Trước giờ anh nói với tôi mức lương của anh là 20 triệu đồng, nếu vượt chỉ số đề ra thì sẽ nhận thêm tiền phần trăm. Mà số tiền đó chỉ đủ cho anh em trong phòng ra quán ăn nhậu 1 bữa chúc mừng nhau.
Trong mắt tôi, anh là người thật thà, ngay thẳng, chẳng giấu tôi chuyện gì bao giờ. Vì vậy mà tôi chưa một lần nghi ngờ lời anh nói. Đó cũng là điểm tôi từng tự hào với người thân mỗi khi nhắc về anh. Ở bên ngoài, cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều phức tạp, đúng - sai, thật - giả đôi khi phải căng não ra mới nhận biết được, vậy nên hà cớ gì khi về nhà, với những người thân yêu mà ta không chân thành với nhau?
|
|
Mỗi tháng, tôi phải cân nhắc rất kỹ để bỏ khoản tích lũy cho gia đình (ảnh minh họa) |
Ngay khi mới cưới, chúng tôi đã lên kế hoạch cho những khoản chi tiêu hàng tháng và tích lũy cho gia đình. Mỗi khi đụng chuyện tiền nong phải tính toán, anh nói rằng sẽ theo quyết định của tôi vì phụ nữ dù gì cũng biết giữ tiền hơn. Vì vậy mà mỗi tháng, anh chỉ giữ lại số tiền chi tiêu đi lại, cà phê, thỉnh thoảng lai rai cùng bạn bè, anh em trong nhà, còn lại đưa hết cho tôi.
Cùng với tiền lương của mình, trừ chi phí tiêu dùng cho gia đình, chi phí 2 con đi học, mỗi tháng vợ chồng tôi cũng chỉ dư chút đỉnh. Trong đó, khoản tiền thuê nhà khiến tôi xót nhất, nhưng biết làm sao cho khác được. Tôi đã ước, phải chi mức thu nhập của vợ chồng cao hơn, may ra ý định mua nhà còn có thể thành hiện thực. Nhưng anh thì không mấy lo lắng chuyện nhà cửa. Anh nói: "Đầy người ở trọ cả cuộc đời mà họ vẫn sống vui vẻ mỗi ngày đấy thôi".
Anh còn nói, cha mẹ anh có căn nhà, sau này cũng để lại cho 2 chị em. Nếu chia đôi thì cũng được phân nửa mảnh đất ấy, nên lo gì chuyện không có nhà ở.
Tôi đã nghĩ, với khoản tích lũy ít ỏi mỗi tháng, chẳng bao giờ chúng tôi có thể với tới con số để mua được nhà hay căn hộ chung cư ở thành phố này, nhưng nếu số tích lũy hàng tháng ấy tăng gấp đôi, thì việc mua nhà chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đâu ngờ, một ngày tôi biết thông tin chính xác về mức lương thật của anh, nó gấp đôi số mà anh nói với tôi, là 40 triệu đồng. Tôi té ngửa, không thể tin một người chân thành như chồng mình lại có thể nói dối tôi chuyện lớn đến vậy. Để xác thực lại, tránh những nghi ngờ mà có khi thành oan ức cho chồng, tôi suy nghĩ thêm vài ngày và quyết định hỏi thẳng anh.
Anh bất ngờ với thông tin mà tôi có. Sự lo lắng thể hiện trên ánh mắt anh. Cuối cùng, anh thú nhận số tiền đó anh mang về cho cha mẹ trang trải chi tiêu. Anh nói, chị gái anh lấy chồng, kinh tế cũng còn khó khăn nên chẳng phụ giúp gì được cha mẹ. Trong khi cha mẹ già chẳng làm gì ra tiền nên anh giấu tôi để gửi về cho ông bà chi tiêu hàng tháng. Anh giấu tôi vì không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ con dâu với nhà chồng.
Nhưng chỉ là chi tiêu, sao lại đến 20 triệu đồng cho 2 ông bà già, trong khi cả gia đình tôi với 4 người ở thành phố còn chưa đến mức phí đó? Anh thừa nhận, anh cũng đau lòng với cách chi tiêu của cha mẹ. Họ thích gì mua đó chẳng cần coi giá cả. Thậm chí có những thứ đi mua từ siêu thị về, mục đích chỉ để đãi hàng xóm, bạn bè đến chơi nhà.
Với mức chi tiêu hoang phí vậy, phận làm con, anh chẳng thể lên tiếng, càng không thể “vạch áo cho người xem lưng” nên giấu nhẹm với tôi. Đó cũng là lý do anh chỉ về nhà thăm cha mẹ một mình, ít khi rủ tôi đi cùng. Anh nói "mỗi năm cả nhà mình về thăm ông bà 1 lần vào dịp tết là được rồi", nhưng gần như tháng nào anh cũng tranh thủ về thăm.
Để tôi không lấn cấn nghi hoặc, anh không ngại đưa cho tôi coi những tin nhắn của cả ba và mẹ chồng, nhắc chuyện sao chưa gửi tiền tiêu vặt. Rồi cũng bằng những thao tác trên app ngân hàng, anh cho tôi coi số tiền mà anh gửi cho cha mẹ mỗi tháng…
Thương chồng ở tình thế khó xử, tôi chỉ còn biết tự an ủi rằng, trước giờ anh ấy vẫn là người đàn ông sống trách nhiệm với mẹ con tôi, biết chăm sóc con, đỡ đần vợ. Vậy chẳng phải đã là tốt rồi?
Theo phụ nữ TPHCM