Năm 1990, 55% đàn ông Mỹ cho biết họ có ít nhất 6 người bạn thân. Đến nay, tỉ lệ đó chỉ còn 27%. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 15% nam giới không có mối quan hệ bạn bè nào, trong khi năm 1990, tỉ lệ này chỉ là 5%. Cơ hội hẹn hò của nam giới cũng giảm dần khi các tiêu chuẩn về người yêu của nữ giới tăng lên. Các ứng dụng hẹn hò nam giới chiếm 63% lượng người dùng.

Thừa 4 triệu nam vào năm 2050 

Dựa trên tình trạng sinh ở Việt Nam, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 4 triệu người nam. Các chàng trai sẽ phải sứt đầu mẻ trán trong việc tìm cho mình một phụ nữ để yêu đương và kết hôn.

Nhưng, chưa cần đến năm 2050, tình trạng nam giới ế ẩm cũng đang ngày một tăng. Bài báo trên Psychology Today cũng viết nam giới độc thân cảm thấy cô đơn và khó khăn hơn trong việc tìm kiếm mối quan hệ với phụ nữ. Có một thực tế “đau lòng” cho nam giới: bởi phụ nữ ngày càng hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn nên yêu cầu của họ cũng ngày càng cao hơn. Ngày càng nhiều phụ nữ muốn kết hôn muộn.

Vị trí và vai trò phụ nữ gia tăng đồng nghĩa với việc họ cần những người đàn ông tương xứng với họ thay vì “lấy chồng lãi nhất đứa con”. Chưa kể số phụ nữ làm mẹ đơn thân ngày một đông đảo, kể cả không kết hôn hay đã ly hôn. Những phụ nữ hạnh phúc không cần đàn ông ngày càng nhiều khiến cho số đàn ông cô đơn cũng vì thế mà không còn ít nữa.

Ngày xưa, đàn ông chỉ cần kiếm ra tiền, dù xấu trai (lẫn xấu tính) đến mấy cũng kiếm được vợ. Nhiều đàn ông ly hôn xong vẫn có cơ hội lấy những cô gái chưa chồng. Nhiều đàn ông có vợ rồi vẫn đèo bòng thêm vài ba phụ nữ khác. Tất cả sẽ sớm trở thành “ngày xưa” khi phụ nữ ngày càng biết giá trị bản thân hơn, đòi hỏi cao hơn, yêu cầu nhiều hơn.

Là còn chưa kể, internet khiến mọi biên giới bị xóa nhòa, những người đàn ông chất lượng cao đến từ khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ còn quanh quẩn trong lũy tre làng, con phố nhỏ, xã nọ, tỉnh kia. 

Đàn ông, cụ thể là đàn ông Việt, sẽ còn ế ẩm nữa khi xã hội 4.0 với AI sẽ xóa sổ dần những công việc tay chân, giao nhiệm vụ đó cho robot; phụ nữ sẽ không còn cần một người đàn ông gánh vác chuyện tay chân nặng nhọc. Các ông chồng “cạy miệng nửa ngày không được một câu” với vợ cũng sẽ bị thay thế bởi AI, những chatbot (một chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tương tác với con người) có thể hiểu và trò chuyện cả ngày với chị em.

Nói vui thì khi công nghệ in 3D đã in được những tảng thịt bò Kobe danh tiếng, ăn thơm và ngon hệt thịt bò Kobe xịn thì chẳng ai chỉ vì một cái xúc xích mà phải tậu một con bò về nữa.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Tiêu chuẩn người chồng của phụ nữ ngày càng cao (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Phụ nữ ơi, đàn ông rất cô đơn!

Dọa đàn ông thế đủ rồi nhỉ? Nói gì thì nói, đàn ông kém chất lượng thì kể cả không thừa đàn ông cũng vẫn ế thôi. Thế nhưng đàn ông chất lượng vẫn cô đơn là có thật đấy, thưa các chị em!

Nỗi cô đơn của đàn ông bắt đầu từ khi họ còn là những chàng trai trẻ độc thân mong có bạn gái. Thời của ông cha ta, khi đất nước còn chiến tranh, đàn ông dễ dàng chứng tỏ nam tính, lý tưởng bằng việc viết thư bằng máu xin ra tiền tuyến. Hình ảnh những chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất nước từng được hàng triệu phụ nữ ngưỡng mộ, trân trọng, yêu thương và muốn trao thân gửi phận. Thanh niên thời nay muốn thể hiện nam tính rất khó.

Họ không còn là “trẻ trâu” để chứng tỏ bằng đánh lộn, đua xe, hút thuốc như thế hệ 7X, 8X. Các cô gái thời nay chê những thanh niên kiểu đó. Cả những cậu thanh niên bóng bẩy cũng bị chê chứ đừng nói là tỏ ra bụi bặm. Tiền bạc cũng chưa có để thể hiện, nhiều thanh niên tâm sự với tôi: “Con gái thời nay thực dụng quá chú ạ!”.

