có những ưu tiên dành cho con mình, nếu anh ấy là một người cha tốt.
Nếu thật sự thương chồng, Hạnh Dung nghĩ rằng chị sẽ hiểu cho những lo lắng của anh lúc này. Cảm giác sợ con hư, cảm giác có lỗi với con, sự bất lực, sự hoảng hốt... có lẽ đang khiến anh ấy rất khổ sở.
Nếu lúc này, chị không thấu hiểu, không cảm thông, không chia sẻ với anh ấy, thậm chí còn không che giấu được mong muốn sợ hãi, tránh xa con anh như... dịch bệnh, thì chắc sự khổ sở, mệt mỏi của anh sẽ còn tăng lên rất nhiều.
Và nếu anh và chị không thể ngồi lại trò chuyện với nhau, tìm ra giải pháp để có thể cảm thông, hiểu biết, chia sẻ, thì Hạnh Dung nghĩ sớm muộn, hoặc anh, hoặc chị sẽ phải có những chọn lựa buồn cho gia đình mình.
Điều mâu thuẫn có thể xảy ra bắt nguồn từ chính hình ảnh so sánh mà anh và chị dành cho 2 con của mình: Hai đứa trẻ giờ là hai thái cực "mực" và "đèn". Cả anh và chị đều nghĩ đến chuyện chúng có thể ảnh hưởng đến nhau. Nhưng anh nghĩ theo hướng tích cực, chị thì lo sợ theo hướng tiêu cực.
Ở tuổi 12 này, cậu bé con anh có những thay đổi theo hướng lì lợm, bất chấp như thế, chắc chắn là do những tổn thương tinh thần phát xuất từ chuyện thiếu cha, từ sự cô đơn, từ việc không được kèm cặp, dạy dỗ bằng sự gần gũi, thương yêu của một người chủ gia đình. Việc thiếu hụt đi một mảng tình thương, một sự nâng đỡ, chỗ tựa nào đó... đã dẫn đến sự nổi loạn tuổi teen.
Hiểu được điều đó và có những cách tiếp cận đúng đắn của anh, của chị, của cả con chị, biết đâu thật sự con anh sẽ "rạng" theo ngọn đèn là con chị. Và đó cũng là điều giúp anh chị gắn bó với nhau hơn, để 4 người thật sự trở thành một gia đình trọn vẹn.
Hạnh Dung hiểu rằng lúc này chị rất hoang mang, lo lắng. Thế nhưng mọi việc không chắc là sẽ phát triển theo hướng xấu như chị nghĩ. Chỉ cần có tình yêu thương thật sự, sự kiên trì, nỗ lực và đồng lòng cùng nhau của anh chị.
Còn nếu như chị chọn lựa ưu tiên là con mình, chọn lựa tránh xa anh và con anh, coi con anh như một thứ "bệnh có thể lây lan" và yêu cầu sống riêng 2 nhà, có thể đó sẽ là một khó khăn rất lớn với anh.
Ngay cả trong trường hợp anh thông cảm và đồng ý với phương án "nhà ai nấy ở, con ai nấy dạy" của chị, anh phải sống cảnh "một kiểng hai quê", chạy qua chạy lại chăm con và chăm cho chị, gia đình chị. Liệu điều đó có thể dẫn tới sự gắn kết lâu dài, cân bằng và tốt đẹp? Hay rồi anh chị sẽ ngày một xa nhau hơn với những lo toan riêng của mình?
Theo phụ nữ TPHCM