leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tiết kiệm từng là sở đoản của tôi. Kiếm tiền đã vất vả, lại phải dè sẻn chi tiêu khiến tôi thấy cuộc sống thật mệt. Thế nên, thay vì tiết kiệm, tôi phân bổ một món tiền để phòng thân, một khoản cho những chuyện lâu dài, còn lại cứ chi tiêu theo nhu cầu.

Thế nhưng, mọi thứ thay đổi sau COVID-19. Tôi không bị ảnh hưởng thu nhập, nhưng những ngày tháng dài trong căn hộ ở TPHCM với nguồn thực phẩm có hạn, từng gói muối, củ hành đều trở thành “tài sản", vô tình tạo cho cả nhà một nếp sống vừa đủ.

Hồi đó, việc nấu được một nồi chè hạt sen, nồi xôi trắng ăn với thịt kho cũng trở thành “sự kiện". Chúng tôi không ra ngoài, không dùng đến xe hơi, không tụ tập bạn bè… và chợt nhận ra, với những nhu cầu tối giản đó, mình vẫn sống ổn.

Những ký ức về đại dịch đã trôi đi, nếp sống thành phố đã trở lại - xe cộ ken đặc, chợ búa siêu thị luôn đông đúc, nhưng người phụ nữ trong tôi đã khác. Chồng tôi nói: “Thần tiết kiệm nhập vào em rồi”. Cũng đúng, nhưng tôi không tiết kiệm vì mục tiêu tài chính mà như một sự trân quý với từng món đồ mình dùng, từng thức ăn mình tiêu thụ. Tôi rành rẽ nhà còn bao nhiêu dầu, gạo, mắm, muối, khi nào thì cần mua; không giống như cái thời cứ cuối tuần là cắp giỏ đi siêu thị và mua mọi thứ mình nghĩ là cần.

Nếu trước đây, việc mua sắm dựa trên hiểu biết về sản phẩm thì bây giờ, nó dựa cả vào hiểu biết về nhu cầu của gia đình. Tôi mặc kệ những trào lưu, những làn sóng tiêu dùng, kệ luôn những đợt “sale” hoành tráng. Chỉ khi nhà cần, tôi mới tìm hiểu để mua.

Trước đây, tôi cứ “đến hẹn lại mua". Quần áo, đồ dùng của chồng con sẽ được mua theo mùa và theo cảm hứng của mẹ/vợ. Chồng tôi hầu như không có nhu cầu gì khác, thỉnh thoảng anh còn phát cáu vì: “Quần áo còn đầy cái chưa tháo tag mà em cứ mua cho lắm”. Các con thỉnh thoảng phát sinh một nhu cầu nho nhỏ thì lập tức được mẹ đáp ứng gọn lẹ. Còn bây giờ, vì chỉ mua khi cần, tôi luôn quan sát, trao đổi với “khổ chủ" trước khi sắm.

Mùa khai giảng năm nay, tôi hỏi các con có muốn đổi cặp không. Từ chuyện “đổi hay không đổi", mấy mẹ con cùng chia sẻ bao nhiêu suy nghĩ xung quanh chiếc cặp tưởng vô tri này. Hóa ra, bọn trẻ không có nhu cầu thay cặp hay bất kỳ đồ dùng học tập nào chỉ để cho mới. Với những món đồ rất “được việc" và đã trở nên thân thuộc, con muốn dùng hoài. Vậy mà suốt nhiều năm, tôi đã tạo cho con một quán tính vô nghĩa - cứ hết năm học là thay mới toàn bộ đồ dùng, cho tươi mới. Không chỉ lãng phí, điều này còn tước đi của bọn trẻ những cảm xúc đẹp đẽ và lành mạnh về sự gắn bó và trân trọng đồ dùng.

Trong không khí của sự tiết kiệm, từng món đồ trong nhà đều được mọi người nâng niu. Chồng tôi như “cá gặp nước", anh than thở rằng chiếc tủ quần áo luôn chật ních mỗi lần anh mở cửa. Anh chủ động soạn ra những món đồ ít mặc rồi nhờ vợ mang cho người cần. Anh từ chối tất cả những lần vợ đề nghị mua cho anh món đồ gì đó, viện dẫn rõ ràng là anh có mười mấy cái áo sơ mi, cả chục cái quần tây còn ngon lành. Thắt lưng, cà vạt, mũ nón không thiếu kiểu nào. Thế là tôi thôi. Chồng bảo toàn tủ quần áo của mình, tránh được sự “xâm lăng” từ cơn cao hứng sắm sửa của bà vợ, trông anh… bình yên hẳn.

Việc tiết kiệm mà tôi từng nghĩ là “nhức đầu", nay lại làm cho cuộc sống nhẹ nhõm và nhịp nhàng quá đỗi. Nhà có 4 người, nhưng có đến 2 chiếc xe hơi. Vốn không thích lái xe trong thành phố nên xe của tôi luôn phủ bụi dưới hầm chung cư. Trong lúc quan sát và cân đối nhu cầu, tôi quyết định bán xe. Vợ chồng nhẹ hẳn một gánh nặng cho việc rửa, bảo dưỡng xe định kỳ.

Nhà chỉ còn chiếc xe của chồng và nó được trưng dụng cho những bữa ăn sáng bên ngoài của cả nhà vào cuối tuần. Nhưng nghĩ lại, tuần nào cả nhà cũng mệt mỏi vì phải lái xe lòng vòng kiếm chỗ đậu. Từ chỗ ăn sang quán cà phê lại phải vòng mấy lượt nữa để tìm chỗ đậu xe. Chồng tôi quyết tâm… giải tán, đi taxi cho lẹ, vừa nhàn thân, vừa góp phần giảm tải cho các bãi đậu xe ở trung tâm thành phố.

Tiện nghi cuộc sống vẫn không thay đổi, thậm chí còn… tiện nghi hơn khi vợ chồng đều nhàn nhã hơn trong từng lần dọn nhà, mỗi khi mở cửa tủ quần áo, mỗi lần dọn tủ lạnh hay những lúc cả nhà hẹn hò bên ngoài. Chi phí sinh hoạt trong gia đình giảm gần nửa. Nhưng đặc biệt, tôi được gần chồng, gần con hơn trong từng nhịp sinh hoạt. Từng món đồ được “chốt đơn" theo hứng trước kia, bây giờ chỉ xuất hiện cùng câu chuyện về nhu cầu, tâm tư của một ai đó trong nhà. Mua một món đồ là biết nó được mua vì ai, vì nhu cầu nào. Chỉ nghĩ vậy thôi đã thấy việc sống tiết kiệm, sống trong hiểu biết về nhu cầu của mình là một điều vô cùng đẹp đẽ.

Theo phụ nữ TPHCM