Trên chuyến tàu từ quê trở lại thành phố, anh trai tôi rất vui mừng, hào hứng. Anh nói về dự định sắm sửa đủ thứ từ số tiền thừa kế vừa nhận từ nhà nội. Còn tôi đang nghĩ đến mẹ, thấy chẳng vui thú gì.

 
leftcenterrightdel
 Anh em tôi bất ngờ nhận được tiền thừa kế của ông nội. Ảnh minh họa

 

Cách đây hơn 15 năm, cũng trên chuyến tàu cùng hành trình như thế, mẹ đã đem hai con rời quê chồng. Khi ấy, ba tôi vừa mất, mẹ không thể nương tựa được nhà nội nên đưa chúng tôi đi.

Tôi không rõ những khúc mắc giữa mẹ và ông bà nội, nhưng từ đó, mẹ không bao giờ trở lại quê chồng. Mẹ không đi bước nữa mà ở vậy, làm lụng vất vả để nuôi anh em tôi khôn lớn.

Sau này, các chú bên nhà nội tìm cách liên lạc với anh trai tôi. Thỉnh thoảng, tôi cùng anh trai về quê để thăm ông bà. Lần gần nhất, đã hơn ba năm, khi ấy chúng tôi về chịu tang ông nội.

Lần này, tôi rất bất ngờ khi nhận được điện thoại của chú ruột gọi về quê bàn việc gia đình. Sau khi mãn tang ông nội, các cô chú bán tài sản đất đai ông bà để lại chia đều cho những người con theo di chúc. Nếu theo luật thì phần thừa kế của ba sẽ được chuyển cho ba mẹ con tôi nhưng do các chú vốn không ưa mẹ nên chỉ gọi tôi và anh trai về nhận tiền.

Tôi thấy như thế thiệt thòi cho mẹ nên bàn với anh trai muốn dùng số tiền đó để sửa sang lại nhà cửa cho mẹ và gửi tiết kiệm cho bà dưỡng già. Hiện tại, hai anh em tôi đều đã có gia đình riêng và sống ổn ở thành phố, còn mẹ sống một mình ở quê ngoại.

Tôi nghĩ, mẹ đã vất vả cả đời để nuôi hai con, bây giờ phần thừa kế của ba nên dành lại cho mẹ. Bởi mẹ không có lương hưu, kinh tế của hai anh em chỉ đủ sống cũng không phụ giúp được nhiều. Mẹ ở trong căn nhà cũ ông bà ngoại để lại, trồng rau, nuôi gà, buôn bán lặt vặt ở chợ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Mỗi lần về quê, nhìn căn nhà cũ ọp ẹp mẹ ở, chỉ cần một cơn bão mạnh là có thể sập bất cứ lúc nào, tôi lại xót xa. Nhiều lần tôi bàn với anh trai chuyện sửa sang nhà kiên cố hơn cho mẹ, nhưng anh luôn nói không đủ tiền, vì còn phải lo cho con cái rồi trả nợ mua nhà. Bây giờ, nhân cơ hội có khoản tiền lớn, tôi muốn thực hiện ngay dự định sửa nhà đó.

Tôi bàn với anh trai, dùng số tiền thừa kế đó để sửa nhà và cho mẹ dưỡng già nhưng anh không đồng ý. Ảnh minh họa
Tôi bàn với anh trai, dùng số tiền thừa kế đó để sửa nhà và cho mẹ dưỡng già nhưng anh không đồng ý (Ảnh minh họa)

Khi tôi vừa mở lời, anh trai tôi gạt phắt với giọng bực tức: “Chuyện nào ra chuyện đó, tiền này các chú nói chỉ cho hai cháu, chẳng liên quan gì đến mẹ”. Anh chỉ muốn chia số tiền làm hai, tôi muốn làm gì với phần của tôi thì làm còn anh toàn quyền sử dụng phần của mình. 

Tôi đề nghị chia ba phần, cho mẹ một phần, nhưng anh không chấp thuận. Anh vẫn khẳng định, tiền này là của nhà nội cho hai anh em, mẹ không có phần. Tôi giải thích, các chú làm vậy vừa sai luật thừa kế, vừa cạn tình, anh khẳng định: "Đất lề quê thói, các chú chia sao thì nhận vậy, nói lằng nhằng làm gì. Nếu cô muốn đưa cho mẹ phần của cô thì tùy, còn anh, anh có việc khác".

Vì chuyện này mà anh em tôi bất hòa. Anh về kể với vợ, chị dâu gọi điện mắng tôi tham lam, khiến tôi rất khổ tâm. Tôi chỉ muốn xây nhà cho mẹ, nhưng dùng hết phần tiền thừa kế của tôi cũng không đủ. Tôi chán chường thái độ của anh. Mẹ đã chịu bao tủi nhục vất vả để chúng tôi có ngày hôm nay, nhưng nhắc đến việc lo cho mẹ, lần nào anh cũng thoái thác...

Theo phụ nữ TPHCM