leftcenterrightdel
 Sự tằn tiện đã ăn vào máu chị, chồng con không thể can thiệp (ảnh minh họa)

Gần đây, chị ăn uống khó tiêu, uống bao nhiêu thuốc cũng không đỡ. Chồng, con, bạn bè, đồng nghiệp đều giục chị đi Sài Gòn khám chuyên khoa; nhưng nhà cách Sài Gòn đến 5 tiếng đi ô tô, lại không muốn nghỉ phép, chị lần lữa mãi. Đến khi chuyện “đau dạ dày” càng lúc càng trầm trọng, chị mới chịu đi khám.

Nhưng đi với ai, đi xe nào, đi lúc nào, có ở lại đêm không… Chị cân lên, đặt xuống mãi vẫn chưa chốt được. Ông chồng nằng nặc đòi đưa đi, chị gạt phăng: đã mất công vợ rồi còn mất công chồng, vô lý!

Xót chị, cô em ruột nói sẽ lái xe chở chị đi về trong ngày, sẽ đặt lịch khám trước để đảm bảo chị không phải chờ đợi. Chị ậm ờ, ra chiều yên tâm. Nhưng trưa hôm sau, chị gọi điện báo “đã khám xong, đang trên đường về”. Cả đi cả về mất 10 tiếng, lại còn tốn thời gian khám, vậy chị đi từ lúc nào mà bây giờ đang trên đường về? Em gái gọi anh rể để kiểm tra thì đúng là chị đi từ… 1g đêm, theo xe hàng của cậu hàng xóm.

Chị về đến nhà, ai nấy đều mừng rỡ vì chị không bị bệnh gì nặng, chỉ “trào ngược dạ dày”, uống thuốc và điều chỉnh sinh hoạt là ổn. Dẫu vậy, cô em vẫn cứ băn khoăn, lôi chị ra hỏi chuyện, sao không để em đưa đi, sao lại khám nhanh đến vậy trong khi có bao thứ cần kiểm tra, xét nghiệm. Chị cười nụ cười… chiến thắng, nói, chị tính lâu rồi. Cậu em hàng xóm tuần nào cũng xuống Sài Gòn nhập hàng, đi giấc nửa đêm và quay xe về lúc 9g sáng. Chị chỉ định quá giang 1 chiều đi thôi, nhưng ai dè xuống đến nơi, khám bệnh suôn sẻ xong mới chỉ hơn 8g nên chị gọi em ấy qua đón về luôn. Vậy là cả đi cả về chẳng mất đồng tiền xe nào.

Cô em chất vấn, sao khám nhanh vậy được, chị khám có vào đúng bệnh viện X, khoa Y không. Chị cười, cần gì. Chị vừa đến cổng thì có mấy người lại hỏi thăm, rồi dắt chị vào phòng khám gần bệnh viện. Ở đó cũng có bác sĩ chuyên khoa, nhưng khám nhanh, không phải chờ đợi, giá cả cũng phải chăng nên chị khám luôn cho kịp chuyến xe về.

Nghe đến đây, cô em nói như khóc: “Chị đúng là hết thuốc chữa! Tiếc gì một buổi làm, mấy trăm ngàn tiền xe mà đi khám bệnh cái kiểu ấy. Đã xuống tới Sài Gòn thì phải vào đúng chuyên khoa, sao lại đi bừa vô một phòng khám để khám cho nhanh”. Lần này, cô em quyết “quậy tưng bừng” cho chị tỉnh ngộ.

Chẳng biết chị nợ nần gì với thời gian và tiền bạc mà dù con cái đã lớn, nhà cửa khang trang, vợ chồng rủng rẻng chờ ngày về hưu, chị vẫn tiết kiệm từng đồng. Chị tiết kiệm cho gia đình, rồi tiết kiệm cho cả bạn bè, cơ quan. Việc khám bệnh sẽ tốn thời gian và tiền bạc của chị; nhưng nếu có ai đó đòi đưa chị đi, lo cả tiền khám cho chị thì chị sẽ càng… phát khiếp; vì nếu vậy, chị sẽ mất phần tính toán, họ có thể sẽ không chi li được như chị, sẽ càng tốn kém cho họ.

Sự toan tính đã ăn vào máu chị, dù đôi lúc chẳng để làm gì. Nếu có hẹn với ai đó thì từ lúc bắt đầu đi, chị đã gọi điện thông báo “tui tới nơi rồi” để bên kia lo mà đi cho sớm. Phần mình, nói xong, chị lại chạy như bay để đảm bảo có mặt trước khi khách xuất hiện. Nhiều người biết “cái nết” này của chị đã mắng chị nói dối. Đứa em ruột hiểu chị nhất, thẳng thừng gọi tên việc đó là: “Ăn gian! Chị nói gian rồi phải chạy nhanh, bất chấp nguy hiểm để tới cho kịp giờ. Chị ăn gian với cuộc đời chị làm gì vậy?”.

Nhưng dù ai nói sao, chị vẫn không bỏ được thói quen tính toán. Ở nhà, chị phải lo toàn bộ chuyện nhà cửa, cơm nước. Hễ có ai mời đi ăn mà xét thấy không thể từ chối được, thì khi đến nơi, chị sẽ hớn hở nói: “Lát cho mình 2 phần đem về cho ông Tín và thằng Tèo nhé!”.

Khi đứa em ruột bóc mẽ cái tật tính toán này, chị nói: “Nhà nào có khách mà chẳng nấu dư thừa ra, chị xin đem về thì được cả đôi đường”. Dù hiểu chị, đứa em gái vẫn bực bội, bất bình vì chị quá cực lòng. Ở mọi không gian, mọi cuộc gặp, chị luôn quan sát, để can thiệp sao cho mọi thứ tiết kiệm nhất. Tất nhiên, đạt những hiệu quả cỏn con, nhưng những tính toán đó đôi khi lại gây ra những thiệt hại khổng lồ.

Cái thiệt lớn nhất là ở tinh thần chị không được thảnh thơi, là sự nguy hiểm khi chị phải phóng thật nhanh cho kịp một lời nói dối, phải khám bệnh xuê xoa cho kịp một chuyến xe. Và thiệt thòi lớn khác là chồng con - những người gần gũi chị nhất - dần trở nên vô tâm, vô cảm, để mặc chị tính toán. Rồi chính họ cũng lơ ngơ trước cuộc đời, ngơ ngác trước những hậu quả do những phép tính già hóa non của chị gây ra.

Cô em phơi bày kết quả khám bệnh của chị là từ một phòng khám không đáng tin. Cả nhà ngỡ ngàng, lên án và đòi chị phải đi khám lại. Mọi người buộc chị phải đi cùng chồng và em gái. Nghe phân tích xong, chị lại ậm ờ, nói “thôi đành”. Lời than trách của đứa em gái vẫn văng vẳng bên tai: “Bao giờ chị mới thôi tiết kiệm mù quáng để ngừng phung phí cuộc đời đây?”. 

Theo phụ nữ TPHCM