Cuộc sống của Dung bây giờ đã đủ đầy. Chồng yêu thương, con cái, nhà cửa xe cộ đều ổn, nhưng Dung vẫn thấy cô đơn, khó chia sẻ cùng ai nỗi buồn của mình. Người làm tổn thương cô sâu sắc không ai khác ngoài mẹ ruột - người đã bỏ cha con cô đi theo người đàn ông khác, nhưng khi cơ nhỡ đã tìm về với cô.
|
Mẹ bỏ đi, ba đắm chìm trong rượu, tuổi thơ của cô đầy ắp những tổn thương (ảnh minh họa) |
Ngày mẹ bỏ đi, Dung chẳng hiểu chuyện gì. Cô chỉ nhớ mẹ nói: “Con qua ở với nội, mẹ lên thành phố kiếm tiền rồi mua đồ đẹp, búp bê gửi về cho”. Lời hứa ấy khiến cô bé 5 tuổi ngày nào cũng ra đầu ngõ đứng chờ.
Suốt tuổi thơ, Dung luôn lủi thủi. Nhà nội nghèo không có bàn học riêng, Dung lấy ghế đẩu làm bàn. Áo quần mặc thừa của anh chị họ. Đôi dép nhựa cụt mất phần đầu và mòn luôn phần gót, có dép mà như đi chân trần.
Thỉnh thoảng bà ngoại ghé thăm, mua cho Dung gói kẹo bột. Nhưng rồi bà cũng thưa tới vì ngại chạm mặt ba cô. Trong tiếng lè nhè sặc mùi rượu, ba chửi mẹ, chửi luôn cả bà. Ba đã chỉ mặt ngoại nói: “Con gái bà bỏ chồng theo trai”.
Bà nội đau ốm triền miên, ba vẫn đắm chìm trong rượu. Mỗi khi say, ông đuổi Dung khắp xóm, dọa đốt sách vở. Những lúc như vậy, Dung nhớ mẹ vô cùng. Cô chỉ ước có mẹ để được xoa dịu những lằn roi ba đánh.
15 tuổi, Dung bước vào đời. Cô bán cà phê cho một người quen. Qua các mối quan hệ, cô biết mẹ đã có chồng như lời ba nói. Nỗi uất hận trong cô trào dâng thay cho nỗi nhớ nhung. 10 năm mẹ bội ước, 10 năm ấy, có một đứa trẻ kiên định đợi chờ.
Niềm tin đổ vỡ, Dung mất phương hướng. Cô lỡ trao thân cho một chàng trai cùng xóm. Người ấy từng thề thốt yêu thương, nhưng khi biết Dung dính bầu thì chối bỏ. 18 tuổi, Dung làm mẹ đơn thân. Ngày đi sinh, dù giận mẹ, nhưng cô vẫn ước có mẹ ở bên, song đó chỉ là điều ước.
Mẹ cô chỉ xuất hiện khi Dung sắp lấy chồng. Bà trở về không phải để tặng con gái chút của hồi môn mà tìm một chỗ dựa. Thì ra, người chồng sau đã đuổi mẹ cô ra khỏi nhà vì sợ bà giành tài sản với các con của ông ta.
30 tuổi, Dung được làm vợ, làm mẹ một cách danh chính ngôn thuận. Cô gặp được chàng trai hiểu chuyện và tôn trọng vợ, dù anh chưa từng lập gia đình. Thế nhưng, sự hiện diện của mẹ trong nhà luôn khiến cô khó xử.
Đối diện với mẹ là đối diện với quá khứ đầy đau khổ và tổn thương. Cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ, cô phần nào thông cảm nỗi khổ của bà, nhưng cô vẫn không hiểu: Mẹ có thể bỏ một người chồng rượu chè, bạo lực; còn đứa con gái chẳng lỗi lầm gì, sao mẹ lại vô tình đến thế?
Câu hỏi ấy Dung không nỡ hỏi, dù rất muốn nghe lời thanh minh từ mẹ, nhưng thấy bà quá tàn tạ, Dung lại xót thương.
Mặc dù được chồng và mẹ chồng thương yêu, nhưng cuộc sống làm dâu không tránh khỏi những va chạm. Con em - con chúng ta; mẹ anh - mẹ em… nhiều hôm đi làm về, chỉ cần thấy không khí trong nhà lắng xuống, Dung đã lờ mờ hiểu chuyện.
Mẹ chồng vốn nền nếp gia giáo. Chồng mất đã lâu mà bà vẫn ở vậy chăm con. Trong khi đó, mẹ Dung ngược lại. Chuyện giữa 2 bà sui luôn khiến vợ chồng Dung đau đầu.
Cân bằng các mối quan hệ chiếm thời gian không nhỏ của Dung. Hơn ai hết, cô rất quý trọng 2 tiếng “gia đình”. Thăng trầm lấy đi của Dung nhiều nước mắt, nhưng đang bù đắp cho cô một mái ấm. Có được hạnh phúc hôm nay, với cô đã là điều may mắn.
|
Dù mẹ có là ai, từng phạm phải sai lầm gì, tình mẫu tử là điều không gì thay thế được (ảnh minh họa) |
Sự trở về đường đột của mẹ ruột dẫu bất ngờ, nhưng trong tiềm thức, đó vẫn là điều Dung khao khát. Vì dù mẹ có thế nào, bà vẫn là người sinh ra cô, và là người duy nhất 2 đứa con cô gọi bằng bà ngoại.
Cuối cùng, Dung chọn tha thứ cho mẹ. Đó là cách tốt nhất để Dung thấy tâm mình thanh thản và cũng là thực hiện một phần trong di nguyện của ba: “Nếu mẹ có quay về, con đừng đuổi bà ấy đi”...
Theo phụ nữ TPHCM