Hạnh Dung thân mến,
Em là nhân viên hành chính của trường Đại học. Chồng em là dân xây dựng, theo các công trình. Khi lấy chồng, biết đặc thù công việc của chồng phải xa nhà, nên em cố gắng chu toàn, một mình vừa đi làm, vừa chăm sóc 2 con, ba mẹ ở quê xa.
Nói chung rất cực, nhất là khi con đau ốm, nửa đêm đi viện, đều phải đi cả 3 mẹ con, vì ông bà ở quê không hỗ trợ được. Chồng em bản chất vô tâm, bừa bộn, lại xa nhà biền biệt, không thấu cảm nỗi vất vả của vợ. Em có chồng mà như mẹ đơn thân trong mọi hoàn cảnh.
Khi con đau ốm, nằm viện, ảnh không về thăm. Lúc vợ bị đụng xe, khâu chi chít 20 mũi, ảnh cũng không ngó ngàng, không về thăm, dù công trình chỉ cách nhà chưa đầy 200 km.
Khi ảnh nghỉ phép, về cũng không chơi đùa, tương tác cùng con. Việc nhà ảnh kệ vợ. Ăn xong ảnh ngồi chơi, lướt mạng. Chỉ suốt ngày đi ăn nhậu bạn bè, bỏ mặc vợ con, bỏ bê gia đình.
Em buồn lắm, khuyên răn, cương nhu đủ kiểu, nhưng chồng vẫn bỏ ngoài tai. Tiền bạc kiếm được, hàng tháng chồng chỉ đưa em đủ tiền học của hai con (từ 8~10tr). Ngoài ra, nếu có gì phát sinh, em phải tự xoay trở, chồng hoàn toàn bỏ mặc không đoái hoài.
Khi ba em mất, chồng em cũng không một xu đóng góp lo chuyện của ba. Sự vô tâm, vô trách nhiệm đó, khiến em cạn kiệt tình cảm, chỉ muốn ly hôn.
Cách đây không lâu, chồng ngoại tình. Em đưa đơn ly hôn, muốn giải thoát cho mình. Nhưng nhiều người khuyên giữ gia đình cho con, bố mẹ chồng lại yêu thương em, nên em mềm lòng, chấp nhận duy trì hôn nhân, cho con đủ đầy ba mẹ.
Nhưng sau sự việc, chồng em vẫn không thay đổi, vẫn sống bê tha, nhậu nhẹt, vẫn vô tâm bỏ mặc gia đình. Về nhà là bày bừa bẩn thỉu. Em uể oải, quyết ly hôn dứt khoát. Trớ trêu thay, lúc này chồng em phát bệnh nan y. Em rơi vào thế "bỏ thương, vương tội".
Xé lá đơn đi, em gạt nước mắt thương mình, lo thuốc thang cho chồng. Bệnh của ảnh phải sinh hoạt điều độ, bỏ hẳn rượu bia. Nhưng ảnh không nghe theo y lệnh, vẫn nhậu nhẹt, rượu bia, thuốc lá, rồi nguỵ biện: "Sống chết có số". Mọi người khuyên can không được.
Ảnh bệnh, nay thăm, mai khám, tiền thuốc thang, trăm thứ chi tiêu. Em thực sự kiệt quệ. Lúc bạc tiền rủng rỉnh, thì keo kiệt với vợ con, ăn chơi tung trời, cờ bạc, rượu chè, gái gú, không thiếu món nào, bỏ mặc vợ tự xoay sở mọi thứ. Đến lúc tiền bạc không có, sức khỏe suy kiệt, thì vợ gánh hết.
Dù em cố gắng dặn lòng, rằng dù sao đó cũng là bố của con mình, dù sao suốt 10 năm qua đã phụ em một phần kinh tế, để nuôi 2 con ăn học, còn hơn nhiều ông chồng không đưa vợ đồng nào. Nhưng sau đó, em lại trở về cảm xúc thật: là em vô cùng phẫn uất, tự nhủ: "Sao ông không đi tìm con bồ, thằng nhậu của ông mà bảo nó chăm sóc, thuốc thang?".
Em đang chơi vơi quá Hạnh Dung ạ. Em muốn ly hôn, muốn giải thoát mình, nhưng lại không nỡ, vì chút thương hại. Là thương hại một người bệnh, không phải sự thương yêu đã từng có sau những tổn thương em gánh chịu.
Rồi em lại mâu thuẫn tự hỏi: "Lấy chồng để được quan tâm, chia sẻ. Nhưng mình được sẻ chia những gì? Lúc khoẻ, ảnh bỏ mặc mình phải vượt qua giông bão, thì giờ sao mình có thể nắm tay ảnh qua chặng đường này?".
Em rối quá Hạnh Dung à. Em nên làm gì bây giờ?
Thủy Trà
Em Thủy Trà thân mến,
Đúng là em đang rơi vào cái thế "bỏ thì thương, vương thì tội" của nhiều người, khi buộc lòng phải sống và chăm sóc một người mình không còn tình, cũng chẳng còn nghĩa gì với nhau, nhưng lại có những ràng buộc, vướng mắc không làm sao thoát được.
Thực sự là có không ít người vợ phải trải qua những điều đau khổ như em: lúc chồng khỏe mạnh, có tiền thì không có chút gắn bó với vợ con, chỉ thực hiện những nghĩa vụ tối thiểu, thậm chí là không. Đến khi gặp tai họa, bệnh tật thì quay về trú ẩn trong gia đình, bởi gia đình là nơi duy nhất có thể che chở cho người ta lúc bão giông.
Những người vợ đó phải tự nhủ rằng mình làm thế vì đó là bố của con mình. Và họ một lần nữa chấp nhận hy sinh bản thân, dùng tất cả tiền bạc và tình thân cuối cùng để chăm sóc kẻ sa cơ kia.
Sau những chuyện đó, có những người đàn ông sẽ hiểu ra điều gì thật sự quý giá với mình và sống tốt hơn, họ trở thành người chồng và người cha đúng nghĩa, bù đắp cho vợ con. Nhưng cũng có những kẻ "khỏi vòng cong đuôi", khỏe mạnh rồi thì quay trở lại đời sống vô ơn, hoang đàng. Đó cũng là một sự thật không thể nào chối cãi.
Vậy thì, em đang đi trên con đường nỗ lực hy sinh bản thân mình, bỏ qua những đè nén, uất ức, đau khổ của mình để mang đến sức khỏe và sự ổn định cho bố của con mình. Điều đó sẽ vô cùng đáng giá, nếu chồng em nhận ra nó và thay đổi để sống tốt hơn.
Nhưng mọi sự hy sinh đều có giới hạn của nó, chứ không thể vô giới hạn đến mức em phải bỏ qua hết đời sống, sự yên bình của em và các con cho một kẻ vô ơn và không thể thay đổi được.
Hãy minh mẫn, sáng suốt và tự nhận ra được giới hạn đó. Hãy khiến cho chồng hiểu được lòng hy sinh của em, để không bị kéo xuống vực sâu cùng một kẻ không đáng cho mình phải hy sinh thân mình đến cùng kiệt.
Theo phụ nữ TPHCM