Hơn 40 năm trước, vợ chồng bác tôi dắt nhau vào thành phố kiếm sống. Họ chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn mua bán, quanh năm gần như không nghỉ ngày nào. Bác trai bị bệnh không dám than, bác gái sinh con hết một tháng nằm ổ là dậy phụ chồng.

Tài sản hai bác tích lũy dần dần từ một căn nhà đến hai, ba rồi bốn căn, nhưng rồi con số ấy giảm dần, đến nay đã phải bán luôn căn nhà cuối cùng. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Tích lũy được tài sản, nhưng rồi hai bác không giữ được (Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory)

Anh con trai khi xưa học giỏi, tốt nghiệp đại học bách khoa. Nhưng đổi lại kỳ vọng của cha mẹ là những lần anh kêu ba mẹ cứu vì xã hội đen đến đòi nợ, đâu phải ít, lần nào cũng năm - bảy tỷ đồng. Qua bao nhiêu lần “xuống tiền” cho những trận cá độ và vô số lần ăn chơi các kiểu phải thường xuyên tắt điện thoại vì nợ đòi, rồi nhìn cảnh vợ dắt díu hai đứa con về ngoại sống, không biết anh đã thấu lẽ đời chưa và liệu có còn sửa được không ở tuổi ngoài 50?

Đi qua những khó khổ của thuở hàn vi, hai bác muốn “Cuộc đời các con phải thơm tho, lành lặn hơn ba mẹ. Cứ sống thoải mái, mọi chuyện để ba mẹ lo”. Đó là lý do để họ ra sức nuông chiều hai con trai. Và hậu quả là đến cuối đời, bác phải lo luôn những ngày xã hội đen đến nhà đập cửa, ông anh thì luôn miệng: “Ba mẹ trả nợ dùm, chứ không con chỉ có nước tự tử”. Ban đầu là vài trăm triệu và các con số sau đó phải tính bằng tiền tỷ. 

Xưa nay, chỉ cần anh làm mình làm mẩy là muốn gì được nấy, hồi nhỏ là quần áo, giày dép, tiền tiêu vặt, lớn lên chút là đòi xe cộ, lớn hơn nữa là nhà cửa… 

Một ông anh họ khác của tôi không đến nỗi nợ nần ngập mặt, nhưng suốt ba mươi năm nay chỉ việc nhậu là “ổn định”. Anh lông bông từ chiếu nhậu này tới chiếu nhậu khác, làm việc chỗ nào cũng vài tháng là nghỉ. Sếp phàn nàn một chút là anh tự ái đòi nghỉ việc, ở nhà được mẹ chiều như ông hoàng nên anh cứ tưởng nhà mình là danh gia vọng tộc, ra ngoài cũng bắt người khác phải chiều mình như vậy.

Điểm chung của ba mẹ họ là sợ con khổ nên nuông chiều con vô điều kiện mà quên mất rằng có chỗ dựa là cha mẹ thì con cái có khổ cỡ nào cũng đâu có khổ bằng mình. Hồi con còn trẻ không cho con khổ, nay con cũng đã “già” không đủ sức chịu khổ được nữa rồi. Thật ra, cái khổ mà ba mẹ thương con hay nghĩ chính là áp lực cần thiết để con trưởng thành vững vàng, mạnh mẽ. 

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Có nhiều ông bố bà mẹ sớm "thấm đòn" cách dạy con, nhưng họ còn may hơn những người "thấm" khi đã hết sức khoẻ, thời gian, cơ hội (Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto)

Anh trai tôi - trạc tuổi các anh họ - không được ba mẹ nuông chiều theo cách ấy. Anh được ba tôi dạy dỗ kỹ lưỡng nhất nhà và luôn tạo ra một áp lực vừa đủ cho anh. Khi nhỏ, ba luôn dạy anh trở thành người có trách nhiệm với gia đình, nhất là với các em, để có thể thay thế cho ba mẹ bất cứ lúc nào. “Ở đời, ai biết bất trắc lúc nào sẽ đến với gia đình mình”, ba thường nói thế.

Nhờ kiểu uốn nắn của ba mẹ, anh chịu khó học hành, làm việc và biết chăm sóc cha mẹ, là người anh, người chồng, người cha có trách nhiệm với người thân của mình. Ngày còn đi học anh thường xuyên đứng trong tốp đầu của trường: “Anh phải học để mấy đứa thấy rằng học để vào đại học là việc đương nhiên phải làm và cứ vậy là làm theo”. Đi làm, anh luôn nỗ lực nên trụ vững ở những vị trí nhân sự cấp cao trong các tập đoàn quốc tế. Cuộc đời không khỏi thăng trầm, nhưng nghị lực và ý chí lớn lao của anh luôn làm cho ba mẹ tôi yên tâm.

So sánh để thấy, các con được dạy dỗ khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau, dù xuất phát điểm của anh tôi và các anh họ là giống nhau cho tới tận khi họ vào đại học.

Những năm tám mấy, chín mươi, ba người anh đã trở thành sinh viên của ba trường đại học y dược, hàng hải, bách khoa - niềm hãnh diện của cả thị trấn nhỏ chứ không phải chỉ gia đình. Nhưng sau khi ra trường ba người có ba cái kết khác nhau. 

Vì vậy, tôi không thích cách nói không tạo áp lực cho con. Theo tôi, phải gieo vào mỗi đứa con của mình những áp lực cần thiết để trở nên mạnh mẽ và tự gánh lấy những trách nhiệm phù hợp. 

Theo phunuonline.com.vn