Tất nhiên, cũng có những cô bé bị ảnh hưởng từ gia đình, thước đo bạn trai tính bằng giá trị những món quà cậu ta tặng. Nhưng rõ ràng là để có bạn gái, nhiều chàng phải kỳ công hơn thế hệ trước. Phải lãng mạn như phim Hàn hay sách ngôn tình tràn lan ngoài kia. Lại phải trưởng thành, chín chắn như người đàn ông đích thực trong các mẩu quảng cáo ra rả khắp nơi.

Thế giới quan của phụ nữ bị chi phối bởi truyền thông dẫn đến việc đòi hỏi nam giới ngày một cao hơn năng lực thực tế của họ. Tạm gọi thì đó là mơ mộng nhưng đúng là nó khiến nhiều nam thanh niên độc thân cảm thấy khó khăn hơn khi tiếp cận phụ nữ.

Những tưởng đó chỉ là chuyện của thời mới lớn, của lúc chưa trưởng thành nhưng ngay cả đàn ông trưởng thành vẫn thường xuyên có cảm giác cô đơn cũng như vẫn khó khăn khi kiếm tìm một mối quan hệ với phụ nữ.

Vẫn là những đòi hỏi của phụ nữ ngày một cao hơn dù áp lực làm đàn ông của thanh niên thời nay cũng không hề nhỏ. Dù đang ở thế kỷ XXI, quan điểm, định kiến về đàn ông dường như vẫn không thay đổi.

Nhiều phụ nữ ngày nay đòi hỏi người đàn ông của mình phải hiện đại nhưng vẫn duy trì những định kiến vai trò trụ cột của đàn ông. Là vừa biết kiếm tiền, trở thành trụ cột như bao đời nay đàn ông phải thế lại vừa phải cập nhật việc quan tâm, lãng mạn, biết chăm lo cho gia đình như những người chồng soái ca hiện đại.

Có câu đùa thế này: Phụ nữ muốn chồng khỏe như lực sĩ, lãng mạn như thi sĩ, biết quan tâm như bác sĩ nên nhiều đàn ông phải tự biến mình thành… kịch sĩ hoặc cuối cùng thì thành “liệt sĩ”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Cô đơn trong nhà không phải chuyện chỉ của phụ nữ (Ảnh mang tính minh họa - Freepik)

Ngay cả những ông chồng cứ tưởng có gia đình rồi là hết cô đơn nhưng thực sự họ vẫn cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Dĩ nhiên, sự cô đơn của họ không giống sự cô đơn của phụ nữ khi chồng không quan tâm. Họ cô đơn kiểu phải giấu kín những tâm sự riêng mang. Họ không thể chia sẻ, nói ra được với vợ vì… họ là đàn ông.

Định danh đàn ông khiến họ đau không được khóc, buồn không được than, có tâm sự không được trải lòng bởi ngoài kia còn quá nhiều định kiến kiểu “đàn ông chỉ được khóc khi… thái hành”, “đàn ông lên mạng than thở là đàn… bà”…

Thậm chí có bệnh, họ cũng không muốn đi bác sĩ vì “đàn ông đàn ang, tí bệnh đã cuống lên như công chúa dẫm phải gai mồng tơi”. Vì lỡ mang tiếng nam nhi đại trượng phu, nhiều người chồng gặp vấn đề về tâm lý cũng không chịu đi trị liệu, tự gồng mình chống chọi. Thậm chí mấy hôm trước, một phóng viên đã gửi câu hỏi cho tôi về vấn đề nam giới trầm cảm sau khi vợ sinh.

Tôi đã đọc hàng đống tài liệu về trầm cảm của nam giới và biết rằng 50% nam giới bị trầm cảm khi có vợ trầm cảm sau sinh. Vậy mà khi bài báo được đăng lên, hàng trăm bình luận bên dưới của rất nhiều phụ nữ cho rằng “chỉ có phụ nữ mới trầm cảm sau sinh chứ đàn ông các anh chung quy chỉ vì lười giúp vợ, lấy cớ”. Do quan niệm chỉ phụ nữ mới được quyền trầm cảm, đàn ông trầm cảm là “làm màu” nên đàn ông cũng cô đơn là vậy.

Đại diện đàn ông xin trải lòng một chút với chị em phụ nữ không phải để than thở mà là để cùng hiểu, chia sẻ với nhau. Xin đừng quan niệm “chỉ phụ nữ mới đem hạnh phúc đến cho phụ nữ” nữa. Thế giới đã bước sang chương mới. Xin chị em đừng để chúng tôi thở dài rằng “thế giới 8 tỉ người sao anh vẫn cô đơn…”. Mong lắm thay! 

Theo phụ nữ TPHCM