leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

Mẹ chồng mới đến chăm tôi ở cữ được 1 tháng nay. Những ngày tôi nằm viện, người chăm sóc tôi là mẹ đẻ, còn mẹ chồng ở nhà dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng để đón cháu về. Từ viện về, tôi kinh ngạc khi cả ngôi nhà cứ như thay đổi từ trong ra ngoài. Ngoài sân, mẹ chồng trồng một ít cây đinh lăng, nói là để hái ngọn hầm canh móng giò cho tôi ăn lợi sữa và một hàng hoa mười giờ xinh xắn. Trong nhà, mẹ mua thêm bộ bàn trà nhỏ, đặt ở chỗ hiên nhà để uống cà phê sáng. Phòng ở cữ của tôi, mẹ mua thêm một chiếc quây cũi cho em bé, trang trí rất nhiều đồ chơi đáng yêu, ngộ nghĩnh. Mẹ còn trang trí hoa lá khắp phòng, tạo cảm giác bình yên, dễ chịu lạ thường.

Tôi ở cữ, mẹ chồng săn sóc tôi chu đáo, giống như mọi người vẫn hay nói đùa là 'chăm tận răng'. Bà không cho tôi làm gì cả, kể cả bế em bé, tôi chỉ được bế con những lúc cho bé bú sữa thôi. Còn lại, bà sẽ tranh bế hoặc bắt chồng tôi bế để tôi được nghỉ ngơi. Một ngày, bà nấu cho tôi 2 bữa ăn với những món khác nhau, có rau củ, thịt cá, hoa quả, đầy đủ dưỡng chất. Chồng tôi còn phải ghen tị, bảo mẹ chăm tôi còn kỹ hơn hồi bà chăm anh bị tai nạn gãy chân vào mấy năm trước.

Chỉ có một điều khiến tôi thắc mắc là mẹ chồng không bao giờ ngồi ăn chung với vợ chồng tôi. Bà luôn viện lý do để ăn sau. Khi thì cháu khóc, bà phải bế dỗ cháu. Khi thì bà bận dọn dẹp, giặt giũ. Khi lại bận tưới cây. Lần nào tôi cũng để phần cơm cho bà.

Hôm qua, tôi vô tình trông thấy bát cơm đang ăn dở của mẹ chồng. Mẹ chồng tôi đang ăn lại thức ăn thừa của vợ chồng tôi, đó là những miếng thịt mỡ mà tôi bỏ ra hay phần cá chỉ còn trơ xương và ít canh thừa lõng bõng nước. Tôi ngỡ ngàng, hỏi tại sao bà không ăn thức ăn mà tôi để dành. Mẹ chồng tôi nói phần cơm đó để cho tôi ăn khuya, còn bà già rồi, ăn qua loa gì cũng được. Thấy sắc mặt tôi căng thẳng, bà còn cười, hóm hỉnh đùa, nói bà ăn vậy cho người nhẹ nhàng, chứ ăn uống đủ chất, mập mạp quá, rồi sau này đau bệnh vợ chồng tôi khó chăm sóc.

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao cứ đến 10h30 tối, mẹ chồng lại đem cho tôi một phần cơm ngon lành để tôi ăn khuya. Hóa ra đó chính là phần ăn của mẹ.

Tôi nghẹn ngào rơi nước mắt, bà trông thấy vội vã lau nước mắt cho tôi, còn liên tục dỗ dành như con đẻ. Có một người mẹ chồng như vậy, tôi đúng là có phúc mấy đời. Nhưng thấy mẹ ăn uống khổ sở, cơm thừa canh cặn, tôi xót xa quá. Phải làm sao để mẹ chịu ăn cơm cùng chúng tôi đây?

 

Mỹ Hạnh