Hẳn nhiều chị em đều biết câu nói đại ý rằng “Người nguyện ý tiêu tiền cho bạn, chưa chắc đã yêu bạn. Nhưng người không nguyện ý tiêu tiền cho bạn, thì chắc chắn là không yêu bạn”. Rồi thì "Anh ấy làm được 10 đồng cho bạn 9 đồng rất khác với anh ấy làm được 1.000 đồng mà chỉ cho bạn 10 đồng…".
|
|
Chị em hay dặn nhau: "Tâm đàn ông ở đâu thì tiền họ đặt ở đó" (ảnh minh họa) |
Ngân có cô bạn thân chưa lấy chồng. Nhiều năm cô ấy là “người tình để dành” của ông sếp đã có gia đình. Sếp dành cho bạn nhiều ưu ái trong công việc, hào phóng chi dùng cho phía cô ấy.
Chưa bao giờ Ngân ủng hộ mối quan hệ sai trái của bạn, càng không lọt tai phương châm “tiền ở đâu tâm ở đấy, bào được bao nhiêu thì bào” của bạn. Ngân thường bày tỏ sự khó chịu trước lý lẽ sống sượng và thực dụng của bạn.
Ngân yêu và kết hôn với một anh đồng nghiệp. Biết anh chưa có gì nhiều, còn ở nhà thuê, ăn cơm bình dân, thu nhập làm được phần lớn gửi về quê cho bố mẹ trả nợ và phụ giúp nuôi em, nhưng Ngân chẳng nề hà.
Anh được bố mẹ cho mảnh đất nhỏ ở quê, Ngân cũng vô tư nói anh cứ tự đứng tên làm tài sản riêng trước hôn nhân. "Có sao đâu, tiền bạc nào mang lại hạnh phúc, mình càng độc lập thì chồng càng xem trọng", Ngân trả lời cô bạn gái như thế khi được nhắc nhở.
Ngân sinh con đầu lòng, hàng tháng lo chi dùng cho cả gia đình, nhưng cũng chưa từng thấy bản thân thua thiệt hoặc yêu cầu chồng chu cấp gì. "Em lo được, anh cứ yên tâm", Ngân thường khẳng khái nói với chồng như vậy.
Chồng Ngân có vẻ nhẹ nhõm trước thái độ hiểu chuyện của vợ, mà quên mất, sống giữa thành phố trăm mối lo này, Ngân cũng mệt mỏi áp lực với gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai. Anh làm được bao nhiêu, Ngân không biết, bởi trước đã chẳng hỏi rõ hay phân chia gì với nhau, nên Ngân ngại hỏi thì chồng tự ái.
"Anh có cái gì cho em, anh nói đi!", Ngân tức tưởi hét lên câu ấy, khi anh tỏ ra không hài lòng với lời đề nghị xa gần của vợ. Mà có gì đâu, Ngân chỉ bảo, là muốn anh phụ Ngân khoản tiền học tiếng Anh cho bé Bo. Giờ con mỗi ngày mỗi lớn, các thứ cần chi tiêu cũng nhiều ra, mình Ngân với mức lương văn phòng khó mà trang trải hết.
Ngân cũng không muốn con phải sống trong thiếu hụt giống như mẹ nó, mua gì ăn gì cũng đắn đo cân nhắc, chọn thứ rẻ tiền. Chỉ thế thôi mà chồng Ngân đùng đùng lên, đòi dọn ra ở riêng, chứ "không muốn chung sống với những kẻ thực dụng" như lời anh kết luận. Rồi trước sự bất ngờ tới bàng hoàng của Ngân, anh bỏ đi thật, mặc kệ mấy mẹ con loay hoay…
Ngân đến với anh không phải vì giàu sang vật chất, càng không tơ hào tới của cải gì nhà anh, nên choáng váng khi nhận lại cái kết đắng ngắt như này? Biết chuyện, cô bạn cười buồn bảo Ngân bớt sĩ diện và mơ mộng đi. Cuộc sống cơm áo gạo tiền chẳng phải nơi để đàn bà tưởng tượng mấy pha ngôn tình trên phim ảnh. Mà nói cho ngay, chẳng phải chị em cũng đều mê mẩn các anh “tổng tài” nhiều tiền và phóng khoáng, chứ yêu sao nổi những nam nhân đã nghèo còn vô tâm, ích kỷ?
Có khó lắm không để tìm một nam nhân “bên ngoài ấm ấp bên trong nhiều tiền”? Hay chỉ cần anh ấy chân thành, siêng năng, cầu tiến, là mừng rồi. Quan trọng nhất là anh ấy có tấm lòng dành cho bạn.
Đã xưa rồi cái câu “Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà”. Bây giờ, vàng, hay nói cách khác là tiền tài, cũng là “thuốc thử” cho quý ông. Nam giới rất thực tế và coi trọng tài sản. Tiền bạc đàn ông để ở đâu, thì tâm họ ở đó, chính là chân lý mà chị em dần thấm thía…
Vậy nên, chị em đừng cho rằng mình độc lập, mình không cần tiền của chồng. Tiền không phải là tất cả, nhưng đó cũng là thước đo đơn giản và dễ nhận biết nhất của một người đàn ông. Họ có chí thú làm lụng, có sẵn lòng mang tiền về cho vợ, hay chỉ mang ưu phiền về? Lo kinh tế gia đình cũng là trách nhiệm mà một người đàn ông đương nhiên cần gánh vác và chia sẻ. Giữ khư khư túi tiền rồi miệng nói yêu thương, thì chẳng thể nào tin cậy trông mong gì được rồi!
Theo phụ nữ TPHCM