leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Cuộc sống đang êm đềm, hạnh phúc thì gia đình chị Trịnh Thị Hà gặp họa: Chiếc xe chở chồng chị và cậu con trai về quê bị tai nạn. Chồng chị Hà tử vong tại chỗ, hơn 2 tháng sau, cậu con trai (đang học lớp 11) bị thương nặng cũng không qua khỏi.

Trong vòng 2 tháng mất đi hai người thân yêu nhất khiến chị Hà sống mà như đã chết. Nhiều tháng trời sau đó, chị Hà không thể dậy khỏi giường, không đi đâu ra khỏi nhà. Chị giam mình trong tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc radio nhỏ ở bàn thờ cùng mùi khói hương nghi ngút cả ngày lẫn đêm. Cú sốc khiến tóc chị xuất hiện vô số sợi bạc, thậm chí mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Chị Hà thường xuyên phải dùng đến sự trợ giúp của thuốc an thần. Hễ nhắm mắt lại là chị ước mình có thể ngủ một giấc thật dài, không bao giờ dậy nữa.

Sự đau khổ tột cùng khiến chị Hà quên rằng mình còn có một cô con gái đang tuổi dậy thì, rất cần sự quan tâm, động viên của mẹ. Thương mẹ, con gái xin ngủ cùng mẹ nhưng nhiều đêm, chị Hà hoang tưởng và gặp ác mộng, hét lên kinh hoàng rồi gào khóc thảm thiết khiến con gái chị sợ, không dám ngủ cùng mẹ nữa. Trong khi người thân, bạn bè luôn cố gắng động viên, làm mọi thứ có thể để xoa dịu nỗi đau trong trái tim chị Hà thì chị Hà chỉ biết đến nỗi đau của riêng mình. Sự tuyệt vọng và yếu đuối của chị Hà lâu dần trở thành nguồn năng lượng xấu, ít nhiều làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Bạn bè, người thân, họ hàng, ai cũng thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh của chị nhưng họ cảm thấy bất lực vì không thể làm gì để chị Hà mạnh mẽ đứng lên.

Chọn cách đối diện thay vì chạy trốn

Khi mải gặm nhấm nỗi đau của riêng mình, chị Hà không hề nhận ra, con gái mình đang phải gánh chịu tổn thương kép: Sự ra đi của bố và anh trai và sự thờ ơ của mẹ. Nếu trước đây, hai mẹ con chị Hà tình cảm bao nhiêu thì giờ đây, cô bé lảng tránh, ít trò chuyện với mẹ bấy nhiêu vì lúc nào cũng chỉ thấy mẹ u buồn, đau khổ. Sống cùng một mái nhà nhưng hai mẹ con cứ như hai cái bóng lặng lẽ.

Hôm ấy, chị Hà đợi mãi không thấy con gái đi học về. Lúc đầu, chị chỉ nghĩ là con về muộn một chút nhưng càng chờ đợi, càng mất hút. Chị gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm, cho bạn bè của con nhưng tất cả đều trả lời không biết con gái chị đi đâu. Cho đến lúc này, chị Hà hoảng loạn thực sự. Chị bắt đầu thấy hoang mang, lo sợ nếu như con gái có chuyện gì, chị sẽ sống ra sao?! Trong hoang hoải, chị Hà nhận ra, con gái quan trọng và ý nghĩa với chị biết nhường nào…

Thật may là cuối cùng, con gái chị Hà cũng đã trở về an toàn. Con kể, lúc tan học, trên đường đi xe buýt về, vì chuyến xe vắng, trong người lại mệt mỏi và buồn ngủ nên con đã ngủ thiếp đi. Mãi đến bến cuối cùng của tuyến xe, ở ngoại thành, người lái xe mới gọi con dậy. Trời tối, lại ở một nơi chưa bao giờ đến nên con vô cùng lo sợ. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của bác lái xe tuyến lượt về thành phố, con đã về đến nhà.

Nghe con kể, chị Hà vừa thương con, vừa giận mình. Vẫn biết nỗi đau của chị là vô kể nhưng con gái bé bỏng của chị không đáng phải gánh chịu cả nỗi đau của mẹ. Chị nhận ra, khi mình mang nỗi đau của mình để bắt người xung quanh phải buồn theo là vô lý. Sau nhiều tháng trời đau khổ, chị soi mình vào gương, nhìn ngắm thật lâu gương mặt hốc hác, già nua, mái tóc lởm chởm sợi bạc và tự nhủ, chị phải sống thay phần của chồng, của con trai để yêu thương cô con gái bé bỏng.

Những ngày sau đó, chị Hà quyết tâm chọn cách đối diện với nỗi đau chứ không chạy trốn bằng cách vùi mình trong cảm xúc tiêu cực như trước. Chị không cố kiềm chế nỗi nhớ chồng, nhớ con mà lúc nào muốn khóc thì chị cứ để mình được khóc thật to, rồi sau đó tự lau khô nước mắt, dồn tình yêu vào cho con gái. Chị lau dọn, sắp xếp lại nhà cửa, dành hẳn một phòng để làm phòng lưu giữ kỷ niệm của hai bố con. Để giúp mình lấy lại cân bằng, chị chủ động tìm đến bác sĩ để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân. "Đau khổ sẽ không giết mình chết nhưng mình sẽ chết nếu cứ dìm mình trong đau khổ", chị Hà tự nhủ lòng để hướng về phía trước.

Hải An