Chị xem rất kỹ bức ảnh mẹ con người bạn đạp xe xuyên rừng trong chuyến du lịch dã ngoại. Họ nhễ nhại mồ hôi nhưng tươi tắn, rạng rỡ. Nói thèm muốn cũng không hẳn, nhưng rõ ràng là chị ganh tị với bạn - một bà mẹ đơn thân độc lập, tự chủ và hoàn toàn tự do, không vướng bận.
Không hiểu sao chị luôn mâu thuẫn với chồng trong mọi việc, giữa họ ít khi có điểm chung, dù thuở yêu nhau sự khác biệt chính là điều khiến họ hút nhau. Chị nhiều lần tìm cách dung hoà suy nghĩ, sở thích, tính cách của đôi bên, nhưng chị thất bại do chồng chị ít khi nhượng bộ.
Để gia đình trong ấm ngoài êm, để không mang tiếng vợ lấn lướt chồng, để con cái tôn trọng cha, chị chọn lùi lại phía sau, dù thâm tâm ngấm ngầm không phục.
Chị chưa quên những trận vợ chồng tranh cãi quyết liệt khi chọn trường cấp I cho con, dù khi ấy con bé mới bắt đầu vào mẫu giáo. Trong khi đó, những người đứt gánh hôn nhân có thể toàn tâm toàn ý dạy dỗ, định hướng con theo cách mình muốn mà không bị người kia chi phối hoặc cản trở.
Chị không nhớ mình đã khổ sở thế nào khi phải tìm cách "giải oan" cho mình về các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người quen... Trong khi chồng chị bảo thủ, cố chấp và ghen tuông một cách bệnh hoạn.
Anh ghen với những đồng nghiệp nam vì sợ chị "lửa gần rơm" rồi sa ngã. Anh sợ chị thân quá mức với các cô bạn, vì giờ nhìn đâu cũng thấy tình yêu đồng giới; anh sợ cả những mối quan hệ thân quen... Kiểu gì anh cũng thấy không an toàn, nơi nào cũng đầy rẫy nguy cơ. Có lần chị hét lên: "Chẳng lẽ tôi không giao tiếp với ai anh mới vừa lòng?".
Bạn bè chị, có những người hậu ly hôn hoàn toàn có thể tự chủ giờ giấc, đi lại, giao tiếp mà không phải giải trình về sự minh bạch.
Chị cũng phải cố giữ lấy công việc mà mình chẳng hề yêu thích vì nó ổn định và an toàn. Chị phải từ chối những cơ hội đến với mình vì chồng không muốn chị tự do bay nhảy hay làm những việc quá áp lực, rủi ro. Trong khi đó, mấy cô bạn đã ly hôn của chị có thể chọn công việc mà họ yêu thích. Họ có thể cháy hết mình, thỏa sức tung tẩy với đam mê nghề nghiệp mà không bị ảnh hưởng bởi người sống chung nhà nhưng không cùng chí hướng.
Chị thích cho con tham gia những chuyến dã ngoại để hoà mình với thiên nhiên để học kỹ năng sinh tồn và tính tự lập; chồng chị lại chỉ thích những chuyến du lịch nghỉ dưỡng được chăm sóc tận răng. Thuyết phục anh thay đổi không được, chị chỉ biết nhìn con cái của bạn bè mạnh mẽ, rắn rỏi mà ao ước, và lo lắng khi con mình chẳng khác gì những chú gà công nghiệp.
Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng nếu vợ chồng đã hết duyên, chẳng thể cùng nhau đi hết quãng đời còn lại thì ly hôn sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội mới. Người ta thường đánh giá những người buộc phải ly hôn theo kiểu "chắc cũng dính "phốt" gì đó" mới bị chồng (hoặc vợ) ly hôn. Tuy nhiên, chưa chắc những người đang có chồng có vợ đuề huề lại hài lòng với cuộc sống của mình bằng những người độc thân hậu ly hôn.
Chị chưa biết giới hạn chịu đựng của mình cỡ nào cũng như sự kiên nhẫn trong chị kéo dài được bao lâu, nhưng chị thấy mình không khỏi ngó nghiêng, so sánh với những người vì lý do nào đó đã "đào thoát" khỏi cuộc hôn nhân tù ngục để tận hưởng hạnh phúc.
|
Vì sợ điều tiếng, nhiều người sợ ly hôn để rồi chịu đựng cuộc hôn nhân tù túng (ảnh minh hoạ) |
Người ta chỉ thấy ưu điểm của một gia đình đông đủ, xã hội cũng chỉ đề cao những mái ấm vẹn toàn, chứ trên thực tế, cuộc sống hậu ly hôn của nhiều người cũng rực rỡ không kém, thậm chí đáng sống hơn những "mái ấm" chỉ còn cái vỏ bọc mang tính hình thức.
Có điều, ít ai thừa nhận ly hôn mới thực là liều thuốc hữu hiệu để chữa khối u xung đột trong gia đình. Vì sĩ diện, vì sợ điều tiếng hay vì thiếu bản lĩnh mà nhiều người e ngại, sợ ly hôn, phê phán ly hôn, để rồi cắn răng chịu đựng, từ bỏ hạnh phúc mà họ đáng được hưởng!
Theo phụ nữ TPHCM