Cô Lưu, 38 tuổi, người Phúc Kiến, Trung Quốc, chia sẻ:
Tôi gặp chồng năm 37 tuổi, từng là một người phụ nữ rất kén chọn, tôi luôn cảm thấy mình xuất sắc và nên tìm một người đàn ông tốt hơn.
Khi tôi ở độ tuổi 20, quả thật có rất nhiều người đàn ông theo đuổi tôi nhưng tôi không thích họ, tôi luôn cảm thấy họ không đủ tốt, không xứng với tôi, lúc đó bố mẹ tôi nói: "Con gái à, con đừng kén chọn quá, con chỉ là một cô gái bình thường, chỉ cần tìm người để cưới thôi, nếu đòi hỏi quá nhiều, về già sẽ khó lấy chồng, lúc đó sẽ bị đàn ông từ chối, người khác chê cười".
Tôi luôn cảm thấy bố mẹ mình cổ hủ, tôi thấy giới trẻ ngày nay nói chung lấy chồng muộn, nhiều bạn tuổi 30 vẫn vô cùng trẻ trung, tôi cũng vậy, ngoài 30 nhưng tôi không lo lắng về việc kết hôn, không sợ mình là gái ế.
Sau này, tôi mới biết mình đã sai, tuổi 30 đúng là rào cản của phụ nữ, bước qua tuổi 30, tôi thấy có rất ít đàn ông theo đuổi mình, tôi cũng cảm thấy rất phân vân, tôi nghĩ điều kiện của mình không tệ, tại sao lại phát sinh vấn đề như vậy?
Càng ngày càng có tuổi, bố mẹ rất lo lắng nên giục tôi đi hẹn hò, qua giới thiệu tôi gặp chồng tôi.
Thực ra, tôi không yêu chồng nhiều lắm nhưng tôi không còn sự lựa chọn, tôi đã quá lứa lỡ thì, nếu tôi tiếp tục kén chọn, tôi có thể không sinh nổi con cái. Hơn nữa, bố mẹ tôi cứ giục lấy anh, lúc đó gia đình anh cũng lạnh nhạt, chỉ đưa của hồi môn 6.000 tệ (khoảng 20 triệu đồng) nhưng bố mẹ tôi vẫn rất vui, họ nghĩ chỉ cần tôi lấy chồng là được.
Thậm chí, bố mẹ tôi còn rất hào phóng, cho tôi 50.000 tệ (khoảng hơn 171 triệu đồng) làm của hồi môn. Không ngờ ngay trong đêm tân hôn, bố chồng tôi lại yêu cầu tôi đưa tiền hồi môn cho ông giữ. Theo ông, tiền lương của mẹ chồng và chồng tôi đều giao cho ông, sau khi kết hôn thì tiền lương của tôi cũng giao tới tay ông ấy, vì vậy hồi môn cũng phải đưa cho ông.
Khi đó tôi thực sự tức giận nhưng vừa mới kết hôn đã gây chuyện thì không tốt, tôi đưa thẻ lương và 50.000 tệ cho bố chồng. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là hình thức, vài ngày nữa bố chồng sẽ trả lại thẻ lương và tiền cho tôi, nhưng tôi đã nhầm, sau khi bố chồng lấy được tiền, ông không có ý định trả lại.
Bây giờ tôi thực sự vô sản sau khi kết hôn, tôi không biết có cần thiết phải tiếp tục cuộc hôn nhân như vậy không? Cho dù muốn đi ăn cơm ngoài cũng phải xin tiền họ, trước đây tiêu hết số tiền kiếm được, mua rất nhiều quần áo đẹp và mỹ phẩm, bây giờ căn bản là không dám. Bố chồng tôi nói với tôi, tôi chỉ được mua 4 bộ quần áo một năm, mỗi bộ không được mua quá 100 tệ, (khoảng 350.000 đồng), đi mua cũng phải đi cùng mẹ chồng.
Bức xúc, tôi nói với chồng tôi về vấn đề này, chồng tôi nói rằng anh ấy không còn lựa chọn nào khác, bố anh ấy rất gia trưởng, trước đây anh đã từng gây gổ với bố nhưng không có tác dụng gì cả nên bây giờ chỉ có thể tuân theo. Tôi chán nản và thất vọng vô cùng.
Tết năm ngoái, bố chồng kêu mẹ chồng đưa vợ chồng tôi đi mua quần áo, tôi 38 tuổi vẫn bị mẹ chồng kiểm soát chi tiêu. Tôi muốn mua những bộ quần áo có chất liệu tốt, không phải những bộ quần áo rẻ tiền nhưng bố mẹ chồng không quan tâm đến những thứ đó, họ nghĩ rằng quần áo mới là được, tôi nên biết ơn họ.
Hôn nhân kiểu này chẳng khác nào địa ngục, sau những cuộc đấu tranh nội tâm rất lâu, tôi quyết định ly hôn với chồng. Sau khi ly hôn, tôi đi báo mất thẻ ngân hàng, đòi lại 50.000 tệ của hồi môn. Bố chồng lúc đầu không muốn trả lại nhưng tôi bảo nếu ông ấy không trả thì tôi sẽ ra tòa kiện ông ấy, lúc đó ông ấy sẽ mất hết thanh danh. Lúc này, bố chồng tôi mới miễn cưỡng trả lại thẻ ngân hàng và hồi môn cho tôi.
Hiện tại, tôi cũng được tự do, cuối cùng cũng thoát khỏi cuộc hôn nhân đó. Tôi cảm thấy dù là độc thân cả đời, bản thân cũng sẽ không kết hôn cho có nữa, thực sự quá mệt mỏi, đau khổ. Về phía bố mẹ chồng, tôi chỉ muốn nói rằng, nếu họ còn kiểm soát quá mức như vậy, cuối cùng sẽ hủy hoại cuộc sống và hôn nhân của con cái.
Theo tiin.vn