Chị Hạnh Dung thân mến,
Em ngày càng chán chồng. Lý do không phải vì anh ăn chơi, ngoại tình hay làm gì sai quấy mà là vì anh luôn thụ động, không có ý chí phấn đấu. Từ yêu thương, tôn trọng, em dần trở nên coi thường chồng trong suy nghĩ, dù về mặt lời nói và ứng xử, em vẫn đang cố gắng không để lộ ra, nhưng em không biết mình còn có thể cố gắng bao lâu.
Em năm nay 35 tuổi, lấy chồng được hơn 9 năm. Chúng em đều là dân tỉnh lên TPHCM học đại học và ở lại lập nghiệp. Cha mẹ 2 bên đều chỉ đủ ăn, không phụ giúp được gì.
Dù học đại học kinh tế nhưng không vốn liếng nên ra trường, 2 đứa em đều làm công. Chúng em thống nhất chấp nhận ban đầu đi làm công, dần dà sẽ tích lũy kinh nghiệm, rồi hùn hạp với bạn bè làm ăn, tạo sự nghiệp cho riêng mình. Thế nhưng gần chục năm trôi qua, tất cả vẫn dậm chân tại chỗ.
Em là phụ nữ, phải lo chuyện sinh con, nuôi con, nên việc đi làm thuê cũng có thể chấp nhận. Nhưng anh là đàn ông mà không có ý chí, vẫn chấp nhận làm ở một nơi lương chưa tới 15 triệu đồng/tháng và không có cơ hội nào để thăng tiến.
Hiện vợ chồng và 2 con vẫn ở nhà thuê, làm tháng nào xài hết tháng đó, hầu như không có tích lũy. Điều đáng nói là anh không hề băn khoăn vì điều đó. Nhìn bạn bè mở công ty rồi ăn nên làm ra, em tủi thân. Làm sao để chồng em thay đổi, để em có thể thương chồng lại như xưa?
Mai Hoàng (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Mai Hoàng thân mến,
Phụ nữ lấy chồng, ai cũng mong có được tấm chồng tử tế, yêu thương vợ con, xứng làm thân tùng bách để che chở cho mình cả đời. Nếu thực tế đúng như mong muốn thì quá tuyệt, còn không thì mình phải tìm nguyên nhân và giải pháp, em nhỉ.
Em đặt vấn đề: “Làm sao để chồng em thay đổi, để em có thể thương chồng lại như xưa?”. Em cứ giữ yêu cầu đó, nhưng thử lật ngược lại: em hãy yêu thương, tin cậy chồng như thuở ban đầu và dùng chính tình yêu của mình để đánh thức ý chí, trách nhiệm của anh với gia đình.
Chồng em có nhiều ưu điểm: chung thủy, không ăn chơi, không làm gì có lỗi với gia đình, chăm chỉ đi làm lo cho vợ con. Những điều đó, em cần ghi nhận.
Em nói em chỉ coi thường chồng trong suy nghĩ chứ không để lộ, nhưng thực ra có thể anh ấy đã cảm nhận được rồi. Nhận ra vợ không còn tôn trọng, tin tưởng mình, trong một số trường hợp, có thể khiến người đàn ông vì tự ái mà phấn đấu nhiều hơn để chứng minh năng lực, nhưng cũng có khi sẽ nhấn chìm ý chí và sự tự tin của họ.
Thay vì bày tỏ sự thất vọng, em hãy tin tưởng, động viên chồng, cùng anh tìm kiếm những cơ hội thăng tiến hoặc một hướng đi mới tốt hơn. Em và anh học cùng ngành nên những góp ý của em sẽ có ích cho công việc của anh.
Ngày xưa, em chọn anh có lẽ cũng vì anh có những ưu điểm, khả năng nhất định. Vậy thì bây giờ, hãy đánh thức và khuyến khích để những ưu điểm đó phát huy. Làm công hay làm chủ không quan trọng, ăn thua công việc đó phù hợp với năng lực và cho mình thu nhập xứng đáng.
Hãy ngồi lại với nhau, vạch ra những mục tiêu gần và mục tiêu xa để cùng có giải pháp phấn đấu: ví dụ làm sao tăng thu nhập, tích lũy ra sao để có thể trả góp mua nhà… Có mục tiêu rõ ràng rồi, 2 người sẽ biết mình cần làm gì để đạt được.
Thực ra, trên đời này, hạnh phúc hay đau khổ phần nhiều nằm ở suy nghĩ và thái độ của mình với cuộc sống. Ngay chuyện cả nhà em đều khỏe mạnh cũng đồng nghĩa em đang có tiền tỉ trong tay rồi, nếu so sánh với những người đang mắc bệnh nan y, phải bán cả gia tài để chữa trị mà chưa chắc đã khỏi bệnh.
Thử xoay một góc khác để nhìn cuộc đời, suy nghĩ tích cực và lạc quan, biết đâu em sẽ có thể giúp chồng và gia đình có bước ngoặt mới cho một tương lai tốt đẹp phía trước.
Theo phụ nữ TPHCM