Sáng đó, chị ghé nhà cha mẹ sớm hơn mọi ngày, vừa tới cổng đã nghe tiếng cãi nhau trong phòng. Cha lớn tiếng quát mẹ: “Bà chẳng được tích sự gì, đụng đâu vỡ đó, đi ra cho khuất mắt tôi”. Tay ông giơ nắm đấm hướng về phía vợ, còn mẹ chị đang cặm cụi dọn những mảnh vỡ của chiếc ly thủy tinh ở dưới sàn.

Chứng kiến cảnh đó, lòng chị thắt lại. Mỗi lần ra đường hay xem trên mạng hình ảnh những đôi vợ chồng già sánh bước bên nhau, chị lại ao ước cha mẹ mình được như thế.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Năm chị lên 9 tuổi, cả nhà chuyển theo cha về thành phố, vì mẹ sinh 3 đứa con gái nên ông bà nội không hài lòng, không thể sống chung. Từ đó, mẹ chỉ ở nhà nội trợ và chăm con, còn cha lo kiếm tiền nuôi gia đình. Cuộc hôn nhân của cha mẹ, nhìn bề ngoài có vẻ êm ấm, nhưng bên trong, chị cảm nhận sóng gió đã nổi lên từ lâu.

Cha chị ích kỷ, gia trưởng. Ngày còn trẻ, ông vướng vào vài mối quan hệ ngoài luồng, mẹ cũng nhắm mắt bỏ qua. Mẹ thuộc kiểu phụ nữ truyền thống, hết lòng cung phụng chồng và chăm lo cho các con. Trong cuộc sống hằng ngày, mẹ phải phục vụ cha từ đầu đến chân, cơm bưng nước rót. Mẹ thường nhắc các con phải học hành tử tế, sau này có nghề nghiệp để tự lo cho bản thân, đừng phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Nhờ mẹ nhẫn nhịn mà hôn nhân của cha mẹ duy trì qua năm tháng, các con đều thành đạt và có gia đình riêng. Chị lấy chồng gần nhà, còn 2 em gái ở xa. Mẹ thường tâm sự với chị: “Mẹ nghĩ, sự hy sinh của mẹ không vô nghĩa khi nhìn các con trưởng thành và có cuộc sống ổn định”. Chị cũng từng nghe câu nói: “Giá của cái nắm tay lúc về già là bao nhiêu giông bão của tuổi trẻ” và nuôi hy vọng khi cha mẹ về già sẽ sống đầm ấm hơn.

Cách đây 3 năm, mẹ chị đột nhiên đổ bệnh. Vượt qua cơn sinh tử, sức khỏe của bà yếu đi nhiều; tuy vẫn đi lại được nhưng trí nhớ giảm sút. Mẹ không còn đủ sức để chăm sóc cho cha như trước. Từ đó, thái độ của cha thay đổi hẳn, ông xem vợ như một gánh nặng. Cha thường so sánh mẹ với những người phụ nữ quen biết rồi thở dài. Có lần cha nói với chị: “ở tuổi của cha, người ta được vợ chăm chút từng ly từng tí, còn cha phải lo ngược lại”.

Rồi cha kể, cô Ngân hàng xóm sáng nào cũng nấu nước dừa với lá trầu không để chữa bệnh gút cho chồng, cô Xoan đồng nghiệp tuần nào cũng tự nhuộm tóc cho ông xã để nhìn trẻ hơn. Chị nói lại: “Mẹ cả đời phục vụ cha rồi, giờ mẹ bị bệnh thì cha chăm sóc mới trọn nghĩa chứ”. Cha ngồi nghe mà không nói gì.

Mỗi lần về nhà ăn cơm, nhìn mẹ gắp thức ăn cho cha nhưng ông gạt đi, lại còn mắng: “Tôi không thích ăn cá, việc gì bà cứ phải gắp”, chị chỉ biết thở dài. Em gái út ở xa thỉnh thoảng cũng gọi điện cho chị, khóc nức nở khi quan sát qua camera thấy ngày nào cha cũng lớn tiếng chửi bới, mắng nhiếc mẹ bằng những lời lẽ khó nghe, thậm chí có xu hướng bạo hành như xô, đánh… mà không biết phải làm thế nào.

Trước đây, cha mẹ ngủ chung phòng, đến tối mẹ thường bỏ mùng sẵn, sắp xếp chăn gối, nửa đêm đi rót nước cho cha; nhưng về sau, mẹ không nhớ để làm, cha nhất quyết đòi ngủ riêng. Ông lấy lý do ban đêm mẹ lục đục khiến ông mất ngủ. Chị phân tích cho cha rằng, nhà chỉ có 2 vợ chồng, mẹ đang bệnh, cha cần ở chung phòng để đêm khuya đau ốm còn biết, nhưng ông không đồng ý.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Sau lần mẹ bị ngã trong nhà vệ sinh lúc rạng sáng, chị bàn với 2 em gái thuê người giúp việc để đỡ đần cha mẹ. Vì chị không thể quán xuyến hết được khi còn một gia đình nhỏ phải chăm lo.

Từ khi nhà có người giúp việc, việc ăn uống, dọn dẹp được giải quyết, nhưng cách cư xử của cha với mẹ ngày càng tệ. Nghe những câu nói cay nghiệt của cha, chị hiểu mình không thể thay đổi được tình hình. Chị sợ thời gian của mẹ không còn dài nữa, nếu cứ phải sống trong cảnh này, mẹ sẽ càng suy sụp.

Sau nhiều đắn đo, chị mở lời bàn với chồng đón mẹ về sống chung. Chị muốn tự tay chăm sóc mẹ và hơn hết là muốn mẹ thoát khỏi áp lực từ người chồng gia trưởng, ích kỷ. Các em băn khoăn, sợ để cha ở một mình liệu có ổn; nhưng chị biết cha đang khỏe mạnh, vẫn tự chăm sóc tốt cho bản thân, để cha mẹ sống xa nhau có lẽ sẽ tốt hơn cho cả hai.

Theo phụ nữ TPHCM