leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Đọc loạt bài viết về hạnh phúc phông bạt, sống ảo quá mức mà quên mất nhu cầu sống thật, sống thoải mái của bản thân, tôi nghĩ ngay đến tính sĩ diện của người hàng xóm.

Chị Miên, bạn cùng xóm của chúng tôi, ly hôn sau 30 năm chung sống với anh chồng đẹp trai. Chị hầu như không tiết lộ gì cho đến khi thủ tục ly hôn hoàn tất.

Lam, cô bạn tôi nghe tin, lập tức tỏ thái độ gay gắt: “Mấy ông chồng vũ phu ấy lúc tán tỉnh thì như diễn viên, lấy về mới biết đời mình bi kịch, nhưng mấy ai dám bỏ”.

Trong nhóm bạn tôi, Lam là người rất hay lên án “bệnh sĩ” của chị em. Theo Lam, tính sĩ diện, lòng tự ái là yếu tố cần có, nhưng không nên lạm dụng, hay để “nó” chạy quá đà.

Cái sự sĩ diện của phụ nữ lớn đến mức nào? Tôi không biết, chỉ biết nó lớn đến mức có nhiều người cứ cả đời chạy theo phục vụ, dỗ dành cái sĩ diện ấy, mà không biết rằng càng ngày càng lún sâu vào bi kịch do chính mình giăng ra.

Đầu tiên, khi còn là thiếu nữ, vì sĩ diện nên phải có người yêu. Tốt nghiệp cấp III, chúng tôi thi đại học, cao đẳng, có nhiều người đỗ, nhiều người trượt. Sau 1 năm đi học, hầu hết có người yêu. Thấy tôi vẫn “một mình một bóng” đạp xe đi về với cái cặp sách to đùng sau lưng, chị Miên khuyên tôi cố kiếm lấy một anh chàng để yêu, cho bằng bè bằng bạn, giống chị. Năm đầu đại học, chị yêu một anh vì anh ấy là đồng hương, mà chẳng quan tâm anh ta lông bông, dành thời gian ở quán bida nhiều hơn ở nhà.

Rồi chị nói: “Nếu con trai nó tỏ tình, mình thích nó đến mấy cũng phải nói “em không yêu”, để nó còn phải tỏ tình tới vài ba lần. Chứ tỏ tình mà mình nhận lời ngay, người ta bảo dễ dãi, cười chê”.

Chị dạy lớp đàn em chúng tôi như thế, nên khi tôi nhận lời yêu Tuấn, biết tôi nhận lời yêu ngay khi anh tỏ tình, chị buồn lắm, cho rằng tôi đã khiến bọn đàn ông coi thường phụ nữ. Tôi ngơ ngác, vì tôi luôn nghĩ "Yêu thì nói là yêu, không yêu thì nói một điều cho xong, chứ đâu dở đục dở trong…" như một câu ca chúng tôi thuộc làu làu.

Năm thứ ba đại học, chị Miên chia tay mối tình đầu, tưởng chị sẽ đau khổ ít nhất vài tháng, ngờ đâu ngay tuần sau chị đã sánh vai một anh người yêu khác. Chị bảo chẳng có cảm xúc gì đâu, nhưng phải nhận lời yêu ngay, để cho người yêu cũ tức, và để mọi người khỏi cười chê mình bị... bồ đá.

Tới khi chị lấy chồng, chúng tôi ai cũng mừng cho chị. Rồi 30 năm qua thấy chị luôn khoe ảnh gia đình hạnh phúc sum vầy, đi chơi đó đây, chúng tôi cũng rất mừng cho chị, ít ra chị cũng không chết vì… bệnh sĩ, và ít ra sống như chị lại ổn, chứ đâu cứ ôm nỗi khổ đau tình vỡ tới vài năm như tôi.

Cho đến khi cái tin chị hoàn tất thủ tục ly hôn vì không thể chịu nổi anh chồng ngang ngược, bất tài, gia trưởng… chúng tôi mới biết chị cũng vì bệnh sĩ mà chịu đựng anh chồng ngần đó năm trời.

2 tháng sau tin chị ly hôn, tôi lại choáng váng với tin chị tái hôn với người đàn ông mới quen. Biết chị lại bị... bệnh sĩ hành, tôi liên hệ ngay. Chị cười sung sướng: “Nhiều người lấy đời chồng thứ hai là đổi đời luôn đó em. Chị cưới chồng chị sắp tới cũng thế em à, không phải lo cho chị”.

Tôi biết, chị nhanh chóng cưới người chồng mới là vì muốn thể hiện cho anh chồng cũ biết chị có giá tới mức nào, và không chỉ anh ta, bạn bè, người thân của chị cũng sẽ trầm trồ thán phục chị. Chị có hạnh phúc ở bến đỗ mới hay không? Tất nhiên tôi mong chị hạnh phúc, nhưng với cái “bệnh sĩ” cố hữu, tôi lại thấy lo cho chị nhiều hơn.

Theo phụ nữ TPHCM