Stacey - 42 tuổi, ở Anh - đã sẵn sàng chấm dứt cuộc hôn nhân với chồng từ đầu năm 2022. Người mẹ của 3 đứa trẻ bắt đầu tìm kiếm các bất động sản cho thuê và nghiên cứu các quyền lợi cô có thể được hưởng. Nhưng sau đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ập đến khiến mọi dự định đều thay đổi.

Chồng là trụ cột gia đình, kiếm được gấp đôi so với mức lương của Stacey và cô biết mình không đủ khả năng để sống độc lập, chăm con. Hiện tại, cả hai mắc kẹt trong cuộc hôn nhân và “rất không hạnh phúc”. Chồng cô ngủ trong phòng trống và 2 người đã chính thức ly thân.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Stacey nói: “Tôi rất đau khổ, nhưng không thể làm gì khác”. Khi nói đến khủng hoảng tài chính, phụ nữ luôn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Đối với Stacey, những vết nứt bắt đầu xuất hiện trong cuộc hôn nhân của cô sau khi sinh đứa con thứ ba. Cô nói: “Dev trở nên bực bội vì anh ấy không còn ở vị trí đầu trong danh sách ưu tiên của tôi. Chúng tôi luôn cãi vã và tôi thấy rõ rằng chúng tôi nên chấm dứt mọi chuyện”.

Tuy Stacey đã có kế hoạch chuyển đến một ngôi nhà thuê, cô sớm nhận ra rằng điều này là không thể. Cô giải thích: “Tôi không thể tiết kiệm tiền đặt cọc và sau đó tôi nhận ra rằng mình cũng sẽ không bao giờ có khả năng mua một căn nhà đủ lớn cho tôi và bọn trẻ. Dev là trụ cột kinh tế chính. Tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại”.

Theo nghiên cứu của Công ty Quản lý tài sản Legal & General (London, Anh), những lo ngại về tài chính - bao gồm thu nhập, áp lực về chi phí sinh hoạt và án phí ly hôn - đã trì hoãn 19% vụ ly hôn gần đây tại xứ sở sương mù, ảnh hưởng đến khoảng 272.000 cặp đôi.

Một khảo sát khác của Công ty luật Slater & Gordon cho thấy, 35% số người được hỏi thừa nhận cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã ngăn cản họ bắt đầu thủ tục ly hôn. Hiện tại, đây cũng là lý do phổ biến nhất, đứng trước cả những lo lắng về con cái. Với chi phí ly hôn trung bình ở Anh vào khoảng 14.561 bảng Anh (hơn 470 triệu đồng), nhiều đôi buộc phải duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Đối với những đôi đã chia tay nhưng không đủ khả năng chuyển đi, ngày càng có nhiều người lựa chọn chia sẻ ngôi nhà chung của gia đình. Sau khi ly hôn, cặp vợ chồng vẫn giữ lại ngôi nhà nơi bọn trẻ lớn lên và thay phiên nhau ở đó với các con mỗi tuần. Thời gian còn lại, họ ở trong một căn hộ bên ngoài hoặc nơi ở riêng khác.

Lựa chọn này ít gây gián đoạn cho cuộc sống bọn trẻ, nhưng lại có thể khiến chúng bối rối về chuyện tình cảm của cha mẹ. Luật sư Joanna Farrands của Công ty Luật Moore Barlow (Anh) nhận xét: “Một thỏa thuận về chiếc tổ chung để nuôi dạy bọn trẻ chỉ khả thi trong ngắn hạn. Về lâu dài, khẳng định rõ ranh giới là yếu tố quan trọng nhất”.

Theo phụ nữ TPHCM