Chị Hạnh Dung kính mến,
Em 39 tuổi, là mẹ đơn thân của 2 con. Chồng em mất cách đây 4 năm. Đến hơn 1 năm sau khi chồng mất, em mới quay về cuộc sống bình thường và thôi ám ảnh về nỗi đau mất chồng.
Gần đây em mới có ý nghĩ yêu thêm lần nữa. Có anh đồng nghiệp độc thân và có cảm tình với em từ lâu. Lúc chồng em mất, anh cũng giúp đỡ em rất nhiều, như một người bạn. Chỉ đến sinh nhật của anh cách đây 3 tháng, khi đang làm tiệc cùng vài đồng nghiệp thân, anh mới bộc bạch là anh thương em và muốn ở bên cạnh chăm sóc cho mẹ con em.
Điều này làm em rất bất ngờ và thực sự là em có rung động. Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm hiểu người đàn ông nào khác. Nhưng duyên số lại đưa đến một người đã rất thân quen, đã hiểu nhau rất sâu sắc sau nhiều năm cùng làm việc, bầu bạn. Có lẽ sự thân quen này làm em thấy an toàn và đã định mở lòng.
Nhưng vừa về thăm nhà anh, mẹ anh kêu em ra nói riêng, rằng số của em “hình phu hại tử”, đã mất một đời chồng rồi thì nên ở vậy nuôi con, nên cầu bình an đừng cầu hạnh phúc, bởi em không thể có hạnh phúc hôn nhân bình thường. Ai lấy em cũng sẽ gặp bất hạnh. Bà nói thêm rằng con trai bà là trụ cột gia đình, lại là người tốt, không đáng phải chịu số phận như vậy.
Em buồn tủi vô cùng. Em không dám chia sẻ vì hiểu tính anh, nếu biết chuyện, anh sẽ bất chấp cha mẹ để lấy em. Sau lần về thăm nhà, em có hơi khựng lại. Anh đoán là vì thái độ của mẹ anh làm em tổn thương nên cứ theo giải thích rằng mẹ anh quý con trai nên sẽ có tâm lý ngại con dâu, em đừng để ý.
Bây giờ em không biết sẽ bước tiếp theo hướng nào. Liệu khi bất chấp đến với nhau, em có sống nổi với cái tiếng “hình phu hại tử” từ nhà chồng? Nếu chia tay, người như em có nên tiếp tục hy vọng vào tình yêu không?
Mỹ Dung (TPHCM)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo |
Mỹ Dung mến,
Em đã vượt qua biến cố mất chồng, một mình gồng gánh nuôi 2 con. Việc này không hề dễ nhưng em đã làm được và thậm chí đã lấy lại cân bằng, có cuộc sống ổn định. Đây là điều em cần nhớ để luôn tin tưởng và tôn trọng bản thân, để không bị nhận xét nào từ bên ngoài làm cho mất niềm tin, dẫn đến buồn tủi.
Người mẹ như mẹ của người yêu em không phải là hiếm trong nền văn hóa Á Đông. Người ta quen với một vài mô thức số phận rồi cứ thế áp dụng với mọi trường hợp có vẻ liên quan. Đặc biệt, khi liên quan đến người thân của họ, họ càng có xu hướng loại bỏ rủi ro theo kiểu “bỏ nhầm còn hơn để sót”; từ đó sinh ra định kiến, mà cụ thể ở đây là định kiến với một người từng mất chồng như em.
Đã là định kiến thì em cần tỉnh táo và sáng suốt để không bị quay cuồng theo nó. Ta không bàn về độ xác thực của những niềm tin về “số mệnh”. Nhưng nếu các quy tắc số mệnh là có thật thì để phán quyết về chúng cũng cần sự tìm hiểu rất công phu, cặn kẽ. Số mệnh không phải là thứ ta có thể dùng kinh nghiệm, nỗi sợ, hay định kiến của mình mà phán đoán. Dù đứng ở quan điểm nào, phán xét của người mẹ kia cũng có phần phiến diện và không đáng tin tưởng.
Hãy chia sẻ với bạn trai và lắng nghe anh nói. Bạn trai em góp 50% ý chí và sự sáng suốt để giải quyết chuyện này. Khi anh ấy phản hồi, có thể cả hai sẽ tự biết mình nên làm gì tiếp theo và bước tiếp với niềm tin nào, cơ sở nào. Đây là điều nếu chỉ mình em sẽ rất khó xác định, nhất là khi em đang hoang mang vì bị “tấn công”.
Hãy hiểu rằng người mẹ kia cũng chỉ vì thương con và vì sự cả lo của phụ nữ lớn tuổi mà hành xử như vậy. Khi hiểu, em sẽ không trách người, cũng đỡ buồn cho mình. Nếu mẹ mới chỉ nhìn phiến diện, có thể chỉ cho mẹ thấy những khía cạnh khác của vấn đề. Rất nhiều phụ nữ và cả đàn ông có được hạnh phúc bền vững sau một lần mất chồng hoặc vợ.
Không có công thức nào cho hạnh phúc của từng người, dù biến cố ta gặp có vẻ là giống nhau. Quan trọng nhất là em cần thấu tỏ để luôn tự tin, vững chãi, trung dung.
Em luôn có quyền mưu cầu hạnh phúc và em luôn xứng đáng với điều đó. Hãy hành xử thật sáng suốt, vì mình xứng đáng, em nhé!
Theo phụ nữ TPHCM