Chị Hạnh Dung thân mến!

Em là tác giả bài viết "Lòng vẫn đau khổ khi tha thứ cho chồng ngoại tình". Em rất cám ơn chị đã dành thời gian chia sẻ và cho em lời khuyên tích cực. Thời gian vừa rồi, chồng em là người chủ động tạo sự kết nối, tổ chức đi chơi xa, cuối tuần cùng đi ăn sáng, cafe, trò chuyện ...

Dù em vẫn hợp tác cùng tham gia, nhưng trong em là sự thờ ơ, lạnh nhạt, em không thể mở lòng ra được. Trong những lần tranh cãi vừa rồi, anh thừa nhận em không thiếu sót gì cả, không có điều gì để cần thay đổi, chỉ là do anh muốn tìm sự mới lạ, nên mới qua lại với người thua em rất nhiều tuổi.

Chính điều này cũng tạo cho em cảm giác tự ti, vì mình không còn sức hấp dẫn. Nên bây giờ trong em tồn tại suy nghĩ bất cần. Anh đã làm việc sai trái, giờ em lại phải nhẹ nhàng, vẫn ân cần chăm sóc như xưa... như vậy có phải sẽ khiến cho chồng cảm thấy cái lỗi này rất dễ bỏ qua không?

Em nghĩ, người bây giờ phải nhẹ nhàng, ân cần, phải là anh. Em không còn cằn nhằn hay trách móc nữa, mà em trầm lại, không cởi mở, chỉ giao tiếp khi cần. Em muốn anh thấy rằng dù được tha thứ, nhưng tất cả sẽ không còn được nguyên vẹn như xưa.

Em đang nghĩ như thế, và đang làm như thế chị ạ. Em cám ơn chị đã nghe em tâm sự. Rất mong bạn đọc gần xa đã tha thứ thành công, hãy cho em thêm góp ý, để em có thêm động lực. Cám ơn tất cả mọi người.

Trương Mỹ Duyên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Mỹ Duyên thân mến,

Khi quyết định làm một việc gì đó, người ta thường phải nghĩ tới mục đích của việc làm, thì mới có động lực và khả năng thành công cao được. Vậy thì bây giờ, nếu em đã chọn cách tha thứ cho chồng, thì em hãy nghĩ xem mình làm điều đó để làm gì?

Có nhiều người nói rằng khi ta tha thứ cho một ai đó, trước tiên là ta làm điều đó cho chính bản thân mình, để mình được thanh thản, nhẹ nhàng. Bởi sân hận là một trong những điều bào mòn, giết chết con người ta một cách lâu dài, ngấm ngầm.

Em có thấy rằng hiện giờ, em đang bị hành hạ, đau khổ, tức giận vì nỗi căm hận chồng? Em nói em tha thứ, nhưng em đang tìm cách để trả thù thì đúng hơn. Em muốn chồng em phải sống trong dằn vặt, ân hận, hối lỗi suốt đời. Điều đó gọi là tha thứ sao em?

Có một điều Hạnh Dung muốn nhắc nhở em, rằng con người ta có sức chịu đựng giới hạn với bất cứ điều gì mang đến nỗi đau. Việc em dằn vặt, thể hiện nỗi đau đớn của mình, muốn chồng em phải bị dày vò suốt đời, sẽ khiến chồng em tới lúc phải tự buông tay khỏi ly nước nóng bỏng đó.

Vậy thì, em tha thứ, hàn gắn để làm gì, nếu chỉ để làm khổ nhau, nếu chỉ để cuối cùng không thể sống bên nhau, nếu chỉ để nhìn thấy nhau là thấy mệt mỏi, đau đớn. Tha thứ để làm gì, khi một người luôn cho rằng mình là nạn nhân khốn khổ, một người thì sống trong mặc cảm mình là tội đồ? Mục đích cuộc sống của em là như vậy sao?

Nếu em cảm thấy rằng em muốn tha thứ, hàn gắn để làm lại từ đầu, để khép chặt lại sau lưng quá khứ, và cùng chồng xây dựng một hạnh phúc mới, thì em hãy chọn tha thứ. Chồng em cũng đang nỗ lực làm những gì em mong muốn, thế nhưng em thì chỉ nghĩ tới chuyện thêm hình phạt cho anh ấy mà thôi. Sống cạnh nhau thế, làm sao có thể yên ổn được?

Còn nếu như em thấy việc đó quá sức em, em không làm được, thì tốt nhất là buông tay, giải thoát cho cả hai, em ạ. Bởi vì cuối cùng, mục đích sống của tất cả chúng ta là để được thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Đó mới là ta biết yêu ta, yêu người đúng cách.

Theo phụ nữ TPHCM