1. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.
Có thể lấy câu thơ Kiều minh họa cho tâm lý của người phụ nữ xưa nay. Do yếu đuối từ vóc dáng “mình hạc xương mai” đến thể trạng nên họ không thể bì với giới mày râu; từ đó, họ phải nhờ cậy, nương tựa vào đàn ông thì cũng bình thường. Hơn nữa, sự phụ thuộc ấy còn do quan niệm phổ biến: “Thuyền theo gái, gái theo chồng” đã tồn tại như một sự mặc định.
Vậy, dù thế nào đi nữa, dù trong mọi tình huống nào, một khi đã trở thành “trụ cột” trong nhà thì người đàn ông cũng phải tỏ ra mạnh mẽ. Dù không mạnh mẽ cũng phải “gồng mình” lên, có như thế mới đáng mặt “làm trai đứng ở trong trời đất”. Đừng nói chuyện gì cho xa xôi, chẳng hạn nhiều người cảm thấy “gai mắt” như gã mày râu nào đó lại… ngồi sau lưng để vợ/người tình chở đi. Chỉ có thế, nhưng ối dào, trông hắn ta dù bảnh bao, dù cao to như Từ Hải thì trong mắt thiên hạ chỉ là một thứ “gà rù” mà thôi.
2. Nói thế thôi, mạnh mẽ đến cỡ nào thì có lúc người đàn ông cũng yếu đuối. Có nhiều lý do lắm, khó có thể liệt kê ra hết, chẳng hạn trên đời này ai lại không sợ gã ba trợn ba búa, bán trời không mời thiên lôi như Chí Phèo, đã bét nhè thì không còn ai mà gã không lôi ra chửi. Nhưng rồi lúc ngã bệnh, gã được Thị Nở nấu cho bát cháo hành, sau khi ăn xong gã cảm thấy mình trở thành một con người khác: “Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa”.
Qua trường hợp này, sở dĩ như thế là lúc những người đàn ông như Chí Phèo đã nhận được quan tâm rất đỗi chân thành mà không phải e dè, cảnh giác như bấy lâu nay đã thể hiện sự mạnh mẽ bằng cách “xù lông xù cánh”. Cảm nhận điều này, là lúc họ cảm tưởng mình như một đứa trẻ cũng cần được sự bảo bọc, an ủi…
Theo tôi, nếu người phụ nữ cứ nhẹ nhàng, thật lòng bày tỏ sự quan tâm và thấu cảm nỗi niềm của đấng mày râu trong lúc ấy, chắc chắn họ sẽ tạm thời xếp lại sự mạnh mẽ thường thấy. Nhà thơ Thu Bồn viết những câu thơ này, đã phản ánh đúng sự mềm lòng ở đàn ông đàn ang nói chung lúc rơi vào tâm trạng yếu đuối, thậm chí phải khóc òa ấm ức:
Rồi khi tôi nín cho tôi nín
Đừng tưởng là em đã dỗ tôi
Dỗ tôi sao được mà tôi nín
Tôi nín vì em khóc đó thôi.
Nhìn thấy người phụ nữ đã khóc, khiến người đàn ông mềm lòng bởi nỗi niềm của mình đã có sự cảm thông. Và lạ thay, họ nín để làm gì? Để gạt đi sự yếu đuối đã nhen nhúm mà trở nên mạnh mẽ để vỗ về, chở che cho người phụ nữ vốn yếu đuối.
Từ chuyện này khiến tôi nhớ đến câu chuyện có thật, đại khái, ngày nọ trong trại giam nọ có tên tướng cướp nọ rất gan lì, cứng đầu cứng cổ không chịu khai một lời. Vậy, phải làm sao? Anh cán bộ quản giáo đã kể cho tôi nghe, đại khái, vào dịp tết, cán bộ trại giam quyết định “hộ tống” cho hắn ta về thăm nhà vào chiều 30 tết. Nơi ấy, sau khi cảm nhận yêu thương từ tình cảm vợ con thì tâm lý kẻ tội phạm thế nào?
Quay trở về trại, hắn chủ động hợp tác với cán bộ quản giáo, có phải tên tội phạm đã trở nên yếu đuối chăng? Không, lại là lúc hắn rất mạnh mẽ nhất với quyết tâm tìm lấy cơ hội làm lại cuộc đời, vì sự yếu đuối của vợ con đang là điểm tựa mạnh mẽ ở phía sau.
|
Phụ nữ vốn yếu đuối nhưng rồi có lúc, nếu cần thiết họ trở nên cực kỳ mạnh mẽ (Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz) |
3. Ngược lại, phụ nữ vốn yếu đuối nhưng rồi có lúc, nếu cần thiết vì sự tồn tại của mình, vì bị chèn ép quá đáng thì họ trở nên mạnh mẽ cực kỳ. Sự mạnh mẽ ở họ rất dữ dội còn hơn ở người đàn ông gấp bội phần.
Nhìn kìa, chị Dậu hiền lành, chịu thương chịu khó là thế nhưng lúc nhìn thấy chồng mình dù đang ốm sốt nhưng vẫn bị tên cai lệ trói lại, sau khi van xin, lạy lục không được, tức quá: “Chị Dậu nghiến hai hàm răng: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”.
Bình thường đố dám có hành động táo bạo ấy, nhưng lúc bị đẩy đến đỉnh điểm, trong người chị Dậu đã trỗi lên sự mạnh mẽ quyết liệt. Nào có phải chi tiết của tiểu thuyết đâu, phụ nữ trong đời thật cũng thế thôi. Nhìn kìa, chị Út Tịch nào phải ham hố, khoe mẽ gì đâu nhưng khi nghe lời chê bai đàn bà yếu đuối “đái không qua ngọn cỏ”, điên tiết, chị leo tuốt lên ngọn cây dừa… tè tè xuống đất cho biết mặt!
|
Yếu đuối hay mạnh mẽ, đúng hay sai - còn tuỳ hoàn cảnh cụ thể (Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Vâng, phụ nữ vốn yếu đuối nhưng đừng quên trong lồng ngực của con mèo đã ẩn giấu trái tim của con hổ, người đàn ông khôn ngoan là đừng tạo cơ hội, hoặc làm điều gì đó khiến trái tim ấy thức dậy.
Trong khi đó, bản chất người đàn ông ẩn giấu trong vóc dáng mạnh mẽ của con hổ có lúc thở bằng nhịp đập của trái tim con mèo, người phụ nữ khôn ngoan là biết tạo cơ hội, hoặc làm điều gì đó khiến trái tim ấy thức dậy. Câu chuyện về tính cách yếu đuối/mạnh mẽ ở phụ nữ và đàn ông không thể nói đúng hay sai, mà, phải xét trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Theo phụ nữ TPHCM