Trước ngày cưới, mẹ dò hỏi bà thông gia tương lai: “Chị có muốn vợ chồng chúng về quê sống cùng không?”. Hiểu được sự lo lắng của mẹ, bà thông gia xua tay: “Không không, sống ở đâu tùy 2 đứa quyết định”.

Nghe vậy, mẹ mới yên lòng gả đứa con gái cưng. Mẹ sợ con phải về với ruộng đồng, làm dâu vất vả.

Con rể không đồng ý sống ở nhà cha mẹ vợ. Chiều theo gợi ý của mẹ, 2 đứa thuê căn nhà gần đó, chồng xây dựng công trình, vợ là cô giáo mầm non. Thương con, mỗi ngày mẹ sang nhà giúp đi chợ, nấu ăn. Đến lúc cháu chào đời, một tay mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Mẹ bảo 2 đứa cứ yên tâm lo làm, mẹ sẽ giữ cháu, đừng đưa cháu đến nhà trẻ quá sớm, ông bà chăm sóc an tâm hơn. 

Được mẹ quan tâm, thương yêu nhưng anh con rể luôn không hài lòng. Không dám phản ứng ra mặt, anh dùng dằng cau có mỗi khi mẹ tham gia bàn bạc việc nhà. Anh không muốn mẹ nấu nướng giúp. Ban đầu, con rể còn miễn cưỡng ngồi vào bàn ăn, sau anh nói với vợ, bảo nhắc khéo mẹ đừng đến nấu nữa, cực nhọc lắm, mẹ giữ cháu đã đủ mệt rồi. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, đi làm về, vào bếp một chút là xong. 
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con gái nghe lời chồng, thủ thỉ cùng mẹ. Mẹ giận, trách con rể không biết thương vợ. Cả ngày mệt mỏi với mấy chục đứa trẻ, ban đêm còn nhiều lần thức giấc mớm sữa, thay tã cho con. Mẹ giúp được phần nào thì mừng phần ấy, sao lại có thái độ khó chịu như vậy. Rồi mẹ nói luôn, 2 đứa không phải quá nghèo túng, đừng tiết kiệm đến nỗi bữa sáng đàng hoàng cũng không dám ăn.

Con gái của mẹ lúc còn son chưa bao giờ phải ăn qua loa khoai luộc hay gói xôi nhỏ xíu như vậy. Bữa ăn sáng rất quan trọng, hãy để mẹ chuẩn bị cho. Đuối lý, con rể cúi mặt, làm thinh.

Đứa trẻ hơi ấm đầu, mẹ chuẩn bị gọi taxi đi bác sĩ. Con rể cằn nhằn, cháu mọc răng hay trục trặc gì đó xíu thôi, đừng chuyện bé xé ra to, quanh năm suốt tháng hở chút bồng đến bác sĩ. Con nít mà chăm chút quá sẽ không có sức đề kháng tốt, bệnh liên miên.

Cứ nhìn mấy đứa nhỏ ở quê, cù bơ cù bất mà đứa nào đứa nấy có bị gì đâu. Tiện tay, con rể hái trái khế chua trên chậu cảnh cho con. Đứa trẻ đưa lên miệng thử, có vẻ thích thú. Không giữ được bình tĩnh, mẹ gào lên: “Con nít nhỏ xíu, mới sáng chưa ăn gì mà đưa trái khế chua lè cho nó. Bao nhiêu là bụi bặm bám lên, còn chưa rửa nữa”.

Con rể không nói gì, mặt hầm hầm, lẳng lặng bế con ra nhà sau. Mẹ giận run người, cho rằng con rể nghĩ mẹ chăm cháu không tốt, đứa bé thường bệnh vặt là do mẹ.

Trưa hôm đó, cháu bị rối loạn tiêu hóa. Mẹ được dịp nói một tràng với vợ chồng con, cho hả dạ. Con gái vừa thương chồng, vừa thương mẹ, bối rối đứng giữa, không biết phải làm sao.

Bẵng vài tháng, con gái lại to nhỏ cùng mẹ rằng chồng không muốn thuê nhà nữa, định thu xếp về quê. Con không thích sống ở quê, nhưng chồng tính sao thì phải nghe vậy. Mẹ lại giận, sao con của mẹ có thể sợ chồng đến thế, mọi thứ lớn nhỏ đều để chồng quyết định, không dám góp ý nửa lời.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con gái chưa từng biết cuộc sống quê vất vả như thế nào, liệu bao lâu mới có thể thích nghi? Đang sống yên lành ở đây, về quê rồi công việc ra sao, chuyện chăm sóc học hành của cháu cũng ít nhiều trở ngại. Mẹ khuyên con gái lựa lời nói với chồng, vợ chồng nên lắng nghe nhau, đừng tự ý quyết định. 

Chẳng biết con gái nói những gì khiến vợ chồng cãi một trận ầm ĩ. Hàng xóm kể lại, con rể bảo cảm giác ngột ngạt khi mẹ luôn xen vào cuộc sống của 2 đứa. Anh muốn không gian riêng, hứa sẽ bàn mọi chuyện với vợ trước khi làm điều gì đó. Đổi lại, vợ đừng chuyện nhỏ chuyện to gì cũng nói với mẹ.

Cả hai đã trưởng thành, có thể làm chủ gia đình riêng, anh không muốn cha mẹ cứ “soi” rồi cầm tay chỉ việc. Nghe đến đây, mẹ thừ người, thở dài, nhận ra thương con quá cũng không ổn. 

Theo phụ nữ TPHCM