Chào chị Hạnh Dung,
Tôi và vợ kết hôn được 9 năm và sinh được 2 đứa con 1 trai 1 gái, gia đình sống êm ấm hòa thuận. Do thấy vợ đi làm công ty vất vả, tôi khuyên vợ đi học nghề làm tóc, làm nail. Học xong thì vợ được chị chủ giữ lại làm cho chị, thời gian cũng được 1 năm.
Thi thoảng tôi bảo vợ là nên tự mở tiệm. Lúc đầu vợ bảo làm thêm một thời gian nữa cho tay nghề cứng cáp, sau thì cũng đồng ý mở riêng. Trong thời gian tìm chỗ thuê cho vợ mở tiệm, thì tôi phát hiện vợ gian díu với chính chồng của chị chủ.
Sau khi bị phát hiện, vợ cầu xin tôi tha thứ vì trót dại, và kể là bị đe dọa tiếp tục gian díu, nếu không thì sẽ tiết lộ với tôi. Vợ tôi bảo vì sợ tôi biết sẽ không tha thứ và ly hôn, nên kéo dài đến khi bị phát hiện.
Vậy theo chị Hạnh Dung, tôi có nên tha thứ không ?
Tiến Hùng
|
Ảnh minh họa |
Anh Tiến Hùng thân mến,
Người ta thường bảo đàn ông thường đau đớn, khó tha thứ, và khó có thể quên được khi vợ ngoại tình, hơn là đàn bà khi gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Nghe thì có vẻ như là... định kiến, phân biệt... nhưng trong điều mọi người thường nói đó có phần sự thật. Người ta thường giải thích cho sự thật đó là vì tự ái, tự tôn của đàn ông cao hơn, và vì với đại đa số đàn ông, gánh nặng trách nhiệm với con cái, với gia đình đôi khi không mạnh hơn sự tự ái đó...
Nói những điều này với anh, không phải là Hạnh Dung có ý "nói chơi, bàn chơi" cho vui. Mà Hạnh Dung muốn nhắc anh một điều: để cân nhắc chuyện tha thứ cho vợ ngoại tình, anh hãy cân nhắc thật kỹ nhiều vấn đề khác, đặt cái sĩ diện, tự ái của người đàn ông sang một bên. Khi đó anh sẽ thấy sáng suốt hơn.
Điều thứ nhất anh hãy nghĩ tới là hãy xem xét sự thành thật, ăn năn, hối lỗi của vợ mình như thế nào. Con người ai cũng có thể mắc sai lầm, sai lầm ngoại tình thì quá sức to lớn, nhưng cũng là một sai lầm mà người ta thường mắc phải trong những hoàn cảnh cụ thể.
Nếu vợ anh thật sự chỉ là mắc cái bẫy của một tên đàn ông xấu xa, chứ đó không phải là bản chất của cô ấy, nếu giờ đây cô ấy hiểu được cái sai của mình và cương quyết, can đảm dứt bỏ nó, cầu xin chân thành một sự tha thứ của anh, mong anh hãy nghĩ lại.
Nếu trong lòng anh tình yêu với vợ vẫn còn vài phần, dù chỉ còn leo lét như đám tro tàn, nhưng vẫn có thể cứu vãn, thổi bùng trở lại ngọn lửa yêu thương, ấm áp của gia đình, mong anh hãy nghĩ lại.
Nếu anh nhìn vào hai đứa con thơ và những ngày hạnh phúc đã qua, cảm thấy sự hy sinh cái tôi của mình, sự cố gắng vượt qua những đau đớn, tổn thương của mình, để hàn gắn lại những ngày vui đó, là nhất thiết phải làm và có thể làm được, mong anh hãy nghĩ lại.
Và quan trọng nhất, là cả hai đều có quyết tâm ở lại bên nhau, khép lại hoàn toàn quá khứ xấu xa đó, thật lòng cho nhau cơ hội để gầy dựng lại, cam đoan với nhau những điều cơ bản như không nhắc nhở, không sỉ vả, không dằn vặt nhau, mà chỉ cố gắng tập trung vào sự tha thứ và yêu thương, mong anh hãy nghĩ lại.
Như vậy, anh hãy cân nhắc tất cả những điều Hạnh Dung viết trên, để quyết định tha thứ cho vợ hay không, anh nhé. Tha thứ là để làm lại, để gầy dựng lại mái ấm cho con, cho mình từ những đổ vỡ. Khó khăn thật, nhưng nếu hết sức cố gắng thì vẫn có thể có được những điều tốt đẹp, có thể không như xưa, nhưng là một kiểu hạnh phúc khác, khi cả hai đã dũng cảm cùng nhau sửa chữa những sai lầm.
Theo phụ nữ TPHCM