Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ba má em có 2 con gái, em là chị, năm nay 42 tuổi, em gái thua em 4 tuổi.
Em gái lấy chồng trước em, khi em đám cưới, thì em gái đã ra riêng sống với chồng, nên vợ chồng em ở nhà ba má để tiện chăm sóc. Năm ngoái, em gái ly hôn. Vợ chồng em gái có 1 con trai, con em ở với ba, em về ở nhà ba má.
Vợ chồng em cũng dành 1 phòng riêng cho em, nghĩ rằng em cần ổn định tinh thần sau biến cố đau buồn, rồi em sẽ đứng lên tạo lập cuộc sống riêng. Nhưng không, em gái thích làm gì thì làm, không cần quan tâm tới đạo đức sĩ diện của cá nhân hay gia đình, không quan tâm đến hàng xóm hay bà con nội ngoại.
Em gái quen nhiều bạn trai, có người đã có vợ con, khi gia đình góp ý, em bướng không nghe, còn nói bây giờ em đã lớn rồi, gia đình không có quyền can thiệp vào các mối quan hệ của em.
Em gái còn thường xuyên tụ tập với nhóm bạn trai gái, nhậu nhẹt, chơi bời, có khuyên cũng không được. Mỗi lần góp ý, em đều nói ai cũng có cuộc sống riêng, chị đừng nói nữa nhức đầu.
Ngay cả phòng ở của em, rất bừa bộn dơ bẩn, em cũng không dọn dẹp, má biểu dọn thì em nói hỗn, dơ bẩn gì cũng là phòng của con, má thấy dơ thì đừng vô.
Một năm trôi qua, cuộc sống của gia đình em và ba má bị đảo lộn, sức khỏe của ba má em sa sút thấy rõ, tinh thần rất nặng nề. Thực lòng, dần dần em cũng hiểu vì sao ly hôn mà chồng em gái em không muốn giao con cho vợ nuôi. Em không biết làm sao, chẳng lẽ đuổi em gái ra khỏi nhà?
Thảo Hương (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thảo Hương thân mến,
Nhà mình đang bình thường mà có thêm 1 người khách ở lại vài hôm cũng đã đảo lộn rồi, huống hồ đây là ở trong nhà cả năm; mà người đó lại mang trong lòng nỗi buồn bực, thất vọng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Phụ nữ sau khi chia tay thường cố nuốt nỗi đau vào lòng, cố tỏ ra mình không cần, mình vẫn sống tốt. Em gái của em có thể còn cá tính hơn, muốn tỏ ra mạnh mẽ, không cô đơn, mình có hàng tá người theo đuổi, có hội bạn bè vui vẻ hết mình… Tất cả những thứ đó đôi khi che giấu một nỗi buồn, nỗi thất vọng sâu sắc. Em có thể hiểu phần nào lý do những hành xử gây khó chịu của em gái em rồi phải không?
Cách dễ nhất, gọn nhất là “trục xuất” - bảo em gái em dọn ra khỏi nhà. Nhưng rồi chuyện gì xảy ra với cô ấy sau đó, chắc em và ba má cũng khó yên lòng. Vậy nên chọn cách để em gái vẫn ở cùng mình, giúp em vượt qua những khó khăn của thời kỳ hậu ly hôn.
Có thể mấy tháng nay em cũng chỉ đang cố gắng để mọi chuyện trong nhà được vào nền nếp, theo khuôn phép nhà mình, cách đó dễ gặp phải phản ứng tiêu cực.
Em nên dành thời gian thực sự gần gũi, trò chuyện với em gái nhiều hơn, cố gắng hiểu những suy nghĩ hiện tại của cô ấy, cố gắng cùng cô ấy vẽ ra một tương lai cụ thể nào đó: rồi em sẽ như thế nào, cần phải làm gì, công việc ra sao, kinh tế ra sao, ba mẹ buồn lo cho em biết bao…
Cần tìm ra động lực thực sự có thể giúp em gái em vươn lên, đứng vững và tìm lại hạnh phúc. Nếu không có động lực, cô ấy có thể buông xuôi tất cả, tự tàn phá bản thân và làm đau lòng cả những người thân. Sông có khúc người có lúc, em gái em đang ở giai đoạn khó khăn. Gia đình sẽ là điểm tựa để cô ấy vượt qua.
Trong lúc này, em cố gắng tránh tất cả những chỉ trích về mặt tính cách, hành xử đã dẫn đến vụ ly hôn của em gái. Chỉ có tình thương mới có thể khiến mình kiên nhẫn với người thân. Em cố gắng nhé, rồi mọi việc sẽ tốt đẹp lên. Chúc em bình an!
Theo phụ nữ TPHCM